VNTB – Bảo vệ an ninh quốc gia theo yêu cầu của đảng cộng sản Việt Nam

VNTB – Bảo vệ an ninh quốc gia theo yêu cầu của đảng cộng sản Việt Nam

 

Ngọc Lan

 

(VNTB) – “An ninh chính trị là then chốt; an ninh kinh tế, an ninh con người là trung tâm; an ninh tư tưởng – văn hóa là nền tảng tinh thần; an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh mạng là thường xuyên; an ninh đối ngoại là quan trọng”

 

Mới đây Bộ Công an đã cho tổ chức một hội thảo với tên gọi: “Tư duy mới về bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam” .

Theo phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nói rằng “việc thường xuyên nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng về bảo vệ ANQG là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Công an nhân dân; góp phần làm sâu sắc, lan tỏa những nội dung mới, cốt lõi quan điểm an ninh chủ động và toàn diện của Đảng tại Đại hội XIII”.

Như vậy, vấn đề bảo vệ ANQG ở Việt Nam ra sao là tùy thuộc vào yêu cầu ở từng thời kỳ của Đại hội đảng.

Theo tướng Quang, thì hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện sâu sắc hơn nữa Chỉ thị số 01 ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đánh giá kết quả quán triệt của ngành Công an sau gần 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như làm rõ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

“Hội thảo cũng góp phần khẳng định, lan tỏa những nội dung mới, cốt lõi về quan điểm an ninh chủ động và toàn diện của Đảng tại Đại hội XIII ở cuốn sách “Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ biên, đã được giới thiệu đến toàn lực lượng công an nhân dân, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào ngày 30/11/2021”, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Chỉ thị số 01 ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị thuộc lãnh vực “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Còn quyển sách dày 280 trang do Bộ trưởng Công an Tô Lâm chủ biên mà hội thảo đề cập đến, yếu tố về bảo vệ ANQG được xem ‘có tính mới’, là về “Kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Với cách tiếp cận “An ninh toàn diện” của Đảng và Nhà nước, việc bổ sung “An ninh con người” vào chiến lược ANQG là cần thiết. Điều này cũng phản ánh quan điểm lấy người dân là trung tâm trong các chiến lược Quốc gia gần đây và sâu xa hơn là bản chất nhân văn của chế độ ta” – trích tham luận tại hội thảo.

Hội thảo còn bàn luận việc thực hiện yêu cầu của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng lực lượng công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thể hiện tư duy mới của Đảng trong xây dựng lực lượng công an nhân dân, phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an an ninh trật tự và tiềm lực của đất nước hiện nay. 

Có sáu nhóm vấn đề được thảo luận: Những vấn đề chung về bảo vệ ANQG; Quán triệt quan điểm của Đảng trong bảo đảm an ninh con người; Quán triệt quan điểm của Đảng trong bảo đảm an ninh kinh tế; Quán triệt quan điểm của Đảng trong bảo đảm an ninh nội địa – an ninh xã hội; Quán triệt quan điểm của Đảng trong bảo đảm an ninh tại địa bàn, vùng trọng điểm; Quán triệt quan điểm của Đảng trong xây dựng, phối hợp với lực lượng bảo vệ ANQG.

Tổng kết hội thảo, tướng Lương Tam Quang cho biết ANQG theo tư duy của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thì “an ninh chính trị là then chốt; an ninh kinh tế, an ninh con người là trung tâm; an ninh tư tưởng – văn hóa là nền tảng tinh thần; an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh mạng là thường xuyên; an ninh đối ngoại là quan trọng”, cùng với xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh trở thành 5 trụ cột của “Chiến lược ANQG” đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Từ cách hiểu ở trên cho thấy Chương 13 “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật hình sự 2015 (tu chỉnh 2017), gồm các điều từ Điều 108 đến Điều 122, có thể hiểu là bất kỳ ai ‘phê phán’ Đảng đều có thể đối mặt việc hình sự hóa ở Chương 13 này, vì an ninh chính trị là then chốt nên Đảng luôn là tối cao.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Từ cách hiểu ở trên cho thấy … có thể hiểu là bất kỳ ai ‘phê phán’ Đảng đều có thể đối mặt việc hình sự hóa ở Chương 13 này”

    Finalfrigginly, cuối cùng cũng có 1 người vẫn còn khả năng đọc hiểu . Chỉ nói thế này, chúng ta cần tôn trọng pháp luật .