Long Thành
(VNTB) – Quyền con người không thể được hưởng nếu không có môi trường an toàn, sạch sẽ và lành mạnh và bền vững. Quản trị môi trường bền vững không thể tồn tại mà không ứng dụng và tôn trọng quyền con người.
Vào cuối năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã ban hành một báo cáo về tác động của thiệt hại môi trường đối với sức khỏe con người và tình trạng tử vong xảy ra ở hầu hết các nơi trên thế giới. Tử vong do thiệt hại môi trường được gọi là bệnh không lây nhiễm.
Thời điểm đó WHO tuyên bố, có 23% số ca tử vong toàn cầu liên quan đến các tác động và thiệt hại môi trường, với tổng số 12,6 triệu ca tử vong mỗi năm. Tử vong lan rộng khắp sáu khu vực, trong đó Đông Nam Á xếp hàng đầu với 3,8 triệu trường hợp, trong khi ở Mỹ là 847.000 trường hợp.
Theo UNEP, thiệt hại về môi trường đã dẫn đến một phần tư số ca tử vong trên toàn thế giới. Trong số 12,6 triệu người chết, 8,3 triệu người có liên quan trực tiếp đến hủy hoại môi trường. Khoảng 92% số ca tử vong liên quan trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Xung đột đất đai, nóng lên toàn cầu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, mất đa dạng sinh học và phá rừng, là một cuộc khủng hoảng sinh thái ngày càng phức tạp.
Tại Việt Nam, báo cáo dựa trên dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khoẻ (IHNME), số liệu năm 2017 cho thấy có hơn 71.300 ca tử vong do ô nhiễm, trong đó ô nhiễm không khí chiếm trên 52.000 ca. Nếu tính tỉ lệ tử vong do ô nhiễm, Việt Nam hiện xếp vị trí 103 với tỉ lệ 75/100.000 dân.
Tình trạng khủng hoảng sinh thái sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai tại Việt Nam nếu không có hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn.
Khai thác biến tài nguyên thiên nhiên thành chất thải độc hại nhanh hơn so với phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Tài nguyên thiên nhiên chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế, phục vụ thị trường và lợi nhuận là điều đáng bàn.
Chỉ tính riêng mảng bảo vệ rừng, mặc dù có Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp; nghiêm cấm việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ và lâm sản trái phép; không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thế nhưng vào đầu tháng 5 tại Kontum vẫn xảy ra nạn phá rừng lớn, diễn ra vô cùng phức tạp, sự tàn phá của lâm tặc vào tận lõi rừng, có dấu hiệu bao che của chính quyền địa phương.
Tình trạng tại Kontum nằm trong thực tế mảng xanh đang thu hẹp dần tại Việt Nam. Theo báo Tài nguyên và Môi trường ngày 19/03/2020, trong hai tháng đầu năm 2020, cả nước có 63,4 ha rừng bị thiệt hại, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích rừng bị cháy là 4,9 ha, tăng 69%; diện tích rừng bị chặt phá là 58,5 ha, tăng 6,2%. Rừng thu hẹp khi mà chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ có từ năm 2016.
Khai thác môi trường và tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với các vi phạm nhân quyền. Do đó bảo vệ môi trường được mô tả là điều kiện tiên quyết để đáp ứng các tiêu chuẩn và hưởng các quyền con người, đặc biệt là quyền sống và sức khỏe là quyền cơ bản cho thế hệ hiện tại và cuộc sống của các thế hệ tương lai. Đây là mối liên hệ giữa bản chất của môi trường và sự tồn tại của quyền con người.
Để đảm bảo giữ vững môi trường sống, các văn bản pháp luật phải cập nhật liên tục và điều chỉnh sâu sát các đối tượng tác động tiêu cực đến môi trường, và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quản lý môi trường.
Tại phiên họp sáng nay 26/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi tường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự án sửa đổi này chủ yếu tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như VFTA, CPTPP)…
Đáng chú ý, để giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đã có quy định thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều này phảm ảnh sự bất lực của một số chính sách và thỏa thuận pháp lý môi trường quốc tế và sự hạn chế của luật pháp quốc gia đối với sự cấp bách của bảo vệ chiến lược vì một môi trường an toàn, lành mạnh và hòa nhập.
Rất khó để hưởng thụ đầy đủ các loại quyền khi mà quyền được hưởng thụ môi trường xanh vẫn còn bỏ ngỏ. Dẫn đến tình trạng chung trong tương lai của Việt Nam là suy thoái môi trường làm xáo trộn và đe dọa một số quyền như quyền sống, sức khỏe, thực phẩm, nước, nhà ở, xã hội, văn hóa, phát triển, tài sản và nhà ở cũng như cuộc sống và tự do cá nhân.
Như vậy, nhân quyền và môi trường có mối quan hệ với nhau, quyền con người không thể được hưởng nếu không có môi trường an toàn, sạch sẽ và lành mạnh và bền vững. Quản trị môi trường bền vững không thể tồn tại mà không ứng dụng và tôn trọng quyền con người.
Mối quan hệ này ngày càng được công nhận, bởi vì quyền có một môi trường trong sạch và lành mạnh đã được quy định trong Hiến pháp nhà nước Việt Nam.
Hiến pháp 2013 được ban hành có rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và được quy định tại các Điều 43, 50 và 63, Cụ thể: Điều 43 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.” Việc quy định tại điều 43 (chương II quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người.