Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bão Yagi và bộ mặt thật của thủ đô

Nguyễn Thị Sen 

 

(VNTB) – Kết quả của việc học và làm theo gương lãnh đạo đã được phơi bày qua trận bão quét qua thủ đô với 17.000 cây xanh gãy đổ: lỗi do con người chứ không phải do bão.

 

Đến chiều ngày 8/9, hiện đã có 21 người thiệt mạng,  229 người bị thương, và 8.017 nhà ở bị hư do siêu bão Yagi. 

Bão Yagi còn càn quét qua các tỉnh phía tây bắc, gây ra lũ lụt lớn, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà trong biển nước, làm hư hại hạ tầng cơ sở và đáng lo hơn là ruộng lúa, hoa màu cũng hoàn toàn bị huỷ hoại. Hiện đã có 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.

Tuy nhiên siêu bão Yagi năm Thìn đi qua vùng phía bắc cùng thủ đô Hà Nội đã để lộ ra nhiều thứ khiến người ta căm phẫn lẫn chua xót.

 

Chất lượng các công trình xây dựng 

 

Ở Quảng Ninh, hai công trình nghìn tỷ là Bảo tàng Hạ Long và Cung Cá Heo tan hoang, đổ nát sau cơn bão khiến người ta càng nghi ngờ chất lượng của 2 công trình này.

Nhà lợp tôn bay tróc hết nóc. Các nhà để xe, nhà dựng tạm đều không chịu được sức gió của tâm bão nên bung nóc, sập nhà. Cả một dãy nhà giả cổ ở Quảng Ninh sập đổ tan tành.

Chung cư, khách sạn 5 sao 41 tầng A La Carte Hạ Long Bay  ở Hạ Long bị bể, nổ  kính hàng loạt ở cả 4 mặt nhà. Trong khi đó, nhà cao tầng ở Hà Nội nứt tường, nứt bệ cửa sổ, rung lắc do gió lớn. Thậm chí có nơi nước tràn luôn vào nhà do nước chảy không kịp, thang máy bị hư do nước mưa. Còn có nhà dân ở một chung cư cao tầng tại Hà Nội cũng bị sụp trần thạch cao

Các chung cư cao tầng bị bung kính đã được nhiều người nhắc tới do hậu quả của hiệu ứng Bernoulli, nhất là các căn góc có hai mặt kính. 

Nguyên nhân một phần do thiết kế nhưng còn những nguyên nhân không kém phần quan trọng hơn đó là mật độ nhà cao tầng quá dày, xây quá cao và chất lượng vật liệu xây dựng không đảm bảo nhằm tối đa lợi nhuận ở từng khu vực xây dựng của nhà đầu tư.

Sau cơn bão Yagi này rồi thì có lẽ người ta sẽ sợ luôn chung cư cao tầng.

​​

Gian đối trong việc trồng cây xanh đô thị

Chỉ sau 7 giờ gió lớn, toàn thành phố Hà Nội có 17.000 cây gãy đổ, trốc gốc, gãy ngang thân hay gãy cành. 

Cây gãy đè lên xe đậu trên đường, đè lên nóc nhà hay thậm chí là gây thương tích cho người tình cờ đi ngang qua đó. Chưa kể đến đường dây điện, điện cáp bị đứt do cây đổ cũng làm mất điện, có thể gây nguy cơ bị giật điện cho người qua đường. 

Hàng loạt cây cổ thụ cả trăm năm tuổi cũng bị bung gốc. Không biết bao giờ Hà Nội mới có thể có lại những hàng cây xanh để thay thế cho gần 2 vạn cây xanh bị gãy đổ trong trận bão vừa qua.

Được biết tại Hà Nội trong 3 năm (từ năm 2016-2018) đã chi hết 256 tỷ đồng trồng cây xanh.  Cuối năm 2018, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phấn khởi đưa tin đã hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trong thành phố. 

​​Đầu năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã duyệt chi hơn 1.800 tỷ đồng cho chăm sóc cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn TP Hà Nội trong 5 năm. Tuy nhiên năm 2021, đã có thông tin cây xanh và thảm cỏ Hà Nội vẫn nhếch nhác dù đã được chi tiền tỷ. 

Tham vọng của Hà Nội là trồng sao cho được 2.9 triệu cây xanh, trong đó có 1,9 triệu cây xanh cho đô thị.

Yêu cầu đặt ra cho việc trồng cây xanh của Hà Nội là “cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật.” Nhưng kỳ thật qua cơn bão này mới thấy cây của Hà Nội trồng còn không đúng kỹ thuật chứ nói gì là chăm sóc. 

Ngoài những cây cổ thụ, thì những cây được trồng mới khi trốc gốc làm lộ ra những bộ rễ ngắn, không có rễ cái mọc đâm dài sâu xuống đất hay rễ chùm toả ra xung quanh để giúp cho cây bám chắc vào đất. Bọc quanh nhưng bộ rễ ngắn đó là những bao nilon, bao gai hay thậm chí là dây cột cả rễ cây lẫn đất vẫn còn nguyên. 

Còn có những cây trông có vẻ xanh tốt khi chưa có bão, nhưng khi bị trốc gốc thì mới phát hiện ra đó là một nhánh cây không có luôn rễ được chôn xuống để giả làm cây xanh. 

Còn có những cây cổ thụ đã bị cắt gần hết rễ khi làm đường hay khi đặt cáp ngầm. Vỉa hè bị thu hẹp, khoảnh đất dành cho cây xanh cũng bị bóp lại để lát gạch vỉa hè bao kín gốc cây, đổ xi măng che kín gốc cây… Đây là những điều khiến cho cây không còn bám chắc đất và khoẻ mạnh.

Điều khó hiểu là những công ty thầu trồng cây không có đạo đức rồi, người có trách nhiệm đi nghiệm thu công trình cũng không làm tròn trách nhiệm hay không có kiến thức khi nghiệm thu để chấp nhận chi tiền cho những loạt cây trồng gian dối như vậy. 

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Những hình ảnh lãnh đạo trồng cây cổ thụ để tuyên truyền vào dịp tết là minh chứng rõ nhất cho sự dối trá trong việc trồng cây xanh. Đó là họ cho bứng nguyên một cái cây lớn ở đâu đó, mang về nơi cần trồng, rồi trồng xuống để lấy tiếng. 

Đừng nói là trên bảo dưới không nghe. Mà là trên sao dưới vậy. Lãnh đạo cấp cao chấp nhận gian dối trước mắt như vậy, thì làm sao lãnh đạo cấp dưới không học và làm theo? 

Kết quả của việc học và làm theo gương lãnh đạo đã được phơi bày qua trận bão quét qua thủ đô với 17.000 cây xanh gãy đổ. Cây bị hư hại là hoàn toàn do con người chứ không phải do bão. Bão Yagi chỉ là có một cú hích để làm lộ ra bộ mặt xấu xí của thủ đô mà thôi. 

 

Coi thường cảnh báo

Những clip quay bão Yagi lan truyền trên mạng xã hội cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của một cơn siêu bão, nhưng cũng cho thấy không ít người dân ở đó coi thường mạng sống của mình. 

Ở những nơi thường xuyên có bão, người dân tự giác hơn nhiều vì đã quen đối phó với thiên tai. Còn người dân Hà Nội có vẻ không tin vào sức mạnh của siêu bão, cũng chẳng tin khuyến cáo của nhà nước để tìm nơi trú ẩn, bảo vệ an toàn trước hết trong thời gian chờ cơn bão qua đi.

Đã có cảnh báo bão từ một hai ngày trước khi bão còn ở ngoài Thái Bình Dương và chưa tràn qua Philippines, nhưng người dân vẫn không quan tâm nhiều tới việc phòng chống bão cũng như bảo đảm an toàn của bản thân. 

Trong cơn gió bão vẫn thấy không ít người dân bất chấp chạy xe gắn máy trên cầu cao, đường lớn. Rồi báo chí lại ca ngợi tình người Việt Nam khi có xe hơi, xe tải giúp họ chắn gió để vượt qua một quãng đường gió đùng đùng trong cơn bão cấp 13, cấp 14.

Hay ngay cả trong thành phố vẫn có người liều mạng chạy xe ra ngoài đường để ráng về nhà hay tới một nơi nào đó. Không hiếm cảnh cả người lẫn xe bị gió thổi bay, té xuống đường  hên là không bị xe đè lên. 

Gió lớn, xe hơi còn bị gió thổi bay, nói gì là những loại xe hai bánh hay người đi bộ. Còn có những người dám xông ra ngoài trời để quay phim, livestream mà bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của bản thân. 

Ngoài ra, những nhà bị tốc mái vốn có thể phòng ngừa bằng cách chặn nóc nhà bằng bao cát trước khi bão tới nhưng hình như rất hiếm gia đình làm như vậy. Người dân sống trong những nhà tạm, nhà cấp 4 hư cũ không có nơi để tạm trú cho an toàn trong thời gian có bão, để khi nhà sập thì hoặc thiệt mạng hoặc phải lao ra ngoài đường trong lúc mưa gió.

Chính phủ và báo Thanh Niên đã có lời kêu gọi các tổ chức cá nhân ra tay uỷ lạo, cứu trợ theo như lời ông Chính nói là “trên tinh thần ‘lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn’”. Chưa biết là cả nước sẽ góp bao nhiêu tiền của, nhưng đã có người cho rằng dân miền Nam sẽ ra tay cứu trợ miền Bắc.

Không biết ai sẽ cứu trợ ai, bao nhiêu. Nhưng đòi hỏi dân đang trong lúc suy thoái kinh tế lại phải chung tay cứu trợ có lẽ hơi khó. Quỹ COVID từ năm 2020-2021 tới giờ vẫn được gởi ngân hàng để lấy tiền lời tiền lãi. Cứ lấy tiền lời trong mấy năm qua cũng đủ để cứu trợ cho người dân trong lúc cấp bách này.

 

 


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Có những người vui mừng vì bão lớn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ô nhiễm tiếng ồn là “sát nhân” giấu mặt

Trương Thế Tử

VNTB – Chung cư mini hay nhà ở riêng lẻ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.