Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bát nháo hoạt động trải nghiệm

Thái Hạo

 

(VNTB) – Hoạt động trải nghiệm đang bị các địa phương và các cơ sở giáo dục “hô mưa gọi gió”, “thiên biến vạn hóa”, tự tung tự tác một cách tùy tiện và bát nháo.

 

Trước khi chỉ rõ một số biểu hiện của hai chữ “bát nháo” này, chúng ta hãy căn cứ vào Chương trình tổng thể (Khung chương trình – 2018). Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản ở cấp Tiểu học và Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THCS và THPT.

Ở mỗi mỗi giai đoạn này, nội dung được quy định cụ thể, dù theo hướng mở (xin xem chi tiết ở trang 31 – Chương trình Tổng thể).

Một lưu ý quan trọng nữa, là Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ chính thức được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, và chương trình này thì áp dụng có lộ trình chứ không phải đồng loạt thực hiện cùng lúc cho tất cả các khối lớp. Cụ thể: Từ năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1; Từ năm học 2021 – 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Từ năm học 2022 – 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Từ năm học 2023 – 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Từ năm học 2024 – 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Quay trở lại, vậy vì sao gọi Hoạt động trải nghiệm trong nhiều nhà trường trên khắp cả nước hiện nay là “bát nháo”? Vì thứ nhất, áp dụng đại trà, không theo lộ trình. Hiện nay dù mới là năm học 2022 – 2023 nhưng ở nhiều nơi, các trường đã ồ ạt tổ chức cho học sinh thực hiện “hoạt động trải nghiệm” đối với cả các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 – nghĩa là thực hiện trước. Điều này là trái quy định.

Thứ hai, không những “cầm đèn chạy trước ô tô” mà còn cả chạy sai đường. Nội dung của chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được quy định để hướng đến các giá trị cốt lõi về phẩm chất và năng lực; tuy nhiên, nhiều nhà trường đã mượn danh nghĩa của chương trình này để đưa học sinh đi du lịch một cách tùy tiện. Thậm chí, ý nghĩa của hai chữ “du lịch” cũng không đạt được, vì những cuộc tham quan chóng vánh, qua quýt, cốt cho xong lịch trình để lấy tiền.

Một điều quan trọng cần nhớ nữa là Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục quốc dân, chứ không phải tự nguyện. Nghĩa là phải thực hiện trong khung khổ của Luật Giáo dục, cũng có nghĩa là không được thu tiền. Vì học sinh đã đóng học phí để được nhận chương trình giáo dục này, nay không thể lại phải nộp tiền thêm một lần nữa cho một môn thuộc chương trình ấy. Như thế là thu tiền 2 lần. Điều này một lần nữa trái là trái Luật.

Chương giáo dục phổ thông mới cũng ghi rõ rằng, các hoạt động giáo dục phải được thiết kế và tổ chức “phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường” (trang 6). Nghĩa là việc thực hiện Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải được căn cứ trên các điều kiện đã nêu, để vừa đảm bảo được chương trình vừa không gây khó khăn cho các chủ thể có liên quan. Dù quyền chủ động đã được giao vào tay các nhà giáo dục, nhà trường và địa phương nhưng không phải là tùy tiện thích sao làm vậy, mà nó có quy định cụ thể. Vì thế, việc các nhà trường căn cứ vào “sự khó khăn” để bao biện cho hành vi thu tiền học sinh là không chấp nhận được. Khó khăn thì thực hiện theo kiểu khó khăn, chứ không thể dùng nó để tăng thêm sự khốn quẫn cho người nghèo.

Không những chỉ có thế, việc thu tiền đối với Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vốn đã sai trái nhưng còn thêm sự nhức nhối của lối thu bạt mạng – nơi nhiều, nơi ít rất tùy tiện và vô căn cứ.

Để tổ chức các cuộc du lịch trá hình này, các nhà trường đã “kết hợp” với các công ty lữ hành; và có một thực tế mà báo chí đã và đang phản ánh, đó là %, là hoa hồng được đối tác trích lại ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm. Ví dụ như trường THCS Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn, TP.HCM), ban giám hiệu giao nhiệm vụ vận động học sinh cho giáo viên chủ nhiệm và kết quả này sẽ được tính vào thi đua cuối năm, đồng thời tương ứng với mỗi học sinh tham gia thì giáo viên chủ nhiệm sẽ được trích lại 100.000 đồng (Dẫn theo báo Dân trí)! Đây chỉ là một trong vô vàn những biến tướng, nhếch nhác và sai trái mà các nhà trường đang làm ra, nhân danh “Hoạt động trải nghiệm”.

Vụ một phụ huynh ở xã Tân Quang (Ninh Giang, Hải Dương) sau khi phản ánh những bất hợp lý và khuất tất của việc thực hiện chương trình này ở trường con mình đang theo học và rồi sau đó bị hành hung ngay tại cổng trường, dù sự việc xảy ra đã gần 1 tuần và đang được công an địa phương điều tra, nhưng đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi mang tính nghi ngờ và cả tâm trạng thất vọng tràn trề đối với ngành giáo dục. Sự việc một lần nữa cho thấy tính chất phức tạp và nhức nhối có màu sắc xã hội đen khi liên tưởng đến cái gọi là “hoạt động trải nghiệm” này.

Đó là chưa kể đến những cái chết thương tâm của nhiều học sinh trong các cuộc “trải nghiệm” mà báo chí đã đưa tin không ít lần.

Tôi cho rằng, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một nội dung đúng đắn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình trên giấy bao giờ cũng dễ hơn việc thực hiện nó trong thực tế. Bất cứ một kế hoạch nào, dù hay đến đâu, cũng phải mang tính khả thi; nếu không, sẽ phản tác dụng. Nhà nước xây dựng chương trình thì phải đi kèm với nó là các biện pháp tổ chức thực hiện, và nhất là công tác quản lý. Không thể “công bố” một cái chương trình rồi coi như xong nhiệm vụ và thả nổi cho các địa phương và các cơ sở giáo dục “hô mưa gọi gió”, “thiên biến vạn hóa”, tự tung tự tác một cách tùy tiện và bát nháo như đang diễn ra.

Trước tình hình này, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chặt chẽ và tổ chức kiểm tra giám sát công tác tổ chức thực hiện của ngành mình, không thể tiếp tục thả nổi nữa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Hà Liễu hiện đang định cư ở Pháp: Tại quốc gia này, học sinh được đi ra ngoài từ khi còn mẫu giáo, có một chương trình hẳn hoi. Thoạt đầu, học sinh được đến trung tâm của cảnh sát giao thông để được dạy an toàn, tránh tai nạn trong nhà (không vào nhà bếp, không chơi nghịch diêm, lửa…). Học cách qua đường, đi bộ trong giới hạn cho phép, không chơi nghịch ngoài đường, không nói chuyện với người lạ mặt, không để người khác sờ vào vùng nhạy cảm… Lên Tiểu học thì được học bơi, học võ, âm nhạc, đi tham quan, dã ngoại… Lên Trung học thì được học võ, v.v. Và tất cả đều miễn phí.

Tiến sĩ Andrea Hoa Pham, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ thì cho biết: Ở Mỹ và Canada các lớp nhỏ người ta cho tổ chức đi chỗ này chỗ nọ, phụ huynh chẳng đóng đồng nào. Đi đã có xe trường. Ăn trưa thì gói mang theo giống như những ngày đi học bình thường mang theo ăn trưa. Phụ huynh nào có thì giờ thì tình nguyện đi theo lớp để trông coi các em khỏi lạc. Chẳng ai đao to búa lớn gọi là học “kỹ năng sống” gì cả.

Liên hệ với tình hình ở Việt Nam, không ai không khỏi ái ngại và cả bất bình. Chỉ một mảng “hoạt động trải nghiệm” và mới hơn 2 năm triển khai chương trình, lại chưa phủ hết tất cả các khối lớp, thế mà đã xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm khiến cho giáo dục như muốn thành chợ trời, thì nếu không kịp thời chấn chính, viễn cảnh ngổn ngang sẽ là một tương lai khó tránh khỏi của ngành Giáo dục nước nhà.

____________

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam –  https://nongnghiep.vn/bat-nhao-hoat-dong-trai-nghiem…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bàn về dạy thêm học thêm

Do Van Tien

VNTB – Để đáp ứng thách thức kỹ năng của Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Tổng bí thư sẽ được mức tín nhiệm nào?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.