VNTB – Bắt thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng vì “ăn hối lộ”

VNTB – Bắt thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng vì “ăn hối lộ”

Nguyễn Nam

(VNTB) – Ông Tô Anh Dũng từng là trợ lý cựu Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

 

Ngày 14-4-2022, trung tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an – cho biết Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao – để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Đồng thời Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: ông Phạm Trung Kiên – chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế, và ông Vũ Anh Tuấn – nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an – cùng về hành vi trên.

Ông Tô Anh Dũng được cho là đã ‘nhúng chàm’ khi ông bắt đầu được kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thay ông Bùi Thanh Sơn, lúc đó vừa nhận chức vụ mới là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiệm vụ của Ủy ban là phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Ủy ban cũng đảm nhận chủ trì công tác thẩm định đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các cơ quan thành viên Ủy ban để chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao xét cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của Ủy ban mà Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm cũng bao gồm thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam…

Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Phía cơ quan điều tra cho rằng đã xảy ra vấn đề tham nhũng ở một số chuyến bay này liên quan đến dịch giã Covid-19.

Hiện tại chưa ghi nhận quan chức nào ở Bộ Giao thông vận tải liên quan đến vụ án kể trên.

Ghi nhận bước đầu của hồ sơ cho biết, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm một số nội dung như: Làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay “giải cứu” (không trả phí) và chuyến bay “combo” (có trả phí) đưa công dân Việt Nam lánh dịch giã Covid về nước bắt đầu từ thời điểm nào?

Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay “combo”, “giải cứu” như thế nào?; Quy trình, thủ tục tiếp nhận đề xuất, xử lý việc xét duyệt cho các hãng hàng không/công ty/ doanh nghiệp thực hiện chuyến bay “giải cứu”, “combo” tại Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ, tiêu chí, cơ sở để Bộ Giao thông vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay; điều kiện, tiêu chuẩn công ty/ doanh nghiệp được tham gia chuyến bay “giải cứu”, “combo”; điều kiện, tiêu chuẩn của công dân được về nước theo các chuyến bay “giải cứu”, “combo”, được quy định tại văn bản nào; danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay “giải cứu”, “combo”;

Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay giải cứu và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này dựa vào quy định nào cũng được yêu cầu làm rõ.

Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay “combo”, “giải cứu”…

Xem ra danh sách bắt bớ trong vụ “giải cứu”, “combo” này còn kéo dài nếu như muốn làm đến nơi đến chốn vụ án này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Huỳnh Kim Dang 2 years

    Trong hệ thống của các nhà cầm quyền độc tài thì chuyện cán bộ nhà nước cấu kết bè nhóm để tham nhũng – đòi hối lộ là chuyện bình thường hàng ngày. Chỉ có điểm khác nhau là bị lộ hay là chưa bị lộ mà thôi, điều này tùy thuộc vào thế lực các phe cánh trong nội bộ của họ khi đấu đá – tranh giành quyền lợi với nhau.
    Còn người dân trong hệ thống chính trị độc tài thì luôn luôn là nạn nhân. Càng im lặng chịu đựng thì người dân càng bị nhà cầm quyền độc tài bốc lột – trấn áp.
    Việt Nam, dưới sự cai trị của Đảng và Chính phủ csVN độc tài chuyên chính, cũng không là ngoại lệ về tình trạng cán bộ đảng viên tham quyền – háo danh – tham nhũng – hối lộ!