VNTB – Bầu cử Quốc Hội: ‘Ba mươi chưa phải là Tết’?

VNTB – Bầu cử  Quốc Hội: ‘Ba mươi chưa phải là Tết’?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Một diễn biến rất lạ trên chính trường xứ Việt: rất có thể tháng 7 tới đây sẽ có cú lật đổ ngoạn mục ở vài vị trí nào đó trong nhóm lãnh đạo chóp bu.

 

Nếu căn cứ theo Luật Tổ chức Quốc hội, phiên bản tu chỉnh 2020, thì các tin tức tiếp theo đây là bình thường, chẳng gì phải bận tâm luận bàn.

Cuối giờ chiều ngày 27-4-2021, hầu hết các báo đồng loạt đưa tin “Quốc hội bầu chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội khóa mới vào tháng 7”.

Bản tin thuật rằng, chiều 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 55, cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV. Tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới dự kiến làm việc trong 11 ngày; khai mạc vào thứ ba, ngày 20-7 và bế mạc vào ngày 3-8.

Dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục dành 6 ngày để xem xét, quyết định công tác nhân sự. Cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định số phó chủ tịch Quốc hội, số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, tổng kiểm nhà nước.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ làm quy trình bầu chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, thủ tướng, chánh án tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó tủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Ngoài công tác nhân sự, tại kỳ họp đầu tiên này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội khóa mới.

Giới am tường nói rằng có ít nhất hai trường hợp xảy ra, thứ nhất và cũng đúng đến 99%, đó là theo tiền lệ của nhiệm kỳ trước, các nhân sự vừa được kiện toàn cho niên khóa 2021 – 2016 tại kỳ họp 11 sẽ tiếp tục được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp 1 của Quốc hội khóa mới.

1% còn lại, có thể là vào giờ G nào đó, trong số các lãnh đạo chủ chốt trong danh sách ‘được kiện toàn’, bất ngờ bị đột quỵ, hay gì gì đó khiến không đủ sức khỏe để đảm đương trọng trách. Vậy là cần có sự thay đổi.

Ông Phạm Quý Thọ, cựu Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chẳng có thuyết âm mưu nào cả, vì đơn giản đây chỉ là một thủ tục của ‘giai đoạn chuyển tiếp’ quyền lực.

“Có một giai đoạn chuyển tiếp… và cách làm của Việt Nam là sau khi đảng tổ chức Đại hội xong, xác định được 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng thì những ủy viên này chắc chắn ở những cương vị lãnh đạo cao rồi.

Để tránh khoảng trống quyền lực, người ta làm trước, lách luật ở chỗ này là tôi vẫn bầu nhưng của khóa này, tức là người miễn nhiệm cũng ở khóa này, thí dụ kể cả Chủ tịch Quốc hội, rồi Chủ tịch nước, rồi Thủ tướng.

Tức là miễn nhiệm ở khóa này và Quốc hội này bầu lên để chuyển tiếp thôi, còn sau đó sẽ bầu lại tất cả những chức danh này. Tuy về mặt hình thức thôi, nhưng mà sẽ có một cuộc bầu nữa, sau khi Quốc hội Khóa 15 được bầu, khi đó sẽ làm lại những thủ tục này…” – ông Phạm Quý Thọ nhận xét.

Cũng có ý kiến xoay quanh khả năng 1% hết sức ít ỏi, đó là chính thể Việt Nam muốn nhấn mạnh với công luận rằng họ luôn cầu thị lắng nghe. Và giờ đây thì trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu cơ quan nhà nước là phải làm cho trọn, cho đến khi được Quốc hội mới bầu.

Như vậy với diễn biến của lá phiếu các ông/ bà nghị ở kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV vào tháng 7 tới đây, cho thấy Việt Nam có một nhà nước đàng hoàng, nhà nước pháp quyền, ít nhất là về mặt hình thức.

Tết Tân Sửu 2021 vừa rồi, nhiều nơi đã bị cách ly vì có ca nhiễm Covid ngay trong thời gian giữa chộn rộn tuần cuối cùng của năm đến tận mồng 8 Tết. Do vậy đâu chỉ Ba Mươi, mà ngay cả mồng Một nhiều khi cũng chưa được ăn Tết (!?).

Quốc dân xứ Việt chờ đợi vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)