VNTB – Bầu cử tốt để xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh

VNTB – Bầu cử tốt để xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Mục tiêu lớn nhất của bầu cử cũng là để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoàn thiện nhất.

 

Tài liệu ghi chép của phóng viên ở buổi tọa đàm “Chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” do báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội tổ chức, có những nội dung đáng chú ý như sau, xin được trích thuật lại, qua đó cho thấy dường như việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vẫn còn chặng đường thăm thẳm cho giấc mơ hoàn thiện.

Ông Lê Minh Thông, trợ lý của cựu Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa 14 Nguyễn Thị Kim Ngân, nói rằng chỉ có qua bầu cử thì người được bầu mới trở nên tự tin hơn, vì thấy mình có “sức mạnh” thực sự.

“Nếu bầu cử càng tốt, càng minh bạch thì tính chính đáng càng cao và sẽ được nhân dân tin tưởng hơn. Do đó cần tuyên truyền làm sao để người dân thực hiện việc bầu cử tốt nhất, thể hiện được sức mạnh niềm tin của cử tri. Tỷ lệ bầu càng cao thì người được bầu càng tự tin vì đằng sau họ là nhân dân, vì được nhiều người tin tưởng giao phó và từ đó càng có trách nhiệm hơn với xã hội, với nhân dân.

Nói đến bầu cử là nói đến dân chủ, nói đến dân chủ là nói đến nhà nước pháp quyền, không có bầu cử thì không bao giờ có nhà nước pháp quyền. Vì vậy, để xây dựng nhà nước pháp quyền phải chăm lo, chỉ đạo, thực hiện tốt quyền bầu cử trong tư cách là quyền chính trị quan trọng bậc nhất của công dân” – ông Lê Minh Thông lập luận.

Cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, ông Nguyễn Trọng Phúc nói rằng trong bầu cử, có hai vấn đề, đó là, nên tập trung tuyên truyền làm sao cho nhân dân hiểu được nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là như thế nào, vì đây là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hai là Đảng lãnh đạo nhà nước pháp quyền như thế nào, để nhân dân hiểu được thấu đáo, qua đó phản bác được các luận điệu sai trái, thù địch.

“Phải nhận thức đúng quyền cầm quyền của Đảng. Tức là, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền thì đảng đó phải có quyền lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng của đất nước, dân tộc; quyền lãnh đạo đối với nhà nước như quyết định đường lối, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức….

Tất cả các quyền của Đảng ấy phải được thực hiện tốt. Cần phải xử lý đúng đắn 3 chữ quyền: Đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền, quyền làm chủ của dân. Đảng ta từng xác định, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nếu ba chữ quyền này được thực hiện nhuần nhuyễn thống nhất, không tách rời nhau sẽ tạo ra hiệu quả lãnh đạo cầm quyền tốt nhất của Đảng, nhất là trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế” – Cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, ông Nguyễn Trọng Phúc, nhấn nhá.

Thế nhưng trên thực tế thì không rõ vì sao trong tài liệu tuyên truyền phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, không thấy có các nội như yêu cầu kể trên của cựu Viện trưởng Nguyễn Trọng Phúc.

Luật sư T.T., kể trong tiết dạy mới đây, ông ra đề cho các sinh viên: “Có nhận định cho rằng: “Bầu cử là trái tim của nền dân chủ hiện đại”. Thông qua các kiến thức về bầu cử trong môn học Luật Hiến pháp, anh, chị hãy cho biết quan điểm của mình về nhận định trên”.

“Nhiều sinh viên phản đối người ra đề với lý do chưa có tự do học thuật nên các anh, chị ấy không thể diễn đạt theo như những gì hiểu biết về dân chủ!” – ông thầy giáo thỉnh giảng T.T., cho hay như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)