VNTB – Bảy nốt nhạc cuộc đời 

VNTB – Bảy nốt nhạc cuộc đời 

Nguyễn Ngọc Duy Hân

(VNTB) – Chỉ vì sáng tác một bài hát “Anh Là Ai” mà nhạc sĩ Việt Khang đã bị ở tù mấy năm… Cũng vì dạy học sinh hát bài “Trả Lại cho dân”, mà thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã phải bị đày đọa với bản án 11 năm tù.

Nhạc trưởng Guido là người Ý, người đã đào tạo ra rất nhiều ca viên tài năng cho các tu viện Công Giáo. Ông được xem như người đầu tiên đã sáng tạo ra hệ thống ghi tên, ký âm những nốt nhạc theo cách cả thế giới đang xài bây giờ, tức là dùng 7 nốt đồ, rê, mi, fa, sol, la và si. Người Việt ta thời xưa thì dùng hệ thống ngũ âm Hò Xự Sang Xê Cống. Nói về âm nhạc thì bao la bát ngát, nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trên thế giới đã nổi tiếng và làm giàu được nhờ sáng tác. 

Chúng tôi cũng thích nhạc, tham gia các ca đoàn, dù hiện chỉ là ca viên thiện nguyện không lương của một nhà thờ bé nhỏ. Thế nhưng các ca đoàn đều bị “thất nghiệp” trong mùa dịch bệnh Covid Vũ Hán này. Vào tháng 3, 2020 khắp nơi trên thế giới đã phải cấm cửa ở trong nhà – nhà thờ cũng không ngoại lệ – vì sợ bị lây lan vi trùng bệnh cúm. Mãi tới cuối tháng 6 mới được phép trở lại dự lễ thật thay vì bằng video trực tuyến, nhưng phải tuân theo những hạn chế như phải ngồi xa nhau giữ giãn cách xã hội, không được đông người, “no singing, no chanting” không được hát chung trong ca đoàn, cộng đoàn không được đáp lại “Amen, Alleluia…” mà chỉ có 1 hoặc 2 người đại diện thưa dùm.

Các sinh hoạt khác khắp nơi cũng đều bị thay đổi, buồn nhiều hơn vui. Đành phải an ủi là dù sao chúng ta cũng còn sống, còn khoẻ, còn có nhau và âm nhạc thì vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời. Nhiều bài nhạc về rửa tay, đeo mask, về bệnh dịch đã được sáng tác kịp thời và trình diễn với nhiều tính cách khác nhau, để phản ảnh lại một giai đoạn đặc biệt đang làm đảo điên cả thế giới. 

Tôi vẫn luôn thắc mắc, tại sao có những thần đồng âm nhạc chỉ mới vài tuổi mà đã biết đàn, biết hát những bài thật khó, biết đánh trống, đánh nhịp…. phải chăng kiếp trước họ đã là những nhạc sĩ tài ba? Phần tôi thì cũng tốn tiền tốn giờ để học nhạc, nhưng kết quả rất tệ nên bỏ luôn cho khỏi phiền! Mỗi khi đi sinh hoạt mà có màn ca hát thì cũng cẩn thận tránh kho cá, vì sợ ăn “cá kho” sẽ bị “khó ca” thế mà ca vẫn dở! Bởi thế tôi thích câu hát: “Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” lắm.

Mỗi khi buồn, tôi thường nghe nhạc để rồi sau đó thấy khuây khỏa hơn, không cần phải mượn ly rượu đắng vừa tốn tiền vừa hại sức khoẻ. Bạn có trải nghiệm như thế không? Bạn có công nhận nếu không có âm nhạc, thế giới sẽ buồn tẻ vô cùng không. Rồi khi thưởng thức những ca khúc hùng tráng tươi vui, nó sẽ giúp tinh thần mình phấn chấn mạnh mẽ hơn, phải không?

Quan Thế, âm nhạc là phương tiện chuyển tải cảm xúc tuyệt vời, trọn vẹn nhất, làm đẹp tâm hồn con người, kể cả cây cỏ, thú vật. Nghe nói bông hoa sẽ phát triển tốt hơn nếu được nghe nhạc hằng ngày, món thịt bò Kobe của Nhật Bản nổi tiếng cũng nhờ người Nhật biết cho bò nghe nhạc. Bạn đừng chê “đàn gãy tai trâu”nhé! 

Riêng Cách “chơi chữ” với 7 nốt nhạc thì nhiều người cũng đã có các câu thật vui như khi mắng: “Ðồ Mi Là Ðồ Phá”. Hôm nay vui vui tôi bỗng ngẫm nghĩ về tên gọi của các nốt nhạc này.

Đứng Đầu là nốt Đô, chắc là tại vì nó đô con to lớn nên được đứng đầu làm thủ lãnh.Đô cũng có nghĩa là đồng tiền đô, rất cần trong việc tiêu xài, nốt đô kết hợp với nốt la thành “đô-la”, có sức mạnh vạn năng, mà nếu là đô-la của Mỹ Thì lại càng dễ xài hơn đồng đô của các nước khác.

Thì ra dù trong thế giới âm nhạc mơ mộng xa vời, người ta vẫn cần phải có hai nốt “đô-la” trong đó, thật là một thực tế phũ phàng phải không các bạn. Ừ nhỉ, đâu có ai đàn ca hát xướng cả ngày mà sống được. Phải làm việc, phải ăn uống nữa chứ, mà không có đô-la thì kể như đói, đâu được như con ve sầu cứ ca hát ra rả suốt ngày.

Sau Nốt Đô là nốt Rê, rê rê hay rề rề đều là chữ diễn tả hành động chậm chạp,”slow motion”. Tôi thích người mau mắn, làm việc có kết quả ngay dù có thể sẽ không được kỹ lưỡng, toàn thiện nên không thích cái tên “Rề”này.

Nếu chồng con, người chung quanh mà cứ lề rề thì tôi sẽ lên giọng với nốt”La” ngay. Vâng, chắc ai cũng đã từng có lần la làng, la ó, la hét,la lối, la rầy người khác khi gặp chuyện bất như ý. Ngoài ra còn có chữ la cà, diễn tả việc đi hết chỗ này đến chỗ khác mà không có mục đích gì cả, phí thời gian vô ích. Vậy chữ “La” trong âm nhạc này coi bộ mang ý nghĩa không tốt, cần phải bớt thực hành chữ “la” này đi nhỉ?! 

Kế tới thì phải diễn giải nốt “Mi”. Tiếng Việt có lối xưng hô mi và ta,mi là người bạn đối diện, ta là tôi, nhưng nếu phát âm theo tiếng Anh,”me” lại là tôi, là chủ từ. Thế mới thấy Đông và Tây trái ngược nhau. Bỏ thêm dấu huyền tức là cách nhau một bát độ, thì nốt Mi thành nốt Mì, lúc đó ta sẽ có món mì ăn liền, mì xào dòn thơm ngon béo bổ. Mi nếu là động từ thì lại có nghĩa là hôn, là kiss, chúng ta nên mi nhau nhiều hơn là gây gổ, ghen ghét nhau.

Nốt “Fa” thì đọc theo tiếng Việt là pha, tức là pha trộn, pha lẫn,hoặc “coi như pha”, nghĩa là chẳng “ke”, ta cứ bỏ lời thiên hạ đàm tiếu qua một bên mà làm điều mình cần làm. Nốt Fa này khi bỏ thêm dấu sắc thì trở thành phá, như là phá làng, phá xóm, phá phách, phá nát gia can người khác, thật là điều nên tránh. Chỉ khi làm việc tốt, thành công “phá kỷ lục”mới là việc nên làm. Còn đang khi tức tối hờn giận mà biết chuyển qua suy nghĩ một cách tích cực rồi “phá ra cười” không thèm chấp nhất, thì nốt Fá này trở nên rất cần để xướng âm lên.

Sẵn nói tới “Xướng âm” là bộ môn nhìn các ký hiệu nhạc rồi tự hát lên được, không cần tới cây đàn là bộ môn rất khó đối với tôi. Sướng đâu không thấy chỉ thấy khổ thôi vì ê a mãi mà vẫn không “xướng” lên được âm điệu chuẩn xác.

Nốt Kế tới là nốt Sol, tiếng Việt gọi nôm na là son, giống như nồi niêu son chảo để nấu ăn. Son nồi này cần cho các gia đình, các đầu bếp lắm chứ. Son cũng có nghĩa là son môi, tô điểm cho quý phụ nữ thêm xinh đẹp, “hãy cố vươn vai mà đứng, tô son lên môi lạnh lùng”. Chữ son cũng bắt đầu cho từ “son sắt”, nói đến sự chung thủy, trung thành trong tình cảm con người và trong tình yêu với quê hương, nhân loại.

 Rồi phải nhắc tới nốt Si: Si tình, si mê, sân si mà tuổi trẻ lẫn người già đều vướng phải. Tôi đang tập để mình được an lạc, bớt phần sân si đau khổ, mà khó quá chưa kết quả bao nhiêu. Bảy tên nốt nhạc này lấy làm đề tài bàn bạc, tán hươu tán vượn như thế cũng dzui đấy các bạn nhỉ!? 

Tôi May mắn quen nhiều người rất giỏi nhạc, nhạy bén nên họ cảm nhận được một cách sâu sắc các tác phẩm âm nhạc. Chẳng hạn khi nghe một bài hòa tấu giao hưởng, họ có thể cảm được mùi hương, hình dung ra cảnh bảng lảng sương khói, hoặc nghe được tiếng vó ngựa dồn dập dù chẳng có con ngựa nào đang thật sự phi trên đường. Tôi Thì chỉ nghe theo kiểu xếnh xáng vậy thôi, không cảm nhận chi tiết được. Anh ca trưởng ca đoàn tôi rất khổ sở khi chúng tôi hát sai dù chỉ nửa nốt nhạc, thính trai cũng khổ chứ không sướng đâu! Cũng như chị bạn tôi nấu ăn rất khéo, chị sẽ bứt rứt vô cùng nếu tô canh cá mà thiếu rau thì là trên mặt, còn tôi thì không sao,ăn cá vẫn thấy ngon.

Nghĩ thật lạ, chỉ với 7 nốt nhạc mà không biết bao nhiêu bài hát đã được viết ra trên thế giới, ít bài nào giống bài nào, thật khó tưởng tượng.  Tại Quê nhà thì quái lạ hơn, chỉ vì sáng tác một bài hát “Anh Là Ai” mà nhạc sĩ Việt Khang đã bị ở tù mấy năm, may mà cuối cùng anh đã được can thiệp đưa sang Mỹ. Cũng vì dạy học sinh hát bài “Trả Lại cho dân”, mà thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã phải bị đày đọa với bản án 11 năm tù.

Ôi quê hương Việt Nam, bao nhiêu bài hát buồn diễn tả cho đủ cảnh chiến tranh, cảnh nghèo đói, bất công, tù đày vô lý và vấn nạn cộng sản. Gần đây loại nhạc bolero, còn bị gọi là nhạc sến lại rất phổ thông, nhiều người thích vì dễ hát, dễ đi vào lòng người. Hồi trẻ tôi không thích nhạc bolero lắm,nhưng khi già hơn thì lại thích hơn, nhất là khi buồn mà rên rỉ ỉ ôi, ca lẻ (không phải ca sĩ) trong phòng tắm thì thật là thấm thía. 

Ngoài Bảy nốt nhạc chính, lại cũng có thêm dấu thăng và giáng, giảm đi một nửa nốt tức là nằm lửng lơ ở giữa, đóng góp cho thanh âm được đa dạng hơn. Điều này chứng tỏ trong cuộc sống mình cũng cần phải phải có sự mềm dẻo uyển chuyển, biết đứng ở giữa để nhìn hai mặt của vấn đề cách trung dung hơn. Với các nốt ký âm này, mình có thể tự làm bài hát của đời mình buồn hay vui, nhanh hay chậm, hùng tráng hay ủy mị, tất cả đều do suy nghĩ, sự cố gắng của mình. Ngoài ra cũng có “The Sound of Silence”, là âm thanh của tĩnh lặng, là sự quan trọng phải giữ im lặng khi cần thiết, không phải lúc nào cũng ồn ào, xôn xao, “Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình, người ơi…!” 

Xin Cảm ơn âm nhạc, cảm ơn các tác giả, các ca sĩ, ca viên, nhạc trưởng, nghệ nhân sử dụng các nhạc cụ đủ loại để giúp con người cảm nhận phong phú hơn muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Cũng xin chúc bạn sử dụng thật tốt đẹp, ý nghĩa tên gọi của các dấu nhạc này: Bớt la, bớt si, bớt phá, bớt rề, bớt cho rằng bản thân mình- “me” là quan trọng hơn ai hết, và nhất là có nhiều “đô-la”để sống thoải mái, có khả năng giúp đỡ kẻ kém may mắn hữu hiệu hơn, cũng như sắt son trong tình cảm, lời hứa và trách nhiệm…..

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)