Việt Nam Thời Báo

VNTB – BCH Khối Nhơn Sanh (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) phản hồi Dự thảo 4, Luật tín ngưỡng, tôn giáo

VNTB: Dự thảo 4, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đang thu hút sự chú ý của các cá nhân, tổ chức tôn giáo hoạt động trong nước. Tính đến ngày 5/5/2015, sau Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như hai tòa giám mục Bắc Ninh và Kontum  thì Ban chấp hành Khối Nhơn Sanh (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) cũng đã chính thức có phản hồi khi gửi Bản góp ý trực tiếp đến Ban tôn giáo Chính phủ Việt Nam về dự thảo 4, Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Bản góp ý, BCH Khối Nhơn Sanh đã chỉ ra  sự vi hiến và mâu thuẫn; phản lại luật tiến hóa và phụng sự của dự thảo trong trong việc buộc tổ chức tôn giáo phải là “tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận” (Theo khoản 10 Điều 3);  trái với đạo lý và truyền thống dân tộc tại điều 43 khi qui định Muốn vào tu phải đăng ký, kèm theo sơ yếu lý lịch, phải được chính quyền cấp xã nơi có hộ khẩu xác nhận và được chính quyền nơi tu đồng ý… mới được tu.

Cũng như, thông qua sự dày đặc của quy định về “đăng ký, công nhận, chấp thuận” của dự thảo 4, BCH Khối Nhơn Sanh khẳng định nó hoàn toàn trái đi tiêu chí quốc gia: Độc lập tự do hạnh phúc. Ngoài ra, Bản góp ý còn cho thấy “Dự thảo 4 thụt lùi so với Pháp lệnh 21, Điều 38” nếu căn cứ theo Điều 5 (dự thảo 4, Luật tín ngưỡng, tôn giáo).

Do đó, BCH Khối Nhơn Sanh đề nghị “Hủy bỏ dự thảo 4; vì sai từ căn bản nên không thể chỉnh sửa. Đoạn tuyệt với dự thảo 4 xây dựng dự thảo mới là việc làm rất khoa học.”

BBT VNTB trân trọng gửi đến quý độc giả toàn văn Bản góp ý của BCH Khối Nhơn Sanh (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ).


Phái đoàn Khối Nhơn Sanh đến gặp Ban Tôn giáo Chính phủ để đưa trực tiếp Bản góp ý về Dự thảo 4, Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong ngày 05/05/2015. Ảnh: BCH Khối Nhơn Sanh

Phái đoàn Khối Nhơn Sanh đến gặp Mặt Trận Tổ Quốc cũng trong ngày 05/05/2015. Ảnh: BCH Khối Nhơn Sanh

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
BẢN GÓP Ý
“Về dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo”.
Kính gởi: Ban Tôn Giáo chính phủ.
Kính Vụ pháp chế thanh tra Ban Tôn Giáo chính phủ.
Chúng tôi là những công dân Việt Nam và là tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lập năm 1926 có cơ sở Trung ương là Tòa Thánh Tây Ninh đang bị chi phái lập năm 1997 chiếm dụng xin phép được góp ý về dự thảo 4 luật tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
I/- Dự thảo 4 trái đạo lý, vi hiến và mâu thuẩn.
Đối chiếu khoản 1 và 10 trong điều 3.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1/. Tín đồ là người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo thừa nhận.
10/. Tổ chức tôn giáolà tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất địnhđược Nhà nước công nhận.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay gọi tắc là Đạo Cao Đài lập năm 1926 và hoạt động tôn giáo liên tục; đến năm 1965 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấp pháp nhân.
Đến 1997 thì chính quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho phép chi phái Hội Đồng Chưởng Quản hoạt động tôn giáo và giúp cho chi phái nầy chiếm danh hiệu và cơ ngơi của ĐĐTKPĐ. Chi phái lập năm 1997 (không có tư cách trung ương) tất nhiên khác với Đạo Cao Đài gốc (có tư cách trung ương) lập năm 1926.
Ngày nay ĐĐTKPĐ không được Nhà nước công nhận; cho nên không được hoạt động tôn giáo. Vậy tổ chức tôn giáo (hay Hội Thánh) đâu mà thừa nhận chúng tôi là tín đồ???
Dự thảo 4 dùng kỷ thuật chia nhỏ để biến người tín đồ Đạo Cao Đài thành người không đủ điều kiện làm tín đồ; bởi vì không có tổ chức tôn giáo thì lấy chi thừa nhận? Nó làm người đạo trở nên bơ vơ,  không nơi nương tựa và trôi vào mê cung không lối thoát. Đó là cái thòng lọng rất tinh vi để giết chết ĐĐTKPĐ.
Thực tế chúng tôi là tín đồ ĐĐTKPĐ trước khi chính quyền quản lý xã hội. Như vậy dự thảo 4 đã tước đoạt quyền làm tín đồ của người theo ĐĐTKPĐ.  
Quyền tự do tôn giáo là phổ quát và tất yếu; nó là quyền chớ chẳng phải do xin cho mà có; dự thảo 4 hô biến nó trở nên lệ thuộc tùy vào sự ban phát của chính quyền. Quyền tự do tôn giáo của tín đồ trở thành lệ thuộc vào tổ chức tôn giáo được chính phủ công nhận.
Đây là điều trái với đạo lý.
Dự thảo 4 cũng trái với hiến pháp điều 14 (khoản 1); điều 24 và đặc biệt là mâu thuẩn với điều 2 của chính dự thảo 4.
II/- Dự thảo 4 phản lại luật tiến hóa và phụng sự.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
10/. Tổ chức tôn giáolà tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất địnhđược Nhà nước công nhận.
Cụm từ: tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận. Là một quan niệm phản lại luật tiến hóa và phụng sự.
Tôn giáo hiện sinh là để phụng sự nhân loại. Nhân loại thì tiến hóa không ngừng từ vật chất đến tinh thần. Nhu cầu của nhân loại ngày một cao và không có điểm dừng. Xã hội đi từ ăn lông ở lổ đến văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh điện và điện tử…
Cuối thế kỷ 20 hơn 2.000 nhà bác học, luật sư, chính trị gia họp nhau ở Hà Lan nhận định thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh. Một nền văn minh mới hình thành là cả một quá trình phát triễn. Dự thảo 4 lại qui định: tổ chức theo một cơ cấu nhất định …
Thời toàn cầu hóa nhu cầu hội nhập bắt buộc con người và mọi tổ chức phải thích nghi để tồn tại, phải đón đầu để phát triễn. Tụt hậu có nghĩa là cái chết đã lâm sàng. Dự thảo 4 không cho tôn giáo cái quyền được thích nghi để tồn tại chứ đừng nói chi đến hướng dẫn tín đồ phát triễn cho nên mới ràng buộc bằng cụm từ: theo một cơ cấu nhất định.  Nghĩa là cơ cấu tổ chức tôn giáo chỉ có vậy thôi không được thay đổi. Mổi lần thay đổi cơ cấu tổ chức tôn giáo đều phải xin phép và chờ nhà nước công nhận. Nó biến tôn giáo thành những con cừu non dạy cứ một lối mòn mà bước, cứ mấy cọng cỏ trong vườn mà cắn mãi, cạp mãi vẫn còn ngon…Trong phạm vi góp ý chúng tôi xin nói vắn tắc:
Dự thảo 4 thành luật sẽ rất tai hại cho xã hội, cho tôn giáo; nó sẽ nhấn chìm dân tộc và đất nước mãi mãi đứng chót Asean. Nó biến người tu hành, tổ chức tôn giáo thành nô lệ và chết trong vòng nô lệ.
III/- Dự thảo 4 trái với đạo lý và truyền thống dân tộc:
Truyền thống của Việt tộc là lòng tín ngưỡng và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác hay cộng đồng khác. Phật Giáo, Lão Giáo, Nho Giáo đều được tổ phụ ta tín ngưỡng mà không bị kỳ thị chi hết.
Thế kỷ 18 có Công Giáo du nhập, dân chúng đón nhận và chấp nhận nhưng triều đình nhà Nguyễn đã nghi kỵ nên cấm đạo. Do vậy xãy ra nhiều cuộc tàn sát người theo Đạo Công Giáo rất đau lòng. Kết quả là triều nhà Nguyễn sụp đổ mà Công Giáo vẫn tồn tại và phát triễn.
Miền Nam là vùng đất mới nhưng lịch sử đã ghi nhận có rất nhiều hình thức tín ngưỡng hay tôn giáo xuất hiện: như Phật Thầy Tây An (Bửu Sơn Kỳ Hương), Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài…. Những tôn giáo mới đó đã đi vào cộng đồng mà không có đăng ký với chính phủ đương quyền. Nó tồn tại hay không và phát triễn như thế nào hoàn toàn theo qui luật cung cầu….
Ngày nay dự thảo 4 tại điều 43 qui định:
Muốn vào tu phải đăng ký, kèm theo sơ yếu lý lịch, phải được chính quyền cấp xã nơi có hộ khẩu xác nhận và được chính quyền nơi tu đồng ý… mới được tu.
Trong lịch sử Việt Nam không có triều đại hay chế độ nào qui định người muốn đi tu phải được chính quyền đồng ý. Đây là chứng cứ xác định dự thảo 4 đã đi ngược lại những giá trị văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc.
IV/- Trái với tiêu chí quốc gia: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Tiêu chí của nhà nước hiện nay là: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Dự thảo 4 xuất hiện dày đặc những qui định: đăng ký, đăng ký hợp lệ, cơ sở thờ tự hợp pháp, được nhà nước công nhận, được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tôn giáo hợp pháp... nó như đánh đố người có tín ngưỡng bước vào con đường không có hồi kết… với những thủ tục như vậy làm cho người tu hành, tổ chức tôn giáo bị lệ thuộc… nên trái với tiêu chí Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Chủ nghĩa cộng sản tiến đến thiên đường cộng sản thì nhà nước tiêu vong. Vậy thì vai trò của nhà nước phải giảm lần để tiêu vong. Dự thảo 4 làm theo hướng ngược lại. Nhà nước quản lý toàn diện từ người tu, nhân sự điều hành tôn giáo đến sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo. Nó như thiên la địa võng ràng buộc cả tinh thần tín ngưỡng và tôn giáo; như vậy dự thảo 4 làm tăng vai trò của chính quyền trong tín ngưỡng và tôn giáo là trái với chủ nghĩa cộng sản của quí vị. Nó giống như miệng cứ hô hào tiến lên mà đôi chân lại bước thục lùi. Vậy là thiên đường cộng sản mổi ngày một xa ư???
Những qui định nầy cũng trái với Hiến pháp điều 14 khoản 2: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Nghĩa là dự thảo 4 đã hạn chế quyền con người không phù hợp với qui định trong hiến pháp. Dự thảo 4 nặng về xin cho. Đó là cơ chế đã làm cho tham nhũng tràn lan trong xã hội đến nổi trở thành ách nạn của dân tộc. Hậu quả của cơ chế đó là Việt Nam đang đứng chót Asean.
Đem cơ chế xin cho vào tín ngưỡng, tôn giáo nó sẽ làm cùi cục tinh thần của cá nhân và cộng đồng. Người bị tai nạn, đau khổ, nghèo khó… rất cần được an ủi, giúp đở sẽ thiếu tấm lòng nhân ái chia xẽ những khó khăn. Cái khổ sở sẽ tăng lên do cơ chế bị tôn giáo xơ cứng nên phải làm ngơ và trở thành vô ích trước khổ cảnh của đồng loại.
V/- Trái với các công ước Việt Nam ký kết.
Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các văn kiện nhân quyền quốc tế, kể cả Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.
 Điều 18 của Công ước Quốc tế bảo vệ một cách rộng rãi việc thực thi các quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng.
Điều 18, khoản 3, của Công ước quy định một số tiêu chí cần được hội đủ nếu Chính phủ muốn thi hành những hạn chế đó, bằng không thì hạn chế đó không hợp pháp.
Dự thảo 4 có phạm vi rộng hơn nhiều so với giới hạn được quy định trong Công ước quốc tế. Như vậy có thể hiểu dự thảo 4 dọn đường dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, cho nên khi thi hành mà người dân không kêu ca chi được. Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị diệt từ trong trứng nước.
***: CÔNG NHẬN ĐƯƠNG NHIÊN THÀNH CÔNG NHẬN HÀNH CHÁNH.
Tuyên Ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 coi nhân loại như một đại gia đình. Tuyên ngôn công nhận (hay thừa nhận) quyền tự do tôn giáo là đương nhiên không qua bất kỳ một thủ tục hành chánh nào. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo có trước thủ tục hành chánh.
Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Sự kêu gọi thiết lập một thế giới trong đó tất cả mọi người phải được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người. (trích văn đoạn 02 TNQTNQ).
Dự thảo 4 dùng chữ công nhận kèm theo nhiều qui định hành chánh như vậy thì việc gia nhập LHQ và ký kết các điều ước quốc tế về nhân quyền và tự do tôn giáo trở nên mâu thuẩn. Nghĩa là chính quyền không coi trọng điều mình đã ký sao đáng gọi là phụ mẫu chi dân?
VI/- Dự thảo 4 thục lùi so với pháp lệnh 21.
Dự thảo 4: Điều 5. Quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo
1/. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế.
2/. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Pháp lệnh 21. Chương VI. Ðiều Khoản Thi Hành. Ðiều 38
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Pháp lệnh 21 qui định: nếu pháp luật Việt Nam không phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì thi hành theo các điều ước quốc tế. Dự thảo 4 hô biến nội dung trên thành điều khoản quan hệ quốc tế, nghĩa là công dân Việt Nam đã bị tước bỏ quyền được thi hành theo điều ước quốc tế.
VII/- Đề nghị cụ thể.
Hiến Pháp năm 2013 điều 28 qui định:
1/. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2/. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Chúng tôi là công dân có tín ngưỡng và là tín đồ ĐĐTKPĐ nên có đầy đủ quyền góp ý. Luật xây dựng theo hướng phù hợp với các điều ước quốc tế. Cụ thể như sau:
1/- Hủy bỏ dự thảo 4; vì sai từ căn bản nên không thể chỉnh sửa. Đoạn tuyệt với dự thảo 4 xây dựng dự thảo mới là việc làm rất khoa học.
2/- Mời Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đến giúp đở vì ông đã để lời sẳn sàng giúp Việt Nam…
3/- Mời các hiền nhân quân tử có chuyên môn về pháp luật, am hiểu về cách thức xây dựng xã hội dân chủ tham gia soạn thảo.
4/- Mời nhân sự trong các tôn giáo đã được chính quyền công nhận tham gia soạn thảo.
5/- Mời nhân sự trong các tôn giáo chưa được chính quyền cho hoạt động tôn giáo tham gia để chính quyền biết nguyện vọng của họ và đưa vào luật tôn giáo, tín ngưỡng.
Trân trọng kính chào.
Việt Nam ngày 02. 05. 2015.
Ban Chấp Hành Khối Nhơn Sanh và đồng đạo.
Đồng ký tên và chịu trách nhiệm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đất đai của các tổ chức tôn giáo vẫn thuộc “Đảng và nhà nước”

Phan Thanh Hung

VNTB – Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần được tu chỉnh

Trương Thế Tử

Việt Nam : Dự luật tôn giáo “không đáp ứng yêu cầu của quốc tế”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.