Lại vừa hiển lộ một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngân sách Việt Nam đang rơi vào bi kịch.
Nông Nghiệp Việt Nam – một tờ báo đã có những bài viết rất hay về thảm trạng đời sống nông dân, vừa đăng tải sự thật ở Công ty thủy nông Sông Tích trên địa bàn Hà Nội. Chưa bao giờ số phận của hơn 3,700 cán bộ, công nhân viên và người lao động tại doanh nghiệp này lại khốn đốn như thế. Thậm chí, một số giám đốc các công ty phải đau xót thừa nhận rằng: “Đời sống của anh em đã cùng cực rồi! Họ chán chường và tuyệt vọng”.
Từ tháng 1 – 10/2016, Công ty Sông Tích chỉ tạm ứng lương cho cán bộ công nhân viên với mức bình quân 3.5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng từ tháng 11/2016, mọi chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội của người lao động trong công ty không được chi trả một đồng một cắc, họ cũng không được tạm ứng. Công ty không còn tiền để trả cho người lao động.
Vào năm 2015, công ty này còn được ngân sách cấp 130 tỷ đồng cho “sự nghiệp công ích”. Nhưng đến năm 2016 thì chỉ còn được cấp 60 tỷ đồng, bằng khoảng 40% kinh phí của năm 2015).
Công ty thủy nông Sông Tích nằm trong khối doanh nghiệp công ích ở Việt Nam. Theo “thông lệ” phân bổ ngân sách địa phương, khối doanh nghiệp công ích vẫn thường được hưởng chế độ ưu tiên hơn so với nhiều doanh nghiệp kinh doanh. Tức ngân sách cấp cho doanh nghiệp công ích thường phải bảo đảm ổn định, hoặc có giảm thì cũng không giảm nhiều.
Tuy nhiên từ cuối năm 2015 đã phát lộ tín hiệu về ngân sách cạn kiệt, khi bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh đã phải tán thán “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”.
Vào năm 2016, nhiều thông tin cho biết nhiều hội đoàn nhà nước, kể cả những hội đoàn “cánh tay nối dài của đảng” đã bị cắt giảm nguồn cấp ngân sách đến 50%. Đến đầu năm 2017, “chủ” của một trong những “cánh tay nối dài” ấy – Hội Nhà Văn Việt Nam – đã xác nhận sự sụt giảm mạnh mẽ này. Thậm chí chủ tịch hội đoàn này là “chính khách” Hữu Thỉnh còn phải than thở là nếu không có ngân sách thì Hội Nhà văn Việt Nam có thể phải giải tán, vì không biết kiếm đâu ra tiền để “nuôi” ban chấp hành và hàng ngàn hội viên.
Có thể hình dung rằng mức độ giảm ngân sách bình quân cấp cho các hội đoàn nhà nước và khối doanh nghiệp công ích trong năm 2016 là từ 40 – 50%. Đây là mức giảm đột ngột và rất lớn.
Có thông tin cho biết trong năm 2017, ngân sách cấp cho khối hội đoàn sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 30%, để tính chung trong hai năm 2016 và 2017 thì khối hội đoàn nhà nước bị cắt giảm khoảng 60% ngân sách.
Nhưng một bất công rất lớn lại vẫn xảy ra: bội chi ngân sách năm 2015 và năm 2016 không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Nếu năm 2013 được xem là “đỉnh” của bội chi ngân sách là 6.6% GDP, thì những năm gần đây tỷ lệ bội chi cũng tròm trèm 6% GDP. Riêng năm 2016 vẫn bội chi ít nhất 250 ngàn tỷ đồng.
Vậy trong khi tiền chi cho khối công ích giảm mạnh, số bội chi đi vào túi ai?
Theo báo cáo chi ngân sách của Bộ Tài chính, số phân bổ được xem là “ổn định” nhất vẫn là ngân sác chi lương cho khối hành chính sự nghiệp và khối đảng. Nhưng theo nhiều chuyên gia và cả quan chức đương nhiệm, có tới 30% số công chức chính quyền và đảng hiện nay chỉ biết lãnh lương mà “không làm gì cả”.
Lê Dung / SBTN