Tôi bị đấu tố sáng nay
1-3-2016
Sáng nay 01/4/2016, Mặt trận tổ quốc tỉnh Phú Yên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tôi tại nơi cư trú. Tham dự hội nghị có hơn 100 người, phần lớn là công an, người nhà công an, cán bộ các đoàn thể chính quyền địa phương, người lạ mặt ở địa phương khác, dân chúng trong thôn chỉ vài người được mời đến dự.
Mở đầu hội nghị họ giới thiệu sơ lược về tôi, sau đó cho người đấu tố tôi. Người đầu tiên đấu tố là một anh đảng viên của chi bộ thôn trước đây làm kiểm sát viên bị tuột xích cho về hưu sớm, người thứ 2 đấu tố tôi là một anh công an về hưu, người thứ 3 đấu tố tôi là một anh đang làm công an huyện, người thứ 4 là một anh đảng viên của chi bộ thôn, người thứ 5 là Chủ nhiệm đoàn luật sư.
Họ đem chuyện gia đình, chuyện tôi không tham dự các cuộc họp của thôn, chuyện tôi viết bài trên Facebook ra mạt xát tôi; họ cho rằng tôi không đủ điều kiện làm đại biểu quốc hội, vì tôi có tư tưởng phản động; họ khuyên mọi người không bầu tôi. Điều đáng buồn là chính lãnh đạo Đoàn luật sư được mời đến dự lại đấu tố tôi, cho rằng tôi vừa bị Sở tư pháp phạt tiền vì không lập sổ tài chính nhưng không khai báo và tôi có tư tưởng không đảm bảo để bầu vào quốc hội.
Sau khi đấu tố xong thì phát phiếu bầu, phiếu bầu rất đơn giản chỉ ghi họ tên tôi, nếu ai đồng ý thì giữ nguyên phiếu bầu, nếu không đồng ý thì gạch tên tôi. Họ phát ra 86 phiếu rồi thu lại, họ không kiểm phiếu tại chỗ mà đem phiếu bầu vào trong một ngôi miếu vắng vẻ gần đó để kiểm phiếu, bên ngoài thì có công an canh gác.
Tại sao họ không kiểm phiếu tại chỗ bằng cách chia phiếu gạch tên ra một bên và phiếu không gạch tên ra một bên thì sẽ biết kết quả ngay, mà phải đem phiếu vào trong một cái miếu vắng để kiểm phiếu ? việc làm này rất mờ ám, làm tôi và những người dân tham dự hết sức bất bình.
Kết quả công bố tôi được 29/86 phiếu. Theo qui định thì tôi bị loại vì dưới 50% phiếu bầu. Ngày mai tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm tại nơi tôi làm việc là Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.
Dù tôi không được chính quyền cơ cấu làm Đại biểu quốc hội, nhưng tôi là Đại biểu Quốc hội của lòng dân. Cảm ơn mọi người đã ủng hộ tôi !
(Dưới đây là hình chụp hội trường sáng nay đấu tố tôi và hình cán bộ kiểm phiếu bên trong ngôi miếu vắng):
————————–
Mặt trận cấp cơ sở tìm cách loại người trẻ tự ứng cử
1-4-2016
Mặt trận cấp cơ sở tìm cách loại người trẻ tự ứng cử, trái lời khuyên của Chủ tịch Trung ương Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân là khuyến khích người trẻ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.
Hai nữ ca sỹ trẻ đã tự ra ứng cử, là Lâm Ngân Mai (Gò vấp, tp HCM) và Nguyễn Mai Khôi (Cam Ranh, Khánh Hoà). Họ đều có những kế hoạch tranh cử nghiêm túc. Mai Khôi, quan tâm đến các vấn đề văn hoá, nghệ thuật, bạo lực gia đình, cô có chính kiến rõ ràng. Ngân Mai quan tâm đến những vấn đề bất công, nghèo đói mà chính cô vì thế chỉ học đến 9/12 và đòi hỏi các ông bà nghị phải thực sự đại diện cho 90 triệu dân Việt và phục vụ dân chúng.
Mấy hôm trước, 29/3/2016 ông Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện trước giới trẻ Hà thành, ông khuyến khích và mong mỏi nhiều bạn trẻ ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Vậy mà mấy hôm sau, tối qua 31/3 những cuộc họp cử tri ở nơi cư trú do Mặt trận ở cơ sở tổ chức, với những cử tri già nua, phát biểu đọc sẵn và không để ứng cử viên trình bày chương trình tranh cử, đã loại hai nữ ca sỹ khỏi cuộc đua. Ngân Mai chỉ được 3/66 cử tri tín nhiệm( tính cả cô và mẹ cô) dù trước đó cô thu thập được 800 chữ ký ủng hộ, Mai Khôi khá hơn được 28/68.
Có lẽ ông Nhân cần vi hành đến những cuộc họp cử tri ” tín nhiệm những ứng cử viên tự do trẻ tuổi” để thấy, Mặt trận do ông làm chủ tịch có thật sự khuyến khích hay tìm mọi cách ngăn cản các bạn trẻ tâm huyết này. Nếu ông đang bận họp Quốc hội ở Hà nội, ông có thể đến mấy cuộc họp cử tri nhận xét vể những ứng cử viên trẻ phía Bắc, trong đó có các luật sư trẻ Luân Lê và Tuan Ngo, sẽ diễn ra mấy ngày nữa.
————————–
Diễn biến Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú của ứng cử viên Đỗ Anh Tuấn
1-4-2016
Diễn biến Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú phường Xuân Hòa – thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc:
1. Bác Ngòi tổ trưởng tổ dân phố:
Anh Tuấn không có mặt tại nơi cư trú, không tham gia hệ thống chính trị, không có đóng góp cho tổ dân phố, không có quan hệ mật thiết với người dân địa phương, đang bị CA quận Hai Bà Trưng xử phạt 35 triệu đồng. Không thể đại diện cho nhân dân được.
2. Chú Hải chủ tịch MTTQ tổ dân phố:
Nhất trí với ông Ngòi. Anh Tuấn không có thành tích, không giúp đỡ người dân, vi phạm hành chính, chưa chấp hành xong quyết định cưỡng chế. Không đồng ý, không tín nhiệm anh Tuấn là đại biểu quốc hội.
3. Ông Thoảng:
Trên facebook của anh Tuấn có nhiều ảnh không thích đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam là tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Anh Tuấn không thích đảng cộng sản thì không thể vào quốc hội được. Anh Tuấn có dám làm như Cù Huy Hà Vũ, làm như Điếu Cày không?
4. Ông Cù Tiến Tuất:
Lớp trẻ phải tu dưỡng, rèn luyện. Đất nước có được như ngày hôm nay là sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ. Không thể thay đổi hiến pháp vì đó là kết quả đấu tranh của bao nhiêu thế hệ. Tôi không đồng ý cho anh Tuấn làm ĐBQH.
5. Em Lan Anh của đoàn thanh niên:
Cùng sử dụng mạng facebook, tôi thấy anh Tuấn viết nhiều bài nói xấu, nói bậy về đảng và nhà nước của ta. Không thể thay thế được hiến pháp. Anh Tuấn không thể là đại diện cho tầng lớp thanh niên.
6. Ông An:
2 năm làm CA thì anh tự xin ra hay bị buộc ra khỏi ngành. Đảng và nhà nước đã đào tạo anh tốn tiền. Trước khi ứng cử anh đã làm được gì cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Ông cảm thấy bị xúc phạm khi đọc bài viết của anh Tuấn có nói rằng “Nếu sống mà không để lại gì cho những người xung quanh thì sống để làm gì?”
Nếu không vào quốc hội thì hãy cứ là công dân tốt đi đã.
Biết bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống để có được hiến pháp như ngày hôm nay. Viết lại hiến pháp là không được. Anh Tuấn nhận thức chính trị non nớt, tự mãn, tự kiêu.
Mình đáp:
1. Nhà cháu chuyển toàn bộ gia đình khỏi Xuân Hòa về Phúc Thắng từ 2010 để chăm sóc bà nội thì làm sao mà có quan hệ mật thiết hay có đóng góp gì cho Xuân Hòa, tuy nhiên vẫn có đóng góp cho Phúc Thắng. Hơn nữa MTTQ tỉnh vẫn bắt phải chuyển nơi lấy ý kiến cử tri về phường Xuân Hòa.
2. Việc bị xử phạt 35 triệu là do tuyên truyền về quyền con người. Và quyền con người nằm ở chương 2 của hiến pháp.
3. Việc thách thức người khác dám làm như Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cày thì đó là những người tốt hay xấu?
4. Hiến pháp là thứ có thể thay đổi. Hiến pháp của Pháp đã thay đổi 9 lần trong 10 năm. Và hiến pháp Việt Nam đã thay đổi 5 lần. Miễn là hiến pháp đảm bảo đời sống người dân thì việc thay đổi bao nhiêu lần không quan trọng.
5. Việc nói bậy có thể là do cách hiểu. Ví dụ như chữ “Đổi mới cuộc sống” mà được viết tắt thì người đọc hay hiểu sang nghĩa bậy bạ, linh tinh.
6. Ông An:
Làm CA 2 năm thì tự ra khỏi ngành. Còn lý do ra khỏi ngành là không cảm thấy đồng tiền có được từ nghề CA mang lại niềm vui. Hơn nữa số tiền kiếm được từ ngành CA cũng chẳng dám khoe với ai.
Việc học là từ tiền thuế của nhân dân chứ không phải là từ tiền của đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước không làm ra tiền. Họ chỉ sử dụng tiền thuế của nhân dân mà thôi.
Trước khi ứng cử thì tôi cũng đi làm và kinh doanh để kiếm tiền như bất kỳ ai. Tôi cũng đã có góp ý sửa đổi hiến pháp mà mọi người quan tâm có thể lên google và gõ “Đỗ Anh Tuấn” + “Hiến pháp” là ra. Bản góp ý này được đăng trên nhiều trang, trong đó có trang hienphap.net của giáo sư Ngô Bảo Châu.
Câu “Nếu sống mà không để lại gì cho những người xung quanh thì sống để làm gì?” mang ý mong muốn mọi người hãy làm cái gì đó cho quê hương, đất nước.
Hình minh họa: Ông Đinh Quang Trung – chủ tịch MTTQ phường Xuân Hòa. Người luôn tìm cách chặn không cho mình phát biểu.
Bà Nguyễn Thị Thanh chủ tịch UBND phường Xuân Hòa. Người thực sự đạo diễn toàn bộ sự việc ở phường Xuân Hòa (đương nhiên là có cả sự chỉ đạo từ trên)
Diễn biến có liên quan:
Khi mình nói tự ứng cử ĐBQH, chú Hải chủ tịch MTTQ tổ dân phố trước đó đã nói: “Liệu chúng nó có cho cháu vào không?”
Khi mình hỏi anh Hoàng bí thư đoàn thanh niên rằng anh sẽ phát biểu gì thế? Anh đáp: “Bị phân công rồi, anh đéo làm gì khác được đâu”. Nhưng cuối cùng thì em Lan Anh đã phát biểu phần của đoàn thanh niên.
Bác Chi, người bế mình từ khi mình còn bé tí, tối hôm trước còn đi vận động tranh cử với mình, sáng hôm sau bị CA đến nhà. Buổi chiều mình lên bác bảo bác ốm, bác gái đi họp thay được 5p thì bỏ về.
Những nhà hôm trước mình đến vận động tranh cử và đều tỏ ý ủng hộ thì hôm sau có người đến tận nhà nhắc nhở.
Kết quả giơ tay 70/71 người không đồng ý cho mình ửng cử ĐBQH.
Kính báo để cả nhà biết.
Vâng, dân chủ đến thế là cùng.
30-3-2016
Các bước tiến hành Hội nghị cử tri tại cơ quan:
1. Công ty mình có 104 người nhưng chỉ mời 15 người, mời các công ty khác 103 người. Thành phần mời chủ yếu là các đảng viên đảng cộng sản. Đa số là những người mình còn chẳng biết là ai, và họ cũng chưa biết mình là ai.
2. Mở đầu cuộc họp là ông chủ tịch công đoàn phát biểu về việc “tự ứng cử”. Việc phát lý lịch và chương trình hành động là việc riêng của anh Tuấn, không phải văn bản của tổ chức nào nên không thực hiện. Xem xong thì trả lại cho anh Tuấn.
3. Lấy ý kiến:
– Anh bí thư đoàn thanh niên phát biểu: “Anh Tuấn tự ứng cử mà không xin phép, không báo cáo tổ chức đoàn thanh niên, qua theo dõi facebook thì anh nói xấu đảng và nhà nước rất nhiều, anh Tuấn còn đang bị phạt 35 triệu và tháng nào cũng bị trừ lương”
– Anh giám đốc thứ nhất phát biểu: qua theo dõi facebook của anh Tuấn thì thấy anh Tuấn nói xấu đảng và nhà nước rất nhiều, anh Tuấn mong muốn sửa hiến pháp là một ước mơ ngông cuồng.
– Anh giám đốc thứ hai phát biểu: Qua thông tin mà những người trước nói thì tôi sẽ không ủng hộ anh Tuấn.
– Anh áo vàng phát biểu: Phải tìm hiểu kỹ về cách vận hành của Đảng và nhà nước thì mới ứng cử đại biểu quốc hội được.
Ngoài ra không thấy có phát biểu nào khác.
Mình đáp:
– Đã “tự” ứng cử thì không phải báo cáo hay xin phép.
– Mặt xấu thì nói là mặt xấu, mặt nhọ thì nói là mặt nhọ, tham nhũng thì nói là tham nhũng. Đấy là nói thật chứ không phải nói xấu.
– Bị phạt 35 triệu vì tuyên truyền về quyền con người. Và quyền con người nằm ở chương 2 của hiến pháp.
– Đương nhiên phải tìm hiểu kỹ về nhà nước thì mới có thể đưa ra các nhận định, nếu không thì là những người nói leo mà thôi.
Chủ tịch công đoàn kết luận:
Anh Tuấn có cho là mình hay, mình tài thì có thể áp dụng ở Singapore hay Mỹ hay nước khác, chứ đặc trưng của Việt Nam khác các nước.
4. Lấy ý kiến:
– Không sử dụng hình thức bỏ phiếu kín. Chỉ sử dụng hình thức giơ tay biểu quyết.
– Kết quả có 11/127= 8,6% người đồng ý (Có thêm 9 người của công ty mình)
Vậy kính báo để cả nhà rõ.
Quên mất 1 thông tin quan trọng là toàn bộ sự việc được đài truyền hình Bình Xuyên quay phim lại. Không biết để dùng vào việc gì.