VNTB – Biển Đông lại dậy sóng

VNTB – Biển Đông lại dậy sóng

Chi Mai

(VNTB) – Hà Nội trước giờ vẫn chủ trương “vừa đấu tranh vùa hợp tác” với sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông dường như chẳng đem lại hiệu quả gì. Có lẽ đã tới lúc Hà Nội phải đấu tranh nhiều hơn là hợp tác.

Tàu Hải Dương 8 cách bờ biển Bình Định chưa đầy 90 hải lý

Chưa đầy hai tuần sau khi một tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm và tạm giữ 8 ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, ngày 14/4/2020 Trung Quốc đã cho tàu khảo sát Hải Dương 8 đi vào vùng lãnh hải Việt Nam cùng với đội tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Rõ ràng bất chấp đại dịch Covid-19 đang bùng phát khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc vẫn ngang nhiên mở rộng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 rời cảng Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc vào thứ Năm tuần trước, và đã được sáu tàu hải cảnh hộ tống vào ngày thứ Hai – các tàu hộ tống mang số hiệu 1105, 1006, 2103, 5901, 4201 và 4203 và cùng tiến vào biển Đông.

Đến sáng thứ ba theo giờ địa phương, đội tàu này cách bờ biển Bình Định chưa đầy 90 hải lý, khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. Ngoài ra còn có hai tàu dân quân hàng hải Trung Quốc là Dongtongxiao00235 và Min Xia Yu 00013 đi cùng.

Phía Việt Nam cũng đã cho các tàu hải cảnh theo dõi chặt chẽ đội tàu này. Một chiếc tàu, tàu Kiem Ngu 314363, đã đi ngay bên cạnh tàu Hải Dương 8 hôm thứ Hai.

Chính phủ Việt Nam vẫn chưa bình luận công khai về hành động của Trung Quốc.

Trứng chọi đá?!

Dù vẫn cho là cả hai bên cần kiềm chế xung đột ở Biển Đông, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đang âm thầm phát triển năng lực hàng hải ở Biển Đông.

Việt Nam cho thành lập các thuyền dân quân để canh chừng Trung Quốc với khoảng 8.000 tàu, thì phía Trung Quốc có tới 1.320.000 tàu các loại. Theo số liệu từ Toà Bạch Ốc thì Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân và 439.000 tàu cá.

Ngoài việc có số tàu cá lớn áp đảo, rất nhiều tàu Trung Quốc là tàu đóng từ thép, trong khi tàu Việt nam hầu hết là tàu gỗ. Chỉ về số lượng, Hà Nội dã khó có thể theo kịp Trung Quốc cho dù là có tham vọng trở thành cường quốc hàng hải năm 2030.

Việc sử dụng các dân quân biển nhằm hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ lực không nhất thiết dẫn đến sự leo thang quân sự.

Một nhà nghiên cứu ở AEI Hoa Kỳ , Zack Cooper, cho biết nếu dân quân hàng hải được huy động lớn thì có thể dẫn đến nguy cơ đụng độ cao giữa lúc căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng.

Tuy nhiên chuyên gia Biển Đông của Học viện Khoa học và Xã Hội Trung Quốc lại cho rằng Trung Quốc sẽ dựa vào lực lượng hải quan và tuần duyên để bảo vệ quyền lợi hàng hải hơn là dân quân biển. Việc này theo đó có thể giúp Trung Quốc tập trung hơn vào giải quyết quản lý khủng hoảng chẳng hạn như thảo luận quy tắc ứng xử cho các cuộc đụng độ ngoài ý muốn trên biển vì tranh chấp hàng hải không thể giải quyết nhanh chóng.

Dám đấu tranh tới đâu?

Hà Nội trước giờ vẫn chủ trương “vừa đấu tranh vùa hợp tác” với sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông dường như chẳng đem lại hiệu quả gì. Có lẽ đã tới lúc Hà Nội phải đấu tranh nhiều hơn là hợp tác.

Cho tới nay, “đấu tranh” của Hà Nội chỉ vẫn ở mức phản đối ngoại giao mỗi khi có đụng độ ở Biển Đông. Động thái được cho là “cứng rắn” nhất là gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc.

Về chiến lược, Hà Nội nên nâng cao quan hệ với Hoa kỳ để có được sự ủng hộ chiến lược lâu dài của cường quốc số một thế giới cũng như lấy đó làm đối trọng để kiềm giữ sự hung hăng của Bắc Kinh. Từ đó có thể tranh thủ sự ủng hộ hay can thiệp thực của Washington thay vì chỉ là những lời phải đối mang tính ngoại giao trong tương lai.

Ngoài ra Hà Nội cũng cần tăng cường và phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Bộ Tứ để có được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng lớnn hơn.

Ở Quốc nội, trong thời gian này đã có những chuyển biến rõ rệt về thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc khi báo chí chính thống có vẻ đã được cởi mở hơn khi nêu tên rõ tàu Trung Quốc mà không phải là tàu lạ. Đồng thời việc đưa tin tức về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông gần như là tức thời với mạng xã hội.

Hà Nội liệu có thể tiến xa thêm một bước là tháo bỏ những kiểm duyệt thông tin về Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của công chúng, và đẩy lùi dần ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Việt Nam cũng có thể kiện Trung Quốc ra toà quốc tế như Phillipines đã làm và được xử thắng kiện ở toà trọng tài quốc tế The Hague năm 2016.

Chỉ như vậy,  Hà Nội mới thật sự có có thể đứng thẳng để chống lại một Trung Quốc đang ngày càng hung hãn.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)