VNTB – Biểu tình đòi quyền lợi đang lan rộng

VNTB – Biểu tình đòi quyền lợi đang lan rộng
 

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Hàng trăm công nhân ở Hà Tĩnh tụ tập trên xe máy đòi quyền lợi.

 

Nếu như báo chí Việt Nam dùng cụm từ “ngừng việc tập thể” thay cho “đình công”, thì tên gọi ở đây cũng còn có thể là các cuộc “biểu tình” của người lao động để đòi hỏi về quyền lợi.

Từ khoảng 13g ngày 15-2, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH Havina, đóng tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã tụ tập tại trụ sở công ty này để đòi hỏi một số quyền lợi. Hầu hết họ cho rằng do lương thấp nên yêu cầu công ty xem xét lại mức lương.

Sau khi được đối thoại, giải đáp, giải quyết các kiến nghị vào buổi sáng, đến chiều ngày 16-2, hầu hết công nhân của Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đã trở lại làm việc bình thường.

Đến thời điểm này, Công ty Haivina cũng đã có văn bản trả lời tất cả 19 kiến nghị của công nhân được tổng hợp trong buổi ngừng việc hôm 15-2. Trong đó, đáng chú ý là công ty đồng ý với kiến nghị đối với những người đủ điều kiện tăng bậc lương thì sẽ tăng 5% lương cơ bản, đồng thời vẫn giữ nguyên các phụ cấp khác.

Đối với tiền hỗ trợ Covid-19, khi nào có tiền hỗ trợ từ Chính phủ chuyển về, công ty sẽ tiến hành chi trả. Công ty cũng thêm quạt trong nhà xưởng, cải thiện chất lượng bữa ăn; xem xét có thể giảm thời gian công nhân may chuyển sang cắt chỉ còn 10 phút, cần thiết hơn thì có thể bỏ hẳn thợ may cắt chỉ…

Về thắc mắc tại sao trong đăng tuyển lao động, công ty đưa ra mức lương 5,5 triệu đồng nhưng thực tế thấp hơn, Công ty giải đáp mức lương đó hoàn toàn có thể đạt được nếu làm việc đầy đủ thời gian và tăng ca 1,5 giờ/ngày làm việc…

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh được thành lập ngày 05-10-2018 là doanh nghiệp may mặc 100% vốn Hàn Quốc, vốn đầu tư ban đầu 15 triệu USD tương đương 345 tỷ đồng, hiện tại đang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu đô tương đương với 69 tỷ đồng, tăng tổng mức đầu tư lên 414 tỷ, tương đương 18 triệu đô.

Hiện công ty có 4 nhà xưởng rộng 9,9 ha với tổng số gần 2.300 công nhân lao động đang làm việc. Mức tiền lương bình quân là 5 triệu đồng. Ghi nhận ý kiến bên lề vụ việc, cho thấy việc nhiều công nhân mới vào làm việc được ít tháng song lại yêu cầu được tăng lương 5% như những người đã làm việc 3 năm, tức đủ thời gian để được tăng lương là điều khó hiểu.

Tiền lương bình quân người lao động của công ty là 5.010.222 đồng/tháng, cao nhất 23.920.368 đồng/tháng, thấp nhất 4.765.241 đồng/tháng.

Ngoài ra việc đi chậm giờ bị trừ tiền chuyên cần, công bằng mà nói đây là một quy định có phần thừa thãi, vì theo nguyên tắc, người lao động phải chấp hành kỷ luật lao động của doanh nghiệp về giờ giấc công việc.

Trong ngày 16-2-2022, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh ký công văn về vấn đề gọi là “giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể” gửi công đoàn các tỉnh thành và công đoàn ngành.

Theo đó, trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc “ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động” tại 11 địa phương. Ông Phan Văn Anh xác nhận thống kê số cuộc có giảm so với cùng kỳ năm 2021, quy mô không lớn song “tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp”.

Nguyên nhân “ngừng việc tập thể”, tranh chấp lao động tại các địa phương chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp, trả thưởng thấp hơn so với năm trước. Một số cuộc còn khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý với công nhân, doanh nghiệp đưa ra quy định chưa phù hợp, cứng nhắc với người lao động, chất lượng bữa ăn ca kém…

Với những cách dùng từ mang tính tránh né này, cho thấy một khi không nhìn thẳng vào sự thật cần thiết của quyền đình công, quyền biểu tình cũng như quyền tự do hiệp hội, tự do công đoàn của người lao động thì những cách giải quyết chỉ là mang tính tình thế, với hệ lụy là tạo làn sóng âm ỉ về ấm ức mà người lao động phải cam chịu trong thể chế cái gì cũng phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo của đảng.

Ở góc nhìn khác, theo nhận xét của một nhà báo từng chuyên trách mảng công đoàn, thì đây chính là phần nổi của tảng băng chìm về những bế tắc trong đời sống bởi hàng loạt các mệnh lệnh hành chính hà khắc nhân danh kiểm soát dịch giã. Bởi hơn ai hết, công nhân hiểu khi chủ doanh nghiệp đứt đơn hàng thì họ cũng mất việc, chứ nói chi tới việc đình công, yêu sách.

Thế nhưng để giải tỏa những bí bách cơm gạo áo tiền, người ta không thể xuống đường biểu tình, nên trong nhiều trường hợp chỉ cần mồi lửa nhỏ của bế tắc, lập tức đám cháy bùng lớn cho cái gọi là “ngừng việc tập thể” để yêu sách ngay cả phần tiền không hề trong thẩm quyền của chủ doanh nghiệp, là “tiền hỗ trợ Covid-19” như với trường hợp ở đầu bài viết này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)