Người Tân Định
(VNTB) – Nhà chức trách Việt Nam vừa quyết định cấm hoạt động du lịch ở đảo Bình Ba và Bình Hưng với lý do đảm bảo an ninh cho căn cứ quân sự tại Cam Ranh.
Theo tin các báo Việt Nam thì quyết định vào ngày 22/4, UBND thành phố Cam Ranh yêu cầu các doanh nghiệp “không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch và quảng cáo sản phẩm tại đảo Bình Ba và Bình Hưng (Hòn Chút)”,
Ngoài ra, các thông tin quảng bá về du lịch ở hai đảo này trên các website, mạng xã hội hay các nền tảng khác cũng bị yêu cầu gỡ bỏ.
Bình Ba, Bình Hưng là các đảo nằm trong nhóm “Tứ Bình” (cùng với đảo Bình Lập và Bình Tiên). Khu vực này nổi tiếng với các bãi biển đẹp, còn hoang sơ và giá cả sinh hoạt bình dân. Theo BBC.
Năm 1966, người ta thấy những bích chương bố cáo “Chương Trình Sinh Viên Hải Đảo”, bộ Thanh Niên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức. Điều kiện tham dự rất dễ, chỉ đến ghi tên, chờ và được gọi đi.
Tháng 6, đúng dịp hè, chúng tôi khoảng 30 người, tập trung ở bến Bạch Đằng Sài-Gòn, xuống chiếc Dương Vận Hạm HQ501, thẳng ra Nha Trang. Qua một đêm ngủ trên boong tàu, lẫn lộn cả trai lẫn gái nằm kề nhau, giữa đống súng săn cá, kính lặn, chân vịt, ống thở. Hồi đó chúng tôi lặn dưới nước với ống thở ngậm vào miệng. Gần trưa, chúng tôi nhìn thấy bãi biển trắng như đường của Nha Trang, nhưng phải chờ nước thủy triều dâng tàu mới tiếp cận bờ biển, đổ bộ vào bãi Duy Tân.
Chúng tôi được đưa đến căn biệt thự nhìn thẳng ra bãi biển, gần như bỏ trống, chỉ có mấy chục chiếc giường tầng trong các căn phòng cho trai gái ngủ riêng. Tôi không còn nhớ chúng tôi được cung cấp thức ăn, nước uống ra sao, chỉ nhớ sau hai ngày ở trong biệt thự, lúc kéo nhau chơi bóng chuyền, bóng rổ trong sân vây chung quanh bởi những hàng dương, lúc loanh quanh đi dạo phố, buổi tối ra bãi, bọn trai bơi đêm, chọc ghẹo mấy cô bán hàng rong, bọn con gái ăn cháo, tàu hũ nước đường, chúng tôi được lên xe đưa ra Cam Ranh, xuống tàu đến Bình Ba.
Đọc đến đây có thể có người thắc mắc về chuyện ai hướng dẫn nhóm? Cho đến nay có lẽ chỉ vài người trong nhóm nhớ được. Anh lặng lẽ, âm thầm, nhỏ nhẹ và dần dần có vài người giúp anh cầm đầu các nhóm nhỏ. Anh như một cái bóng mờ.
Bình Ba là một hòn đảo nhỏ, tiền tiêu của Cam Ranh, có bãi biển cong hình lưỡi liềm, hai đầu bãi biển là núi đá. Phía tay trái nhiều tảng đá chồng lên nhau không cao lắm ra đến mép nước. Lúc đó dân không đông, toàn làm nghề chài lưới. Thỉnh thoảng, buổi tối, chúng tôi theo họ ra khơi bắt cá mực. Đèn măng xông treo trên các chiếc thuyền nhỏ, từ bờ nhìn ra như hội hoa đăng. Người ta thả những dây như vải màu trắng làm mồi, kéo lê theo thuyền. Những chú mực mê ánh sáng, bơi theo bám mồi, bị kéo lên thuyền. Sáng thuyền vào bờ, mực đổ xuống bãi, bị xẻ thịt phơi nắng, bãi biển trở nên trắng xóa, nhưng chỉ lúc sau cả bãi trở nên đen ngòm. Vô số ruồi mỗi ngày được thưởng thức mực phơi nắng. Chúng tôi được bà con cho cá, mực ăn đến phát ngán. Những thứ khô bây giờ người ta kêu đặc sản một nắng chúng tôi được ăn từ hồi đó.
Đảo Bình Ba chung quanh toàn rau câu màu nâu, có hạt tròn chùm nho nhỏ, người trưởng nhóm cho chúng tôi biết tên sargassum và dậy chúng tôi mang kính lặn, ống thở, chân vịt và cách dùng súng bắn bằng mũi tên săn cá. Tôi có lần suýt chết ngạt trong đám rong mơ đặc kín, dày hàng thước khi bắn một con cá khá to. Con cá không bị mũi trên gắn vào súng bằng sợi dây dài vài thước bắn vào chỗ nhược, nó lôi tôi vào dưới đám rong. Tôi chúi đầu theo nó, đến lúc không thể nhịn thở, trồi lên, nhưng không thể ngoi đầu lên qua khỏi đám rong. Tôi cắt dây súng cho mũi tên theo cá, cố ngoi lên đến kiệt sức. May mấy bạn chèo ghe gần đó phát hiện, nhảy xuống cứu.
Nghe trưởng nhóm bảo rong sargassum bổ và mát, bảo chúng tôi vớt nấu cháo, nấu chè. Việc công ích đầu tiên trại hè của chúng tôi là khuyên dân nuôi heo với nguồn thức ăn vô cùng phong phú trên đảo. Ngư dân không mặn mà chuyện này. Chúng tôi góp tiền mua giống, xây chuồng heo cho họ, với điều kiện họ phải nuôi bằng cá vụn, cá thải nấu với rong mơ. Khoảng 5,3 nhà chịu nuôi heo. Chúng tôi giúp họ chăm sóc bầy heo nhỏ rất mau lớn. Những gia đình khác sau đó xin chúng tôi trợ cấp, tiếc thay, lúc đó chúng tôi phải rời đảo.
Không như nhiều nhà ở quê nuôi vài con heo thả rong, ở Bình Ba chúng tôi phải làm chuồng cho chắc chắn.
Theo lời người dân, thời Pháp thuộc, lính Tây đóng đồn trên đảo, khi rút đi, họ để lại bầy chó săn. Những con chó lúc đầu còn loanh quanh ở trại lính, sau kéo nhau lên núi, chúng được dân gọi là chó núi. Càng ngày chúng càng trở nên hung dữ, dám tấn công người đi một mình lên núi.
Lúc chúng tôi sinh hoạt trên đảo, một gia đình cư dân có người qua đời. Chúng tôi đến viếng người chết, ông nằm trên chõng gần vách. Sập tối, một đám chừng 4,5 người hóa trang thành khỉ màu vàng, mặt đầy lông, đuôi dài cả thước đến được mướn đến. Họ lạy bàn thờ, lạy người chết, uống vài chung rượu rồi bắt đầu miệng kêu khèng khẹc, hú há, nhảy nhót, lộn tùng phèo, phóng tới phóng lui, điệu bộ nhanh nhẹn nhịp nhàng, nhảy qua người chết không khác gì mấy chú Tôn Ngộ Không.
Không thấy quan tài, chúng tôi đề nghị giúp đỡ. Gia đình từ chối, tục lệ nơi đây vẫn bó chiếu chôn. Vả lại nếu đi thuyền về Cam Ranh, mua hòm, trở lại, gia đình sợ người chết không được chôn đúng ngày, đúng giờ.
Ngay đêm đó chúng tôi theo chân tang gia, hàng xóm láng giềng đi chôn người chết. Trời tối, đoàn người lần theo ánh vài bó đuốc chập chờn chung quanh người chết bó chiếu lắc lư như nằm võng dưới cây tre hai người khiêng. Huyệt nông. Họ bảo đất đá cứng lắm, không đào sâu được. Đặt người chết bó chiếu xuống, lấp đất đá xong, họ xúm nhau lăn mấy tảng đá thật lớn đè lên, “cho chó núi không moi xác lên được”.
Tối hôm đó, trong trường học chúng tôi ở, râm ran lời thách đố ai trong đám dám đến mộ người mới chôn. Anh bạn tôi, Nguyễn Khắc Trương, cả gan cầm bàn chải đánh răng lần mò đến cắm lên mộ người chết như một bằng chứng đã đến, chỉ với sự bằng lòng của Yến, cô bé xinh nhất đám, cho hôn. Sáng, sau khi chào cờ, chúng tôi ra mộ người chết, tiếc thay, tìm không ra cái bàn chải đánh răng của Trương. Mất cả chì lẫn chài! nhưng sau đó Trương-Yến yêu nhau.
Mỗi sáng chúng tôi chào cờ, tôi nhớ sau quốc ca, chúng tôi hát bài Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy, rồi kéo nhau làm việc chung từng nhóm tự hoạch định. Thấy đảo không có bệnh xá, nhà hộ sinh, chúng tôi xây cho người dân một căn nhỏ bằng đá. Tàu hải quân giúp chúng tôi chuyên chở xi măng, tôn fibro-cement từ Cam Ranh. Không biết căn nhà đó giờ còn không. Chỉ có thế, ngoài ra là tắm biển, nấu nướng và tự bày ra trò chơi, thể thao và đi săn cá.Tôi vẫn nhớ như in trong đầu, từ ngày ra đảo, cho đến ngày về đất liền, một tháng trời, nhiều thằng con trai, trong đó có tôi không hề khoác một thứ gì khác trên mình ngoài chiếc quần tắm bằng vải màu tím. Kỷ niệm vô cùng đẹp và không quên được.
Trong các món hải sản, chúng tôi có lẽ thích nhất hai thứ cầu gai, có nhiều người gọi là con nhum, và ốc Vú Nàng. Đám con trai hay ghép trên đám con gái với con nhum để chọc ghẹo:
Hò ơi í á, con Nhum và con Yến.
Hò ơi í à, con Yến và con nhum.
Chúng tôi làm những cây dài bằng sắt, đi dọc bãi đá, tìm xiên các con cầu gai, đem về tách vỏ, nấu cháo. Những con ốc lớn bằng hai ngón tay cái, khum khum bám chặt vào vách đá như những chớm ngực xinh xinh con gái được dân đảo đặt cho cái tên thật dễ thương, gợi cảm Vú Nàng. Vú Nàng tuyệt nhất là vắt chanh, tiêu, ăn sống.
Một buổi chiều chúng tôi sửng sốt được gặp Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Đám con gái ôm chòang, xiết chặt lấy thần tương của họ hồi đó. Ông Kỳ đến bằng trực thăng, ở lại, ngồi trên cát, đốt lửa trại, ăn cháo cầu gai, vú nàng sống, ca hát, nói chuyện tầm phào với chúng tôi. Khuya về, ông xin một túi lớn ốc vú nàng.
Vài hôm sau, có một người Mỹ đến, anh chàng này tự giới thiệu là Brian, nói tiếng Việt rất giỏi. Ở với chúng tôi mấy ngày, anh chơi thể thao, bắn cá, nấu cơm, xây nhà hộ sinh, nuôi heo với chúng tôi, và cũng hay ngồi tán dóc, nói đủ thứ chuyện trên đời với cả nhóm, hay thẩn thơ với từng người thả bộ dọc theo bờ biển. Brian về đất liền lúc nào ít người biết, giống như khi anh tới.
Ở được hơn một tháng, chúng tôi rời trại. Trên thuyền về, gặp một gia đình thuyền chài, họ hỏi chúng tôi mua cá tươi, chưa kịp nghe trả lời, hai cha con ông thuyền chài tụt phăng quần áo, lao xuống biển. Đám chúng tôi hết sức thán phục nhìn cha con Chử Đồng Tử lả lướt trong nước biển trong suốt, chuồi vào các hang đá tuyệt đẹp, bắt cá bằng tay. Bọn con gái lúc đầu mắc cỡ sau cũng ra mạn thuyền ồ ồ, à à, thích thú.
Lên đến đất liền, chúng tôi vô cùng thú vị gặp người đón là nhà vô địch Pháp quốc lặn sâu không mang bình hơi, Nguyễn Thành Nhơn, anh ruột của lực sĩ có thân hình đẹp nhất Việt Nam lúc đó là Nguyễn Công Án. Tôi biết anh Nhơn vì thường được anh chỉ dậy tập thể dụng thẩm mỹ miễn phí trong căn biệt thự tư trên đường Võ Tánh, Phú Nhuận của ảnh. Hầu hết đến tập ở đây là sinh viên, học sinh, nhiều người có thân hình rất đẹp. Anh Nhơn ngồi bệt trên thùng xe dodge với nhóm chúng tôi hỏi, chuyện từng đứa. Ở với chúng tôi một ngày, anh đưa tiền cho chúng tôi, dặn chia nhau ra nhiều toán, 5,3 người, mua vé xe đò về Saigon qua ngã Đà Lạt, nơi có nhiều người bưng rổ bán khoai lang tươm mật rất ngon.
Trại Hè Sinh Viên Hải Đảo chỉ tổ chức một lần duy nhất. Không biết đến nay trong nhóm ai còn, ai mất.