VNTB: Chỉ tính đến năm 2010, Việt Nam đã có đến 755 đô thị, tức trung bình mỗi tỉnh phải “gánh” 12 đô thị. Sự nghiệp “đô thị hóa” này rốt cuộc sẽ chạy về đâu?
Trong một hội thảo về phát triển đô thị bền vững gần đây, có ý kiến cho biết gần đây, bình quân mỗi tháng cả nước mọc lên một đô thị. Hệ quả không thể tránh khỏi là nếu vào năm 2000, tỷ lệ dân cư đô thị toàn quốc là 22,3% thì năm 2010 lên đến 34%.
Hệ quả tiếp theo là cùng với quyết định tăng cấp quản lý là sự mở rộng diện tích, dân số đô thị là sự xuất hiện của hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng mới hàng ngàn khu dân cư, rất nhiều các khu dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc đất đai nông nghiệp bị mất đi. Trung bình mỗi năm, Việt Nam mất khoảng 70.000 ha đất nông nghiệp cho công nghiệp mà hầu hết đều thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”. Nếu kể cả diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sang cho các sân golf, khu nghỉ mát, trang trại tư nhân, thì diện tích còn lớn hơn thế rất nhiều.
Không thể nói khác hơn, quá trình đô thị hóa theo phong trào và bừa bãi từ từ năm 2000 đến nay đã góp phần cực kỳ trắc trở làm mất “tam nông”, chuyển từ người nông dân sang thị dân, từ làng xã nông nghiệp sang thành phố, làm gia tăng số lượng thành phố trong quốc gia, làm gia tăng dân số và diện tích ở một thành phố…, tạo ra một sự phát triển hết sức lệch lạc và phân hóa giữa thành thị và nông thôn, cũng như khiến gia tăng lực lượng thất nghiệp đáng kể chính nơi thành thị.
Sắp tới lại có thêm một cuộc hội thảo nữa về quy hoạch đô thị. Nhưng những năm qua chúng ta đã có bao nhiêu cuộc hội thảo rồi? Và tại sao hậu sự hội thảo vẫn chẳng giải quyết cho một cái kết có hậu nào?
——-
Mỗi tháng một đô thị ra đời ở Việt Nam
Đó là thông tin đáng chú ý được ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo ngày 13-8 để chuẩn bị cho đại hội Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sắp tới.
![]() |
Thành phố Đà nẵng. Ảnh minh họa. |
“Trung bình, mỗi tháng có 1 đô thị ra đời ở Việt Nam. Nhiều người thắc mắc: “Sao ở ta, đô thị lại mọc lên nhiều đến vậy?”. Giải thích cho điều này, theo ông Chính, ở mỗi huyện có rất nhiều thị tứ, sau một quá trình phát triển, các thị tứ này được nâng cấp lên thành thị trấn, trực thuộc huyện, đây là đô thị loại 5. Ở mỗi huyện, có thể có nhiều thị trấn. Mặt khác, việc nâng cấp đô thị, cũng được tính vào con số này. Chẳng hạn, việc nâng cấp đô thị từ loại III lên loại II, đô thị loại II lên loại I…
Ông Chính cho biết Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất nước ta. Ở tỉnh này có tới 4 thành phố là: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái. Đây là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước.
Một thực tế khác đang tồn tại cũng được ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Việt Nam nêu ra: “Lâu nay ở các TP lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng chính quyền chỉ căn cứ vào quy hoạch chung về không gian là đánh dấu chéo vào đó, giao đất cho chủ đầu tư theo kiểu vết dầu loang, quy hoạch đô thị đến đâu, giao đất đến đó. Nhà đầu tư nào vào cũng duyệt hết. Nhiều chủ đầu tư ôm đất, giữ đất để đó. Vì việc giao đất dễ dàng như vậy, nên nhiều chủ đầu tư được giao dự án mà không có năng lực thực hiện. Xảy ra tình trạng dự án treo là vì thế.”
Theo ông Chiến, để thực hiện quy hoạch chung ấy, phải được cụ thể bằng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Có nghĩa là khu vực, hay chỗ nào làm gì, xây dựng gì, phải được tính toán kỹ lưỡng. Khi chưa có những quy hoạch cụ thể đó, thì chính quyền đã giao đất một cách tràn lan.
“Với quy định mới, các dự án chỉ được lập khi đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Các dự án sẽ được thông tin công khai để các nhà đầu tư vào đấu thầu, tránh tình trạng chính quyền thấy “ông” nào thân quen là giao dự án, hạn chế dự án “ma”. Trong tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện quy hoạch đô thị, giám sát thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định mới.”, ông Chiến thông tin.
Mặt khác, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng ở nhiều nơi còn tùy tiện, có quy hoạch mới ra nhưng đã phải điều chỉnh. Trong khi đó, nhiều nước quy hoạch của họ ổn định vài chục năm.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh này một phần để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nhưng trong đó cũng có nhiều quy hoạch được điều chỉnh để phục vụ lợi ích của nhà đầu tư.