Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia quản lý BHXH nhằm răn đe và trấn áp công nhân?

VNTB: Sự việc hầu như chưa có tiền lệ là trong Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ tháng 3-2015, cơ quan chịu trách nhiệm về hành pháp này đã bổ sung lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Việc bổ sung trên dựa theo đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bối cảnh bổ sung trên xảy ra khi 90.000 công nhân doanh nghiệp Pou Yuen tại TP.HCM đình công, biểu tình phản đối quyết liệt dối với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không cho công nhân được lĩnh trợ cấp BHXH một lần như trước đây. Hàng ngàn cảnh sát, an ninh, dân phòng cùng nhiều tổ chức chính trị được huy động đến hiện trường để “ngăn chặn”, tuy nhiên phong trào đình công quy mô lớn đầu tiên phản đối chính sách đã bước đầu thành công: ngay cuối tháng 3/2014, Chính phủ phải lập tức kiến nghị Quốc hội cho người lao động được “linh hoạt” lĩnh trợ cấp BHXH. Theo đó, đã có ý rằng Luật BHXH có khả năng phải được sửa lại để thỏa mãn lợi ích và yêu sách của công nhân.

Hệ quả còn lại là trách nhiệm thuộc về những người làm luật trong “phòng lạnh” và chức trách quản lý nhà nước liên quan đến đình công. Tổng liên đoàn lao động VN vốn là cơ quan bị xem là cấp trung gian luôn được hưởng ít nhất 2% trên quỹ lương của doanh nghiệp, chưa từng hỗ trợ hay ủng hộ bất kỳ một cuộc đình công nào của công nhân, ngược lại còn làm nhiều động tác để thỏa hiệp với giới chủ và ngăn chặn, triệt tiêu bức xúc của công nhân. Trong khi cơ quan công đoàn nhà nước này chưa có hành động nào bớt phản lại lợi ích công nhân thì Chính phủ đã vội vàng bổ sung Bộ quốc phòng và Bộ công an vào Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quá khó để cho rằng hai bộ trên sẽ giúp cho Bảo hiểm xã hội VN bảo đảm chi trả trợ cấp cho công nhân, vì đó hoàn toàn không phải là chức năng nhiệm vụ của những bộ này. Lý do còn lại dễ hiểu hơn nhiều là vai trò của Bộ QP và Bộ CA trong tổ chức BHXH có hàm ý như một sự răn đe hoặc sẵn sàng trấn áp đối với bất kỳ một cuộc đình công, biểu thị hay biểu tình nào từ phía công nhân, thay vì theo tinh thần đối thoại mà các cơ quan tuyên giáo VN vẫn ra rả chỉ nói không làm.

Việc bổ sung trên cũng là một bằng chứng sống động cho thấy Chính phủ đã tự giảm bớt “thành tâm” khi nêu ra lời hứa hẹn với công nhân.


Cho tới nay, hoàn toàn chưa có gì chắc chắn là Luật BHXH sẽ được sửa hay sẽ không diễn ra tình trạng bắt bớ những công nhân tổ chức đình công.

Ngay sau cuộc đình công từ Pou Yuen lan ra một số tỉnh, trên mạng đã xuất hiện một số tin tức cho rằng Sở LĐTBXH Tiền Giang đang đề nghị cơ quan công an địa phương này bắt giữ khoảng 100 công nhân “xách động” và lôi ra truy tố theo điều 245 về tội “gây rối trật tự công cộng”.


Tin liên quan: Bổ sung lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia quản lý BHXH

Đây là nội dung Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết 25/NQ-CP về những vấn đề kinh tế xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2015.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1 – 1,5%/năm bằng biện pháp thị trường.

Yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhất là hoạt động biểu diễn, trình diễn, tổ chức cuộc thi liên quan đến hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; thực hiện và chịu trách nhiệm về việc cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam

Chính phủ cũng đề nghị Bộ này chú trọng xây dựng, quảng bá sản phẩm, thương hiệu du lịch Việt Nam đến với thế giới; củng cố thị trường truyền thống, xúc tiến mở rộng các thị trường mới; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, sửa đổi các cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi nhất để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Yêu cầu Bộ Y tế tập trung thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện gắn với tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật y học, nâng cao năng lực khám và điều trị cho các cơ sở y tế; tăng cường y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.

Thanh tra Chính phủ tập trung chỉ đạo tăng cường xử lý sau thanh tra; chú trọng thanh tra các lĩnh vực: dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Thủ trưởng các cơ quan nhà nước tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài.

Riêng về bảo hiểm xã hội một lần, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật bảo hiểm xã hội 2014 về quy định “bảo hiểm xã hội một lần” theo hướng cho người lao động quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng. Cụ thể, sau khi xem xét đề nghị của UBND TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ nhất trí kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: nếu người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động.

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Chính phủ thống nhất tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục của xe ô tô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ.

Đặc biệt, Chính phủ thống nhất bổ sung lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo Đ.Liên/ Pháp luật TP.HCM

Tin bài liên quan:

VNTB – Xăng có khả năng tăng 20/5, người dân tiếp tục bị móc hầu bao

Phan Thanh Hung

Quan hệ VN – Vatican ‘đầy triển vọng’

Phan Thanh Hung

Campuchia tuyên án 11 thành viên đảng đối lập vì nổi loạn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.