Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ luật tố tụng dân sự cần được sửa đổi

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Pháp luật tố tụng dân sự tại Việt Nam không có quy định nào về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể và đại diện theo pháp luật trong vụ kiện tập thể.

 

Với lý do góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng dân sự, Chi hội Luật gia Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM phối hợp cùng Khoa Luật tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng đến hoàn thiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”. Hội thảo đã diễn ra ngày 12-6-2024 tại trường này.

Trong tham luận “Kiến nghị sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về đại diện”, Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng, Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết ngoại trừ các quy định về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại Bộ luật lao động năm 2019, thì còn lại pháp luật tố tụng dân sự tại Việt Nam không có quy định nào về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể và đại diện theo pháp luật trong vụ kiện tập thể.

Khởi kiện tập thể hiểu một cách đơn giản là các vụ kiện (dưới nhiều hình thức khác nhau) cho phép liên kết các lợi ích nhỏ lẻ của nhóm người có quyền lợi bị thiệt hại (thường là người tiêu dùng, người dân, hoặc các cổ đông nhỏ), để hình thành một lợi ích lớn hơn tương xứng với các chi phí mà việc kiện tụng có thể tạo ra.

Khi lợi ích nhỏ lẻ của người tiêu dùng được liên kết thành một nhóm/tập thể, và các thủ tục pháp lý sẽ chỉ do một nhóm nguyên đơn hoặc luật sư đại diện tiến hành, tâm lý ngại khởi kiện của người tiêu dùng sẽ được khắc phục do họ không phải đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi vụ kiện mà vẫn có thể hưởng lợi. Việc sử dụng khởi kiện tập thể vì thế có thể mang lại những lợi ích cho cả cá nhân và xã hội.

Dẫn tài liệu khảo cứu về pháp luật của Vương quốc Anh và Thái Lan về kiện tập thể cho đề xuất áp dụng ở Việt Nam do nhóm sinh Nguyễn Kim Phượng – Đinh Minh Tâm – Nguyễn Thục Anh của Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện, có các kiến nghị như sau:

Một là, cần xác định phương thức khởi kiện tập thể là một biện pháp tư pháp được phép sử dụng khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp vào trong luật nội dung: Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Môi trường… Từ đó, các cá nhân có cùng yêu cầu sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc cả về luật nội dung và luật hình thức để phát động một vụ khởi kiện tập thể.

Hai là, bổ sung các quy định về khái niệm khởi kiện tập thể, các điều kiện khởi kiện và quy trình, thủ tục giải quyết vụ khởi kiện tập thể vào một chương riêng của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tương tự như Thái Lan đã bổ sung quy trình khởi kiện tập thể ở một chương riêng trong Bộ luật tố tụng dân sự Thái Lan năm 2015.

Ba là, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cần nghiên cứu và xây dựng những điều kiện về nguyên đơn đại diện. Bởi vì, trong vụ khởi kiện tập thể luôn có một chủ thể đại diện cho nhóm.

Bốn là, bổ sung quy định liên quan đến việc xác định thiệt hại và các biện pháp khắc phục thiệt hại. Cụ thể, vẫn sẽ áp dụng những quy tắc chung của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực có thể quy định các cách thức xác định thiệt hại và biện pháp khắc phục thiệt hại đặc thù.

Năm là, cần nghiên cứu cơ chế tài chính cho vụ khởi kiện tập thể. Cơ chế tài chính có thể xây dựng như sau: Các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào vụ khởi kiện tập thể dưới dạng tạm ứng án phí. Khi vụ khởi kiện tập thể thành công, sẽ trích tỷ lệ phần trăm nhất định khoản bồi thường cho các tổ chức, doanh nghiệp đã đầu tư trước đó.

Ngoài ra, cần có quy định các trường hợp nhà nước hỗ trợ chi trả án phí cho vụ khởi kiện tập thể, có thể hỗ trợ chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp thông qua chi trả kinh phí hoạt động cho tổ chức đại diện (Hội bảo vệ người tiêu dùng…).

Sáu là, bổ sung quy định về cách tính phí luật sư. Cụ thể, việc chi trả chi phí luật sư bên nguyên đơn sẽ do bên bị đơn gánh chịu và đây là một khoản chi phí riêng nằm ngoài khoản bồi thường của nguyên đơn. Chi phí của luật sư có thể xác định theo phần trăm khoản bồi thường của các nguyên đơn, giới hạn tối đa là 30%.

Bảy là, xây dựng một quy trình thi hành án khởi kiện tập thể hiệu quả. Cần tập trung nghiên cứu về quyền hạn của chấp hành viên trong việc thi hành phán quyết của tòa án.

Cũng trong ngày 12-6-2024, ở một hội thảo tương tự diễn ra tại Đại học Luật TP.HCM về góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử, cho biết trong năm 2023, toàn ngành tòa án, tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm 0,89% (4.810 vụ án trong số hơn 540.400 vụ án đã giải quyết). Riêng về án dân sự, tỷ lệ án bị hủy là 0,59% (hơn 2.400 vụ án trong số hơn 408.000 vụ án đã giải quyết); án bị sửa là 1,41% (hơn 5.700 vụ án trong số 408.070 vụ án đã giải quyết).

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Công lý phục hồi” với Phạm Chí Dũng – Nguyễn Tường Thụy – Lê Hữu Minh Tuấn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tỵ nạn công lý

Do Van Tien

VNTB – Vắc xin Tàu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.