VNTB – Bộ trưởng có phải là chính khách?

VNTB – Bộ trưởng có phải là chính khách?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Nếu bộ trưởng cũng là chính khách, thì có lẽ ở Việt Nam hiện vài bộ trưởng đã làm xấu xí đi hình ảnh chính khách của đảng cầm quyền, khi họ có những phát ngôn nơi nghị trường cho thấy sự bất lực trong quản trị nền kinh tế.

Chính khách ở Việt Nam phải chăng thiếu tính chuyên nghiệp?

Theo quan niệm thông thường, ở vị trí bộ trưởng có thể được coi là chính khách, nhưng bản thân mỗi người ở cương vị đó có xứng đáng hay được nhân dân ‘suy tôn’ hay không lại là vấn đề khác.

Trong xã hội, công chúng rất biết cách chọn lọc và chỉ gọi là chính khách một cách thân thương và kính trọng đối với những ai, có cương vị xã hội, lại có tầm tư duy chiến lược và có tấm lòng, có tâm hồn trong sáng. Có lẽ nhân dân không chấp nhận một chính khách tuy có cương vị công tác cao, nhưng lại thiếu những yếu tố về tư duy và tấm lòng.

Do đó, chính khách không phải là người mang học vị cao, không phải là người được bầu mà là do sự suy tôn một cách tự nhiên trong xã hội. Sự suy tôn này không có bằng cấp hoặc giấy chứng nhận.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), có nhận xét thế này về chính khách Việt Nam bằng một so sánh như sau: “Với chính khách phương Tây, các kỹ năng quyết định trực tiếp đến việc người dân có bỏ phiếu cho họ hay không. Nếu không có hình ảnh công chúng tốt, họ sẽ không bao giờ trúng cử. Họ buộc lòng phải chú ý đến việc xây dựng hình ảnh công chúng: xuất hiện như thế nào, ăn mặc, phong thái ra sao đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Các chính khách ở ta không phải chịu kiểu áp lực như vậy. Chế độ bầu cử ở nước ta là Đảng cử, dân bầu. Đảng giới thiệu các ứng cử viên và người dân bày tỏ nguyện vọng của mình trên cơ sở sự giới thiệu đó, nên chính khách của ta dễ trúng cử hơn. Nhưng như thế không có nghĩa ta đứng ra ngoài dòng chảy chung của nhân loại. Chưa bao giờ công luận lại có sức tác động lớn và gây sức ép đến chính trường và hành động của các chính khách như hiện nay”. (Xem thêm ở *)

Như cách diễn giải ở trên của ông Nguyễn Sĩ Dũng, người từng giữ chức vụ phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam (2003 – 2016), thì ở các quốc gia ngoài khối xã hội chủ nghĩa, chính khách là một nghề nên rất chuyên nghiệp, do đó họ rất giữ danh giá, gắn bó với cộng đồng – đối tượng mà họ kiếm phiếu. Chính trị chính là sản phẩm của chính khách.

Sản phẩm của một vài chính khách Việt Nam hiện đang là gì?

Xin kể mẫu chuyện vừa diễn ra ở nghị trường vào chiều ngày 13-6-2020.

Trả lời chất vấn vì sao giá thịt heo rẻ chỉ có trên tivi – có ý mỉa mai của chuyện giá thịt heo rẻ vẫn là kiểu tuyên truyền làm đẹp chính sách, thì nguyên văn ông bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau (trích băng): “Nhân diễn đàn này, chúng tôi đề nghị tập trung khuyến cáo và lựa chọn các thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ toàn dân cứ tập trung ăn thịt lợn (heo) cả. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá cũng vậy, tôm cũng vậy, trứng cũng vậy. Đều của nông dân Việt cả. Đa dạng các loại thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành nào”. (Xem thêm ở **)

Vậy là báo chí có câu tiêu đề tóm lại thành câu rất phốt “Heo đắt quá thì chuyển ăn thịt gà” (!?). Trường hợp nếu muốn giật tít để ‘nâng bi’ bộ trưởng thì sẽ như sau: “đa dạng hoá nhóm thực phẩm để bình ổn giá thịt heo” (!).

Câu chuyện có thật vừa xảy ra ấy, sẽ tùy vào ý người đọc mà có những luận bàn khác nhau về hình ảnh chính khách tại Việt Nam hôm nay.

Xin tạm kết bài viết này bằng một bình phẩm thẳng đuột trên tài khoản facebook cá nhân của cựu nhà báo tờ Công an TP.HCM, Vương Liễu Hằng cũng quanh những mẫu chuyện vụn vặt vừa diễn ra ở nghị trường phiên họp Quốc hội:

Có một loại thế lực mà tớ nghĩ nát óc vẫn hoang mang về sự ghê gớm của nó: Thế lực thù địch.

Bọn này khiếp đến nỗi từ Tuyên giáo chủ cho đến các ông nghị đều ra rả rằng chúng thâm hiểm vô cùng. Theo họ thì bọn này khiến dân tình hoang mang về Cát Linh – Hà Đông, về tượng đài nghìn tỉ. Chúng không tin bản chất vụ án Hồ Duy Hải. Rất có thể chúng xúi anh Phước nhảy lầu và xúi cả hai cha con dân oan khoả thân trước đại biểu quốc hội.

Nhưng chúng là ai?

Là cái cậu mặt non choẹt mới bị bắt khi tham gia hội Nhà báo tự do? Hay là ông thầy giáo nghèo dạy học sinh bài hát Trả lại cho dân!? Chúng là mấy cái đài chống cộng chửi thề như hát ở bên kia biên giới ? Hay những ba sọc suốt ngày mơ khôi phục Việt Nam Cộng Hòa kiểu Mộ Dung Phục mơ khôi phục Đại Yên?

Không! Nếu chỉ như vậy thì cái thế lực thù địch nó đâu xui được các đảng viên tha hoá và các danh giá ngã ngựa với những đại án ngàn tỷ!?

Thôi thì tạm thời cứ nghĩ nó là ma. Nó gieo rắc nỗi khiếp sợ nhưng cho tới giờ, vẫn chưa ai nhìn thấy nó”. (***)

 

__________________

Chú thích:

(*) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/chinh-khach-viet-va-hinh-anh-truoc-cong-chung-173192.html

(**) https://plo.vn/thoi-su/1-de-nghi-khien-nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-cuoi-o-918444.html

(***) https://www.facebook.com/lieuhang.vuong.9/posts/293506861690557

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Chỉ có phản động mới “xuyên tạc” ý của ông Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã từng ngợi ca về kinh nghiệm xuất khẩu nông sản của Việt Nam với dẫn chứng Mai An Tiêm từng xuất khẩu dưa hấu.