Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu công bố đánh giá kháng thể sau chích ngừa

Mai Lan

 

(VNTB) – Bộ Y tế giao các viện nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ với người tiêm vắc-xin Covid-19 và người đã nhiễm SARS-CoV-2.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã giao cho các viện nghiên cứu đánh giá kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc-xin Covid-19 và kháng thể ở các trường hợp đã nhiễm SASR-CoV-2. “Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vắc-xin hoặc nhiễm SARS-CoV-2” – ông Tuyên thông tin.

Khoa học về kháng thể được gọi là “huyết thanh học”. Xét nghiệm kháng thể, còn được gọi là “xét nghiệm huyết thanh học” xác định các kháng thể trong mẫu máu. Khi mà các phần khác của hệ miễn dịch cũng góp phần bảo vệ, thì việc kiểm tra kháng thể là dễ dàng nhất.

Số liệu trên trang web của CDC Hoa Kỳ cho biết, tính đến tháng 8-2021, đã có hơn 80 xét nghiệm kháng thể được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) để phát hiện kháng thể đối với SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đang sử dụng các xét nghiệm kháng thể này để tìm hiểu thêm về mức độ kháng thể cần thiết để bảo vệ mọi người khỏi CoviD-19 (ngưỡng bảo vệ) và thời gian có khả năng bảo vệ là bao lâu.

Trước đó, từ ngày 29-8 đến 14-9-2021, Viện Pasteur TP.HCM phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức lấy mẫu điều tra kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 cho 3.600 người dân tại 6 phường của quận Bình Thạnh và Phú Nhuận.

Bác sĩ Trương Thị Thùy Dung – Viện Pasteur TP.HCM – cho biết khi tham gia, người dân phải thỏa các tiêu chí là công dân Việt Nam, từ 6 tuổi trở lên, không có tiền sử về bệnh rối loạn đông máu và tự nguyện cho lấy mẫu xét nghiệm.

Theo đó, kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện trong máu của bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi phục hồi và có thể được phát hiện trong máu. Việc khảo sát tỷ lệ người dân có kháng thể kháng virus sẽ giúp đánh giá được mức độ lây nhiễm dịch Covid-19 tại TP.HCM trong thời gian qua.

Cụ thể, tại quận Bình Thạnh, các phường được chọn lấy mẫu điều tra gồm phường 12, 22, 24; tại quận Phú Nhuận gồm phường 1, 2, 8. Mỗi phường sẽ lấy 600 mẫu, mỗi mẫu lấy 3ml máu. Sáng 14-9 là ngày cuối cùng đơn vị triển khai lấy mẫu cho người dân tại phường 2, quận Phú Nhuận. Việc lựa chọn hai quận này dựa trên tiêu chí về tỉ lệ ca mắc và độ khả thi khi thực hiện lấy mẫu điều tra.

Về tiêu chí chọn phường, bác sĩ Trương Thị Thùy Dung cho biết tại các quận đều phân các vùng nguy cơ từ đỏ, vàng, xanh, cận xanh. Nhóm nghiên cứu sẽ lần lượt chọn các phường có tỉ lệ tổ dân phố đỏ cao nhất, phường có tỉ lệ tổ vàng cao nhất và phường có tỉ lệ tổ xanh, cận xanh cao nhất… nhằm đảm bảo đại diện cho tất cả các vùng từ nguy cơ thấp đến cao.

Cho đến nay Viện Pasteur TP.HCM vẫn chưa công bố rộng rãi về kết quả ở hai tuần lễ lấy mẫu điều tra kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 với số mẫu 3.600 người. Tuy nhiên ghi nhận là trong bản tin cập nhật tháng 10-2021 của HCDC, có lưu ý là với người từ 60 tuổi trở lên cần cẩn trọng khi chích vắc-xin Vero Cell của Trung Quốc, lý do “Hồ sơ hiệu quả và an toàn của vắc-xin không được đầy đủ, vì chỉ có một số lượng nhỏ người trên 60 tuổi tham gia trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng”.

Khuyến cáo trên được đánh giá là ‘dũng cảm’, vì từ ngày 8-9-2021, một số bệnh viện tại TP.HCM thông báo tiêm vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm Trung Quốc cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Và đây là lần đầu tiên TP.HCM tiêm vắc-xin Vero Cell đối với đối tượng này.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao cần công khai bệnh tình của nguyên thủ quốc gia?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bệnh nhân 751 đã đi đâu, gặp ai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ước nguyện ngày xuân Tân Sửu: tìm được tự do, dân chủ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.