Tôn Trọng Dân (VNTB) Lịch sử, như vẫn vậy, đã đóng băng chốt các thời điểm lịch sử, song, suốt hàng chục năm qua, lại được diễn đạt bằng nhiều góc độ sờ-cảm khác hẳn nhau. Trong số bạt ngàn những mẩu Hoá thạch theo ý thích, vì không là chủ đích loạt bài này, tôi xin chỉ đơn cử 3 “mô hình” suy tưởng tuyệt vời.
Một của tác gia tên là Trọng Đạt trong bài 36 NĂM QUA: “Từ sau 1954, Việt Nam chia ra làm hai nước, một nước ở phía trên vĩ tuyến 17, hay trên sông Bến Hải và một nước ở dưới vĩ tuyến và dòng sông nhỏ này. (…) đó là cuộc chiến giữa một nước nghèo đói lạc hậu miền Bắc VN và một nước sung túc tiến bộ ở miền Nam VN. (…) Cuộc chiến mở rộng bắt đầu từ 1964, 1965 khi miền Bắc công khai đưa quân vào miền Nam để chiếm cho được mảnh đất phì nhiêu béo bở này. (…) Sau khi nướng hơn một triệu thanh niên họ đã đạt được mục tiêu, chinh phục được miền Nam sung túc”.
Một suy tưởng khác của tác gia Đỗ Ngọc Uyển qua Đệ Tam Cộng Hòa: tiếng vọng của quá khứ trong tương lai: “Ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại Hội Nghị Genève, Đảng CSVN – một chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế – đã câu kết với Trung Cộng và Liên Xô ký một hiệp định để chia hai đất nước. Đây là một tội ác lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN. Chính quyền Quốc Gia Việt Nam có tham dự hội nghị nhưng không ký và cũng không công nhận hiệp định phản quốc này. Hiệp định chia hai đất nước này chỉ chấm dứt cuộc chiến giữa Việt Minh và Pháp, nhưng Cuộc Chiến Quốc Cộng vẫn tiếp tục”.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Anh Trinh, Lịch sử giai đoạn này lại được vặn méo đi ở một góc thiên kiến khác nữa: “Sự thực tháng 3 năm 1945 người Nhật đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng đến tháng 8 năm 1945 Nhật thua Mỹ và Đồng Minh, cho nên tháng 9 năm 1945 Pháp bắt đầu chiếm lại Sài Gòn; 1946 chiếm lại Huế; và cuối 1946, đầu 1947 chiếm lại Hà Nội; đuổi ông Hồ Chí Minh và Đảng Cọng sản Việt Nam lên rừng. (…) Sau khi tái chiếm toàn Việt Nam, thực dân Pháp toan tính lập lại chế độ thuộc địa tại Việt Nam. Nhưng họ đụng phải sự chống đối mãnh liệt của những người Việt Nam không Cọng sản (người Quốc gia). Các cuộc biểu tình tranh đấu suốt tháng 8 và tháng 9 năm 1947 trên khắp nước đã khiến thực dân Pháp buộc phải chấp thuận để cho dân chúng Việt Nam tự bầu chọn một minh chủ để lập thành một nước ‘Quân chủ lập hiến’, nằm trong Liên Hiệp Pháp. Dân chúng quyết định chọn cựu hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại Hồng Kông” [1].
Để hiểu ‘cái vốn là nó’, lại phải lôi Lịch sử Hoá thạch ra để “soi”.
Trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) không nhà sử học nào dễ xác định được đâu là ‘chính quyền bù nhìn’ vì cả hai bên đều buộc tội bên kia là “Chính quyền bù nhìn”. Nhà nước tại Nam Triều Tiên là do các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc lập ra dưới chế độ quân quản của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, còn Bắc Triều Tiên là do những người cộng sản từng hoạt động du kích chống Đế quốc Nhật Bản lập ra dưới chế độ quân quản của Liên Xô. Cả hai đều chưa từng có thực quyền trên toàn lãnh thổ Triều Tiên, chưa từng lãnh đạo toàn dân Triều Tiên trước đó và đều hình thành dưới chế độ quân quản của nước ngoài. Khi Đồng minh tiến vào Triều Tiên, nước này vẫn chưa có tư cách của một quốc gia độc lập, nên rất khó xác định nhà nước nào có tính chính danh.
Khác với Chiến tranh Triều Tiên, trước khi chiến tranh Đông Dương nổ ra, Việt Nam đã tuyên bố độc lập. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố: “Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập.“ [2]. Sau đó vua Bảo Đại giải tán nội các cũ và thành lập “Đế quốc Việt Nam” [3] do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Chính phủ này nhanh chóng tự giải thể. Trước khi các lực lượng quân sự nước ngoài cũng như các tổ chức chính trị khác, trong đó một số được sự hậu thuẫn từ nước ngoài, kịp phản ứng (xin xem phần 4. đồng Mộng), cuộc Cách mạng tháng Tám do Việt Minh lãnh đạo nổ ra, lập nên chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị để trao quyền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau này, khi được Pháp trao lại ‘Quốc gia Việt Nam’ [4], chính bản thân Bảo Đại cũng nhận xét rằng: “Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại thực ra là giải pháp của người Pháp.” [5]. Tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc vào năm 2010 [6] cũng viết về chế độ tiếp sau giải pháp Bảo Đại: “Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam… Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ” [7]. Dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm phế truất thông qua một cuộc bầu cử bị tố cáo là “gian lận” [8]. Sau đó, chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội, lập ra nền ‘Đệ Nhất Cộng hòa’ và ‘Quốc gia Việt Nam’ đổi tên thành ‘Việt Nam Cộng Hòa’.
Đây chính là sự thật nguyên vẹn của một giai đoạn lịch sử đã Hoá thạch mà các thế hệ trẻ Việt Nam nên nghiêm túc tiếp cận, dù thích hay không.
Quay ngược về giai đoạn “cướp/giành” chính quyền năm 1945, lại thấy: Bài Học Thất Bại Của Những Nhà Cách Mạng Ái Quốc ở Nam kỳ của Nguyễn Văn Trần đáng được xem như một trong những tư liệu khớp nối, bổ sung cho cách nhìn cộng sản của Hồi ký Trần Văn Giàu từ phía “những người Quốc gia” [9]: “Nhơn danh đại diện các đoàn thể các đảng phái, Việt Minh, ngày 22/08/1945, từ Hà Nội, gởi điện tín vào Huế yêu cầu Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị. Lễ thoái vị cử hành ngày 25/08/1945 tại Ngọ Môn để vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn bày tỏ lòng yêu nước trước quốc dân ‘làm dân một nước độc lập” [10].
Vũ Ngự Chiêu cho thấy thêm, trước đó: “trong vòng mười ngày ngắn ngủi, guồng máy chế độ Kim tự vữa nát, biến dạng, từ Hà Nội tới Huế và Sài Gòn cả một giải giang sơn đổi chủ” [11]. “Hơn nữa, nếu không có sự hoàn trả [12] miền Nam từ 14/8 tới cuối tháng 9/1945, đòi hỏi thống nhất lãnh thổ của Hồ hẳn thiếu cả tính cách pháp lý cùng sự đáp ứng nồng nhiệt của người miền Nam” [13]. Về vụ Pháp “trả độc lập” cho Bảo Đại, Vũ Ngự Chiêu nhận xét: “Thật vậy, vấn đề độc lập của những nước nhỏ thường phức tạp hơn ai đó có thể cả đoan: hiệp ước và thỏa ước về vấn đề ‘độc lập’ thường tùy thuộc vào những điều kiện ưu thắng của chính trị quốc tế-đó là, ‘luật pháp’ luôn trong tay kẻ mạnh nhất” [14].
Bằng cách nhận định như vậy, cụ Vũ Ngự Chiêu đã mặc nhiên thừa nhận giá trị của Sức mạnh trong Kỷ nguyên Quyền lực dựa trên Bạo lực.
Trong Cựu Hoàng Bảo Đại vận động thống nhất đất Nước trên TinHoaThinhDon, chính tác giả Trần Gia Phụng cũng phải thừa nhận, khi làm việc và ký hiệp định Élysée với Bảo Đại, Tổng thống Pháp cũng không biết nên gọi ông này với tư cách là..gì: “Người Pháp cần một giải pháp chính trị để giải quyết tình hình Việt Nam. Pháp buộc lòng phải ký hiệp định Élysée, nhưng không lẽ tổng thống Pháp kiêm chủ tịch Liên Hiệp Pháp, lại ký kết văn bản với một người không có chức vụ tương xứng? Do đó, Pháp mới trở lại danh xưng ‘hoàng đế’, để giữ thế cân đối chính trị giữa hai bên trước mặt quốc tế. Vì vậy, người Pháp gọi cựu hoàng Bảo Đại là hoàng đế, thật sự chỉ có tính cách tượng trưng.”
Đến đây, Tôn Trọng Dân tôi tự có 3 thắc mắc rất đơn sơ:
1. nhận lại quyền đối với nhà của mình từ tay giặc đã cướp nhà của tổ tiên mình – đây là một hành vi hợp lý?
2. một người đã thoái vị, không còn đại diện cho quyền lực của đất nước đó (trong khi đất nước đang có một chính phủ-VNDCCH hợp hiến hợp pháp do dân cử) nhận sự ‘trao trả độc lập’ từ chính kẻ đã cướp nước suốt 90 năm (tính từ năm 1858, Hải quân Pháp tấn công cảng Đà Nẵng và sau đó chiếm Sài Gòn) – đây là một hành vi hợp pháp?
3. bênh vực một chính thể được hình thành từ các cuộc trao tay, soán đoạt (giữa Pháp-Bảo Đại, từ Bảo Đại giao quyền cho Ngô Đình Diệm, rồi Ngô Đình Diệm “được người dân ủng hộ truất phế Bảo Đại”) là một chính thể ‘được toàn dân yêu mến’ – đây là một hành vi hợp tình?
Định hướng chống cộng
Qua nhiều đoạn ghi chép khác của nhiều tác giả không cộng/chống cộng khác, thật éo le, tôi vẫn cứ thấy “thòi ra” những đoạn sử hoá thạch…không chịu tuân theo định hướng chống cộng của thời hiện đại.
Thật tiếc, có những con số đã hoá thạch: Viện trợ của Nga Sô Viết và Trung Cộng cho Bắc Việt ước tính khoảng 3 tỷ Mỹ Kim. Tương tự, nhưng nhiều gấp…100 lần, Mỹ đã tiêu ở Việt Nam khoảng 300 tỷ Mỹ Kim (viện trợ và quân phí). Số liệu được trích từ The Vietnam War Almanac, General Editor: John S. Bowman, Barnes & Noble, Inc., New York, 2005, trang 358. Trong tác phẩm “President Kennedy, Profile of Power”, sử gia Richard Reeves đã ghi lại như sau: “Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước. Các tướng lãnh Việt Nam cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ Washington, thủ đô mới của miền Nam Việt Nam.” (trang 651).
Trong bài AI GIÚP CỌNG SẢN ĐÁNH ĐỔ VIỆT NAM CỌNG HÒA?, khi nhận định: “Quốc-Hội Mỹ quá chán-ngán Chiến-Tranh Việt-Nam và mệt-mỏi vì đã yểm-trợ một đồng-minh có quá nhiều khuyết-điểm và thối-nát”, tác giả Lê Xuân Nhuận đã đồng thời khách quan cho hậu sinh thấy một thực tiễn (mà thực tiễn này lại vẫn bị lú lấp bằng hàng ngàn bài phân tích vòng vo nhằm che đậy): VNCH đã chết lâm sàng trước khi các mũi tấn công quân sự của “Bên Thắng cuộc” đánh thốc tới tận thủ đô Sài Gòn.
Một cách lý giải của Bùi Như Hùng: Đây là sự đúc kết của 45 năm tranh luận về TINH THẦN NGÔ ĐÌNH DIỆM 1/22/2015 cũng để “lộ” vài đoạn sử hoá thạch: “sở dĩ Mỹ thua và phải rút quân, để cho miền Nam rơi vào tay CS, để rồi bị nhiều người dân miền Nam oán trách cho đến bây giờ, chính vì họ đã tự ý đem quân tác chiến vào, Mỹ hóa cuộc chiến, khiến cuộc chiến chống cộng (có chính nghĩa) trở thành cuộc chiến chống Việt Nam (phi nghĩa)”.
Cùng nhìn thấy sự thật hóa thạch này, là một nhận định khác, từ một chiều kích khác: “từ 1948 đến 1975 cũng đã là 27 năm; nếu trong suốt thời gian đó mà chế độ VNCH không thăng tiến nổi một nhân sự lãnh đạo đúng nghĩa thì nó phải được nhìn như một thử nghiệm vô vọng và không có lý do gì để thương tiếc nữa” [15].
Trong quyển sách Việt Nam 1945-1995 của mình, nhà sử học Lê Xuân Khoa dành ra 40 trang (từ trang 273-313) để mô tả cuộc chiến tranh mà ông gọi là Nội chiến và Chiến tranh Uỷ nhiệm tại Việt Nam 1954 – 1975 với tựa đề “Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà”. Tác giả đã cho thấy một sự thật: về mặt thời gian, từ 1967 trở về sau (đến 1975), cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2 thực chất là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị Paris. Chính Lê Xuân Khoa viết ở trang 305: “Khác với hội nghị Genève có tính cách quốc tế, hội nghị Paris 1973 chỉ là những cuộc hội đàm song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà…”.
Xin lưu ý: Chiến tranh giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Mỹ. Đàm phán hoà bình cũng là giữa Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Xô ̶ Tàu không lèo lái.buộc bắt được Hà Nội phải làm gì. Thực tế lịch sử này, một lần nữa chứng minh: hằng hà sa số lập luận về tính chất của cuộc chiến mà rất nhiều tác gia, sử gia gọi là Nội Chiến và Uỷ Nhiệm [16] là không chính xác, và khi đã dám lương thiện với thực tế lịch sử, thì phải gọi là Không Đúng.
Đề cập đến tính chính danh của cộng sản, tác giả Chu Sơn đã nói rất thẳng và công bằng:
“một thực tế là sau hiệp định Genève, miền Bắc được cai trị bởi chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thành lập sau cách mạng tháng Tám và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội dẫn đến thắng lợi nửa chừng là giành lại được một nửa đất nước (từ vĩ tuyến 17 trở lên). Đây là một nhà nước nhân dân chính danh, nhưng đã tự làm ô nhục bằng cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu bạo tàn” [17].
Bóc gỡ các màn Mạo (danh).Mị (dân), tác giả Trần Thanh chuyên chống cộng còn vạch mặt một sự bịp bợm.kệch cỡm, trong Hai tên việt gian: Nam Lộc & Phan Nhật Nam (Wednesday, May 12, 2010): “Nam Lộc còn xuyên tạc lịch sử cận đại, gọi những người lính VNCH trước năm 1975 là ‘những người đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ’!”.
Tuyệt vời. Trước 1975, ở Sài Gòn đã có…phong trào gọi là: ‘đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ’ cơ đấy! Vụ việc này, làm sao các em.cháu thế hệ trẻ 7x, 8x, 9x .. có thể hình dung ra cho chính xác nếu..cứ xem LOẠN SỬ trên mạng mà không được những người còn lương tri khẽ khàng .. lưu ý?
Cách đây không lâu, ngày 28.1.2015, do xem chống cộng là mục tiêu tối thượng, hoàn toàn mạng lưới các trang web đang đòi dân chủ không hề quan tâm đến thông tin chỉ có vài trang ‘lề phải’ đưa tin báo Mỹ phản ứng việc Lầu Năm góc muốn xuyên tạc Chiến tranh Việt Nam, theo đó tờ The Dailybeast bản điện tử (Mỹ) đã cho đăng tải bài viết của tác giả Sally Kohn [18]. Hẳn cô Sally Kohn là cộng sản nốt?
Chú thích
[1] xem Bùi Anh Trinh – HỌ HIỂU GÌ VỀ LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ THÁNG MỘT 1, 2015
[2] xin xem Hai bản tuyên ngôn độc lập cho Việt Nam của Gs Phạm Cao Dương (02.09.2010). Dù phân tích/tán bàn thế nào, thì, chính tác giả cũng phải thừa nhận: “Một người là hoàng đế kế thừa chính thống của một triều đại đã trị vì một quốc gia từ hơn một trăm năm trước cho dù là chỉ còn hư vị; một người là lãnh tụ của một phong trào cách mạng vừa chủ trương chống Pháp, vừa chủ trương chống Nhật và lật đổ chế độ quân chủ để giành chính quyền”.
[3] Quý vị đương đại có lẽ không thể không thấy chất phát xít trong quốc hiệu này của Việt Nam ? Nếu còn đến ngày nay, thì “Đế quốc Việt Nam” sẽ là kẻ thù cần đập tan của nền Dân chủ đích thực ? hay, nền Dân chủ chống cộng sẽ dung dưỡng nó ?
[4] ‘Quốc gia Việt Nam’ ra đời từ Hiệp ước Elysée ký ngày 8 tháng 3 năm 1949, giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Về danh nghĩa, chính quyền này thuộc khối Liên hiệp Pháp, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trước đó.
[5] Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản, 1990, trang 186-188
[6] The Pentagon Papers, The Defense Department History of United States Decisionmaking on Vietnam. p. 25
[7] Nguyên văn: “Without U.S. support Diem almost certainly could not have consolidated his hold on the South during 1955 and 1956.” ; “We must note that South Vietnam, (unlike any of the other countries in Southeast Asia) was essentially the creation of the United States”.
[8] “cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận” này có nhan nhản trên xa lộ thông tin, Quý vị nên tự tìm hiểu nếu muốn mọi thứ đều khách quan. Hầu như không trang web nào cố nắn thẳng sự kiện này làm gì, vì, không-có-lợi-thêm gì cho họ nữa.
[9] về nhóm từ “Những Nhà Cách Mạng Ái Quốc ở Nam kỳ” thực ra, ý tác giả Nguyễn Văn Trần muốn nói về những người mà các trang “lề phải” của “dân chủ có định hướng chống cộng” thích mệnh danh là “người quốc gia” để đối trọng gay gắt với “lũ cộng nô-cán ngố”.
[10] xin xem Bài Học Thất Bại Của Những Nhà Cách Mạng Ái Quốc ở Nam kỳ của Nguyễn Văn Trần
[11] xem Vũ Ngự Chiêu trong Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Ðế Quốc Việt Nam (3-8/1945)
[12] Ý nói về việc mà chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được trong thời gian tồn tại ngắn ngủi. Qua đây cho thấy, chính phủ VNDCCH đã có được những cơ sở pháp lý cần thiết. Điều này làm cho việc Pháp “trao trả độc lập” cho Bảo Đại trở thành bất hợp pháp trước dân tộc Việt Nam.
[13] xem Vũ Ngự Chiêu trong Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Ðế Quốc Việt Nam (3-8/1945)
[15] xem 35 năm sau ngày 30-4-1975 Vài khẳng định cần thiết của Nguyễn Gia Kiểng
[16] xem: Chu Sơn Đọc sách Việt Nam 1945-1995 của Lê Xuân Khoa Mấy vấn đề cần trao đổi, bài này được đăng 4 kỳ trên website Diễn Đàn từ ngày 31.10 đến ngày 8.11.2014
[17] xem Chu Sơn Đọc sách Việt Nam 1945-1995 của Lê Xuân Khoa Mấy vấn đề cần trao đổi (bài 4) phần III/ Về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của các bộ phận người Việt Nam
[18] xem bản tiếng Anh The Pentagon’s Pathetic Vietnam Whitewash của nhà báo đang làm cho CNN, chuyên gia phân tích tin tức và truyền thông Sally Kohn. Sally Kohn is a liberal political commentator.
* Bài “VNTB – Bóc gỡ Mạo – Mị trong Kỷ nguyên Bạo lực” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo.
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.