VNTB – Bốn mươi lăm năm lận đó…

VNTB – Bốn mươi lăm năm lận đó…

Ngọc Trúc

(VNTB)  – Nếu thật sự có tình cảm chỉ cần nhìn vào hành động của mấy ông quan chức là cũng đủ hiểu và biết nó ở mức độ nào.

Nếu trăm năm là hữu hạn, vậy đời người, ít ai có thể sống qua được con số trăm tuổi. Phải chăng cũng chính vì lẽ đó, mà ông Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Võ Ngọc Trình viện dẫn con số 45 năm như để minh chứng cho quá trình ông đã sống, gắn kết và tình cảm của mình với thành phố Đà Lạt?

Có thể nói, việc đưa ra con số 45 năm – “Tôi sống ở đây đã 45 năm” tựa như ông muốn minh chứng cho một vấn đề, ông là người Đà Lạt hoặc nếu không ông là người đã sống lâu năm ở Đà Lạt nên biết làm cái làm cái gì tốt cho Đà Lạt.

Tuy nhiên, nếu xét về mặt tình cảm, con số 45 năm hoàn toàn không thể hiện được bất kỳ cái gì. Tại sao lại như vậy? Nếu một con người có tình cảm với một vùng đất nào đó thì cho dù là ba ngày, một tuần hay một tháng… là cũng tràn ngập những kỷ niệm. Cần gì tới 45 năm?

Nếu một người sinh sống lâu năm ở một tỉnh, thành nào đó mà không có tí nào cảm xúc; không bức xúc trước những công trình người đi trước để lại mà bị đập bỏ; không tôn trọng những giá trị văn hóa; cứ mải lo nghĩ đến việc làm sao cho du khách cho chỗ tiêu tiền (trong khi thực tế thì có nhiều lắm những địa điểm để làm việc đó)… thì cho dù có sống cả đời người ở đó, kết quả cũng bằng không. Huống chi con số 45 năm nhỏ xíu…

Trong loạt trả lời trên rất nhiều tờ báo, ngoài viện dẫn đã sinh sống ở Đà Lạt 45 năm rồi, ông Võ Ngọc Trình cho biết vì lẽ đó nên ông rất hiểu giá trị của màu xanh ở xứ sở này: “…Đà Lạt có chủ trương chặt hạ 1 cây xanh thì phải đóng tiền hoặc trồng lại 15 cây thông tại vị trí đất do TP quản lý…”.

Qua câu trả lời này của ông phó chủ tịch, tôi thật sự thắc mắc tại sao ông lại quan trọng chữ tiền đến vậy. Quy hoạch khu đồi Dinh – khu Hòa Bình, theo ông bên cạnh không thể sống mãi với quá khứ, lý do khác là cho du khách có chỗ tiêu tiền. Nói về vấn đề chặt cây, ông cũng đề cập hình phạt đầu tiên là đóng tiền.

Tại sao ông không nói chặt 1 cây là phải trồng lại nhiều cây trước tiên? Dĩ nhiên không chặt cây thì tốt hơn, dù sao đi chăng nữa, cây lớn là do có từ lâu đời. Vậy tại sao không khuyến khích trồng thêm mà phải chặt hạ 1 cây xanh mới trồng lại 15 cây thông? Hay là do tuổi thơ ông cơ cực quá nên bị ám ảnh về tiền bạc? Và phải chăng cũng chính vì tư tưởng và lối hành xử cứ chặt cây đi, đóng tiền lại là được nên Đà Lạt đang dần mất đi những mảng xanh?

“Ngày trước lên Đà Lạt, cây nhiều lắm, thích lắm. Tiết trời khi đó cũng se se lạnh, có khi mình chạy xe máy ngoài đường buổi sớm, lạnh cóng tay luôn. Giờ Đà Lạt nhìn thấy nóc nhà, nhà kính… đủ thứ. Cái lạnh của ngày xưa cũng không còn, Đà Lạt như đang nóng lên vậy”, bạn Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM chia sẻ.

Cũng theo ông Võ Ngọc Trình, “Về khu vực đồi Dinh (Dinh Tỉnh trưởng) được xây dựng năm 1910, là nơi làm việc cho tỉnh trưởng và gia đình tỉnh trưởng ở. Qua các thời kỳ xây dựng và bảo tồn kiến trúc theo quy hoạch chung tại các Quyết định 620/1994, 409/2002, 704/2014… thì không đề cập công trình Dinh Tỉnh trưởng. Quy hoạch mới nhất là 704 xác định kiến trúc bảo tồn là 3 Dinh (1, 2 và 3), khu biệt thự Trần Hưng Đạo – Lê Lai và trục di sản về kiến trúc Đông – Tây TP Đà Lạt”.

Có thể nói, Thủ tướng là người bận trăm công nghìn việc, đó là chưa kể đến việc không sinh ra lớn lên ở Đà Lạt, cũng chưa chắc “tôi sống ở đây đã 45 năm” như ông Võ Ngọc Trình nên làm sao Thủ tướng có thể hiểu hết Đà Lạt bằng ông phó chủ tịch? Đó là chưa kể đến việc Dinh Tỉnh trưởng không nằm trong danh sách các điểm du lịch ở Đà Lạt như Dinh 1, 2 và 3, cho nên nhiều du khách cũng không biết đến. Thiết nghĩ, nếu muốn xây dựng và bảo tồn kiến trức khu vực Dinh Tỉnh trưởng, tại sao ông phó chủ tịch không đề nghị và trình lên Thủ tướng? Nếu như ông cho rằng có trình nhưng không được duyệt, đề nghị ông công bố để rộng đường dư luận.

Nếu thật sự có tình cảm chỉ cần nhìn vào hành động của mấy ông quan chức là cũng đủ hiểu và biết nó ở mức độ nào. Đưa ra con số này, con số kia nhưng trong không nghĩ đến việc bảo tồn khu di tích, vì tiền mà sẵn sàng phá đi một nét văn hóa từ ngày xưa thì viện dẫn cũng chẳng… ích gì…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)