VNTB – Buồn cho những thế hệ nhà báo “báo hại” dân

VNTB – Buồn cho những thế hệ nhà báo “báo  hại” dân

Nguyễn Đình Ấm

 

(VNTB) – Thế hệ nhà báo chuyên làm ra thứ sản phẩm không hoặc ít giá trị

 

Trên các tờ báo quốc doanh như Nhân dân, quân đội, Hà Nội Mới, báo đảng các tỉnh, thành… đều ghi giá bán chứng tỏ đây là loại hàng hóa trao đổi ngang giá trên thị trường.

Các tờ báo thuộc lĩnh vực truyền thông đại chúng này được ngân sách chi cho việc sản xuất nhưng không bán được trên thị trường mà chủ yếu được cơ quan chức năng mua để biếu các quan chức, cán bộ lãnh đạo, đảng viên lão thành cách mạng, 50 tuổi đảng trở lên và ép buộc các tổ chức đảng, cơ quan,doanh nghiệp nhà nước phải mua báo(Chỉ thị số 11CT/TW của bộ chính trị khóa 8(1996) do TBT Lê Khả Phiêu ký ngày 28/12/1996; Thông báo kết luận số 173-TB/TW của ban bí thư về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 11 về việc mua, đọc báo, tạp chí của đảng”. 

Các cơ quan, doanh nghiệp phải đăng ký mua báo về nhưng việc có ai đọc không lại là chuyện khác. Những đối tượng được phân phát, phải mua này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những người đóng thuế để nuôi các tờ báo đó. Theo tôi những người của các đơn vị, cơ quan mua báo kia dù không mất tiền mua nhưng cũng không hoặc rất ít đọc. Bằng chứng là họ không trực tiếp mua tức không có nhu cầu. 

Do dân không có nhu cầu nên các sạp báo không bán được các tờ báo đảng. Vì vậy phần lớn các tờ báo đảng sau khi chuyển đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, đối tượng được phát thu gom bán cho giới đồng nát. Không hiếm gặp những bao tải báo nhân dân, quân đội, Hà Nội mới, báo các tỉnh…còn mới tinh ở các kho tập kết đồng nát. 

Hồi xảy ra vụ Đồng Tâm, người dân phone cho tôi, rất bức xúc vì mấy số báo Hà Nội Mới không hề về địa phương làm việc với dân nhưng đăng nhiều tình tiết sai sự thật, vu khống họ rất tàn nhẫn. Tôi đi nhiều sạp báo ở Hà Nội để tìm các số báo đó xem họ viết gì về Đồng Tâm nhưng không mua được số nào. Các sạp cho biết: “Báo đảng bán ế lắm, từ lâu không nhận về nữa…”. Tôi đành phải vào mạng tìm đọc nhưng không phải số tin bài trên báo điện tử và báo giấy khi nào cũng giống hệt nhau.

Sản phẩm sản xuất ra không được thị trường chấp nhận tức không có giá trị hoặc giá trị không ngang với giá bán. Báo đảng được mua về dù  không, hoặc rất ít người đọc nhưng tòa báo vẫn được thanh toán tiền ngang giá để trả lương và lấy số lượng tờ báo “phát hành” để khai thác quảng cáo. Từ đây các doanh nghiệp quảng cáo cũng gần như bị lừa. Thực chất rất ít người biết đến sản phẩm của họ vì những tờ báo đó không có hoặc rất ít người đọc. Đó là một sự “ăn gian” mồ hôi, nước mắt nhân dân, doanh nghiệp. Dân phải nuôi một đội ngũ đông đảo nhà báo chuyên làm ra thứ sản phẩm không hoặc có ít giá trị cho xã hội.

Hệ quả tai hại

– Trước hết là cả cuộc đời hàng nghìn, vạn các thế hệ nhà báo làm ra sản phẩm không được nhân dân chấp nhận mà vẫn cứ lương, lộc tức sống báo hại dân.

Sứ mạng của một đời người là phải làm ra thứ sản phẩm, lợi ích, giá trị nào đó cho mình, cho cộng đồng để được hưởng thụ  thì cả cuộc đời những nhà báo kia là vô tích sự. Cả đời họ phí hoài!

– Hệ quả tai hại thứ hai là hàng 800 cơ quan truyền thông “quốc doanh” với hàng chục triệu ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình  nhưng do không có nhiều giá trị thông tin dân không ham đọc, xem, nghe dẫn đến bị mạng xã  hội, báo tự do cạnh tranh, lấn át  nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà cầm quyền. Từ đây đảng, nhà nước lại phải đẻ ra các loại truyền thông “quái thai”chưa bao giờ có như dư luận viên, AK 47…tốn phí cơ man tiền bạc của dân.

Thật buồn cho những thế hệ nhà báo báo hại dân.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)