VNTB – Buồn lắm cô giáo dạy Văn ơi…

VNTB – Buồn lắm cô giáo dạy Văn ơi…

Quang Nhựt

(VNTB) – Cũng như bao nghề khác, gõ đầu trẻ là một nghề thiêng liêng, cao quý. Nó không chỉ đơn thuần là công việc mỗi buổi lên truyền dạy bài học trong sách vở mà còn là những buổi chia sẻ về cuộc sống.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn, bên cạnh những giáo viên tâm huyết với nghề, có lòng với học sinh, vẫn còn đó một số giáo viên không xem trọng nghề giáo, “có người còn khuyên con cháu mình rằng, thi đại học thi gì không biết, nên có một nguyện vọng vào sư phạm để phòng rớt hết các nguyện vọng kia, buồn thay, người đó lại đang làm giáo viên”, ông Hoài Bắc chia sẻ.

“Nếu nói vấn đề đó, thật ra với mình, cũng không có gì gọi là lạ. Như vụ sách giáo khoa của nhóm Cánh diều thấy không, đường đường là giáo sư, tiến sỹ, những người làm giáo dục mà lại soạn ra những nội dung sai sờ sờ ra đó, hết sức coi thường nhà trường, giáo viên lẫn phụ huynh.

Rồi kết quả sao? Rộ lên một thời gian, lại im ru, cuối cùng các trường vẫn dạy chương trình đó hay sao? Cả một hệ thống như vậy, trách chi đến các giáo viên?”, bà Quỳnh Như, một người dân sinh sống ở Bình Dương nhận xét.

“Hồi xưa mình được nghe đến cái câu, văn học là nhân học, cho nên với thầy cô mình tôn trọng, với giáo viên dạy Văn lại càng tôn trọng hơn, bởi họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là dạy đối nhân xử thế trong từng bài văn.

Cho đến khi em họ mình đi học, mới thấy, không phải giáo viên dạy Văn nào cũng có cái tâm. Em họ mình học trung tâm giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận, lớp 12, tức là năm nay sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp và đại học.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em họ mình phải vừa học vừa làm. Mình không nhớ rõ phong trào gì, chỉ biết là trường không bắt buộc các lớp phải đi đầy đủ. Đằng này cô giáo chủ nhiệm, là giáo viên dạy Văn, buộc các em phải đi đầy đủ, vì điểm phong trào của lớp.

Em họ mình có nói bữa đó kẹt đi làm thêm, xin phép cô cho nghỉ. Cứ tưởng cô khuyên em thu xếp công việc, đi với lớp cho có kỷ niệm hay gì đó. Cô lại phán, không thể có chuyện vừa học vừa làm. Nếu muốn đi làm thêm, vậy thì nghỉ học luôn đi. Thật sự, mình không thể hiểu, vì cái gọi là điểm phong trào, thay vì cô động viên học sinh đi học, đằng này lại kêu học sinh nghỉ học?

Rồi cũng vì điểm phong trào, cô giáo dạy Văn lại dạy cho em học mình bài học lạ đời về “nhân nghĩa, chữ hiếu”. Bữa đó, người nhà em họ mình nhập viện, hồi sức cấp cứu. Gọi báo nó, xin cho nó về. Giám thị thì không khó dễ gì, giáo viên chủ nhiệm, tức là cô giáo dạy Văn, thì kêu đó không phải là chuyện của em, việc em nghỉ học như vậy, ảnh hưởng đến điểm thi đua. Nếu gia đình không neo người, việc gì người nhà phải gọi em họ mình về?

Đó là chưa kể đến việc lo lắng cho người thân đang nằm hồi sức cấp cứu nữa. Vì cái gọi là điểm phong trào mà một giáo viên dạy Văn có thể nói những câu vô lương tâm như thế à?”, ông T., một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM, hiện là biên tập viên truyền hình chia sẻ thế thái nhân tình trong ‘nghiệp đưa đò’ – một chủ đề về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà đài truyền hình đang thực hiện loạt ghi nhận.

Nếu như ở Việt Nam, “phát triển” nhiều hơn nữa những câu nói “vô tâm” như chia sẻ của nhà báo T., thì những thế hệ học trò sẽ như thế nào? Sẽ trở nên vô cảm?

Chợt nhớ lại đến lời thầy năm xưa, dạy Văn không chỉ đơn thuần là cái nghề gõ đầu trẻ mà còn là dạy những bài học làm người. Thiết nghĩ, có những giáo viên dạy Văn như vậy, những tiết Văn sẽ không còn nhàm chán, mà nó sẽ tựa hồ như những buổi văn nghệ. Những đứa học trò sẽ thêm yêu hơn nữa quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa mà ông bà tổ tiên để lại.

Sẽ không còn tình trạng phá rừng, xây hồ thủy điện dẫn đến bão lũ, sẽ không còn những cảnh bạo lực, hạn chế được những người phạm tội…. Thế chẳng phải tiện lợi đôi đường hay sao?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)