Sau hai ngày biểu tình môi trường 1/5 và 8/5 năm 2016, không còn nghi ngờ gì nữa, phản kháng nạn ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề của một phận dân chúng, chưa tính đến rất nhiều người muốn xuống đường chỉ để biểu thị bức xúc nhưng vẫn chưa đủ can đảm vượt qua chính mình.
Hiện tượng trên đã chứng minh rõ ràng rằng những luận điệu mà giới công an trị và tuyên giáo đảng đổ vấy cho “lực lượng thù địch”, Việt Tân… chỉ là một cách đối phó quá nhàm chán với đám đông biểu tình. Đây không phải lần đầu tiên, mà đã rất nhiều lần công an Việt Nam “cứ có chuyện gì thì đổ hết cho Việt Tân là xong!”.
Lối mòn đó vẫn tiếp tục mòn mỏi một cách sống sượng và trơ tráo. Khởi đầu chiến dịch vu cáo người dân biểu tình là Đài truyền hình Việt Nam. Kênh VTV1 của đài này, khi phát tin về hai nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn bị công an bắt giữ, đã thẳng tay quy chụp hai người này được chỉ đạo bởi “thế lực thù địch”. Cùng lúc, báo đảng Quân Đội Nhân Dân cũng tung ra loạt bài phản biểu tình.
Sau đó ít ngày, đến lượt báo Pháp luật TP.HCM đăng tải một bài viết công kích hai nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trên, không quên chụp mũ họ “phản động”. Đến lúc này, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn thất vọng không giấu diếm trên mạng xã hội: “Báo Pháp luật TP.HCM vẫn thường được người dân và trí thức tin cậy nhất định vì đưa thông tin tương đối khách quan và còn có tính phản biện. Nhưng tại sao tờ báo này lại đăng một bài đậm giọng điệu công an đến thế?”.
Có người cũng nhắc lại rằng chất phản biện của báo Pháp luật TP.HCM chủ yếu có được dưới thời tổng biên tập cũ là ông Nam Đồng (nay là chủ một quán cơm từ thiện nổi tiếng ở Sài Gòn). Còn tổng biên tập mới – ông Mai Ngọc Phước – lại có quá khứ là một sĩ quan an ninh của Công an Sài Gòn và sau đó làm nhiệm vụ quản lý báo chí tại Ban Tư tưởng văn hóa thành ủy ở thành phố này.
Tương tự báo Pháp luật TP.HCM, đã có một ít tờ báo khác như trang VTC News và Cộng An Nhân Dân, Công An TP.HCM cũng tham gia vào chiến dịch phản biểu tình và “tất cả cứ đổ cho Việt Tân”.
Thật tội nghiệp Việt Tân!
Nhưng cũng đáng tội nghiệp tuyệt đại đa số trong hơn 800 tờ báo nhà nước đã phải nín lặng vụ “cá chết Fomosa”, sau khi được sôi nổi trong thời gian đầu.
Tuy vậy, điều liêm sỉ đáng ghi nhận của báo chí nhà nước là tuyệt đại đa số đã quay lưng từ chối chỉ đạo “phản tuyên truyền” đối với phong trào biểu tình của dân chúng. Từ khá nhiều năm qua, nhiều báo lấy lý do là “chuyên ngành” nên đã từ chối đăng tải những tin tức công kích người bất đồng chính kiến và giới đấu tranh nhân quyền. Thậm chí trong phong trào tự ứng cử vừa qua, một số báo có tính phản biện như Thanh Niên, Đất Việt, Vietnamnet… đã đăng một số bài phỏng vấn những người tự ứng cử độc lập như một cách chia sẻ kín đáo.
Trong những ngày gần đây, ngay cả nguyentandung.org – một trang mạng chưa bao giờ được xem là chính thống nhưng trước đây luôn hằn học công kích với cường độ cao đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, đã dần đổi giọng: từ công kích và mạt sát người biểu tình môi trường sang bắt đầu mô tả tâm lý xuống đường của người dân một cách “khách quan hơn”.
Đáng chú ý, nguyentandung.org được một số dư luận cho là trang mạng này được hậu thuẫn của một thế lực chính trị nằm trong nội bộ đảng. Trước đại hội 12, trang này ủng hộ tuyệt đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và luôn mang sắc màu công an trong nhiều bản tin nội chính. Nhưng sau đại hội 12 khi ông Dũng “rớt đài”, trangnguyentandung.org đang có xu hướng được một số nhân vật chính trị nào đó kín đáo chọn và xây dựng để trở thành trang mạng tiêu biểu về “dân chủ” và “cải cách”, tìm cách thu hút những người dân và trí thức ít hiểu về bản chất “ngụy dân chủ”.
Lê Dung / SBTN