VNTB – Cà phê cuối tuần: mâu và thuẫn

VNTB – Cà phê cuối tuần: mâu và thuẫn

 

Trúc Giang

(VNTB) – Có người nước Sở ở bên Tàu làm nghề bán mâu, vừa bán thuẫn. Ai hỏi mua thuẫn, thì anh ta khoe rằng: “Thuẫn này thật chắc, không gì đâm thủng”. Ai hỏi mua mâu, thì anh ta khoe rằng: “Mâu này thật sắc, gì đâm cũng thủng”. Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác, thì thế nào?”. Anh ta không đáp ra làm sao được. (Hàn Phi Tử, sách Cổ học tinh hoa)

Câu thành ngữ “Tự tương mâu thuẫn” (Lấy giáo đâm khiên) để ví với những người có ngôn ngữ và hành động trước sau không nhất quán, thường đưa mình vào cảnh tự mâu thuẫn với chính bản thân. Từ ‘mâu thuẫn’ từ đó mà ra!

Câu chuyện từ tòa án Nha Trang

Trước khi chuyển sang khoác áo luật sư tố tụng, ông Minh Thọ là một nhà báo, từng công tác chung tòa soạn với người viết bài này. Luật sư Minh Thọ còn là chủ nhân của quán cà phê có tên “Hội quán Một cõi đi về”.

Ông Minh Thọ là một trong số gần 100 luật sư đăng ký tham gia bào chữa ở phiên tòa hình sự sơ thẩm về vụ án ‘trốn thuế’ mà vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải là bị cáo, vừa kết thúc tại thành phố biển Nha Trang.

Việc điều tra, truy tố vụ án vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải bị cáo buộc trốn thuế tại Nha Trang có rất nhiều mâu thuẫn”. Luật sư Minh Thọ kể trong buổi gặp gỡ cà phê cuối tuần.

Mẫu thuẫn dễ nhận ra nhất là trình bày trước phiên xét xử, mặc dù giám định viên xác định người phải kê khai nộp thuế trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất tại 78/40 Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang là ông Ngô Văn Lắm, ngụ phường Ngọc Hiệp, Nha Trang. Ông Lắm chỉ là người đứng tên dùm sở hữu bất động sản ở địa chỉ nói trên cho người chị cùng mẹ khác cha của mình là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – một bị cáo cũng nằm trong vụ án này. Bà Hạnh có song tịch: Việt Nam và Na Uy.

Theo luật thì bà Hạnh thông qua ủy quyền là ông Lắm, phải có nghĩa vụ thực hiện các khoản thuế về giao dịch chuyển nhượng. Vợ chồng của luật sư Trần Vũ Hải là bên mua, không có nghĩa vụ phải nộp thuế thay cho bên bán.

Bà Hạnh khai tại thời điểm giao dịch chuyển nhượng nhà đất 78/40 Tuệ Tĩnh, bà chỉ có duy nhất ngôi nhà này. Nếu bà Hạnh chỉ có một ngôi nhà duy nhất, theo quy định bà không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nguyên đơn dân sự là Chi cục thuế thành phố Nha Trang, trình bày trước tòa là trong vụ việc mua, bán kể trên thì hồ sơ kê khai thuế và các hồ sơ, thủ tục đầy đủ nên cơ quan thuế xác định mức thuế phải đóng theo đúng quy định.

Cụ thể hơn, nguyên đơn dân sự lập luận căn cứ vào Luật thuế 2007 (sửa đổi 2012), Nghị định 65/2013, Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 92/2015/TT-BTC, thì ông Lắm đã nộp hơn 42 triệu là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vị đại diện này nói thêm, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định các bị cáo phải nộp thuế thì, “họ phải nộp và chúng tôi sẽ thu”.

Tôi có đặt câu hỏi với đại diện Chi cục thuế, và họ nói rằng về căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội trốn thuế, thì trách nhiệm đó thuộc về cơ quan điều tra”. Luật sư Minh Thọ kể.

Dưới góc nhìn là một nhà báo, ông Minh Thọ nói rằng ở đây là mâu thuẫn trong chính sách.

Theo đó, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, kêu gọi người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam đầu tư, được mua nhà ở Việt Nam. Nếu tài sản này là của bà Hạnh, theo án lệ số 02 trong danh mục án lệ của Toà án nhân dân Tối cao, thì bà thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân, vì đó là tài sản là bất động sản duy nhất của bà vào thời điểm thực hiện việc chuyển nhượng cho vợ chồng ông Hải.

Tài sản mà bà Hạnh (ông Lắm) nhận chuyển nhượng trước đây là tài sản thừa kế, những người chuyển nhượng đã được miễn thuế thu nhập cá nhân, tại sao cơ quan thuế và cơ quan tiến hành tố tụng khác không xem xét nội dung này trước khi quy kết trách nhiệm cho bà? Phải chăng các cơ quan nêu trên đã vô ý hay cố tình bỏ qua quyền lợi này đối với bà Hạnh?

Nhìn từ vụ ‘ném đá’ nhạc sĩ Trần Long Ẩn

Đầu năm 2019, báo chí đưa tin Chính phủ đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới, như bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm.

Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau.

Hiểu một cách đơn giản hơn, những ca khúc trước năm 1975 được sáng tác trong thời kỳ lịch sự đầy biến động. Những gì thuộc về lịch sử đòi hỏi thế hệ đi sau phải có một cái nhìn khách quan, không được tách rời nó ra khỏi bối cảnh.

Ngoại trừ những tác phẩm có ý đồ rõ ràng, gây phương hại đến chính trị, văn hóa, tư tưởng của đất nước, những ca khúc được sáng tác trước 1975 đều là một phần di sản văn hóa, di sản tinh thần của dân tộc Việt Nam. Do đó cần có một sự ứng xử phù hợp. Sự phân biệt chỉ gây chia rẽ, bởi không ai đảo ngược được lịch sử.

Dĩ nhiên việc tìm ra các ca khúc có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng… sẽ là công việc phân định không hề dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn mới.

Cục Biểu diễn nghệ thuật từng bảo tôi: ‘Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa’. Tôi nghe sốc và đau lắm. Không được đâu. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được”.

Trong nếp nghĩ định kiến như phát biểu được báo Phụ nữ TP.HCM trích lời dẫn trực tiếp của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM trong bài báo đăng ngày 11/11/2019, có thể thấy rằng nếu mai này Chính phủ ban hành chính sách ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép, trước hay sau 1975 đều như nhau, thì có lẽ điều ấy sẽ không được thực hiện ở TP.HCM, nơi mà người đứng đầu tổ chức về văn học nghệ thuật như nhạc sĩ Trần Long Ẩn đang… ‘chống tới cùng’.

Nhà báo Phạm Hồng Phước, người từng làm chung hồi còn ở báo Long An với người viết bài này, nói rằng ông cùng quê với nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Tôi sẽ hiểu ông này khi phát biểu với tư cách quan chức đứng đầu một tổ chức nghệ thuật chính trị. Nhưng tôi vẫn không thể không tiếc khi một người có lịch sử và vai trò như ông đến nay đã mấp mé 45 năm sau 1975 mà não trạng vẫn còn như vậy. Hay là con người này vốn dĩ là như vậy?.

Quan chức khác nhà chính trị ở chỗ quan chức nói năng bạt mạng, thích gì nói nấy làm vậy; còn nhà chính trị cực kỳ khôn ngoan khéo léo từ lời nói tới việc làm. Người làm nghệ thuật mà đi làm chính trị thường chông chênh.

Tôi nghĩ không thể phủ nhận là cách mạng và phi cách mạng là hai thái cực khác nhau mà tùy hên xui và định mệnh mà bị đẩy vào thế đối thủ hay đối trọng. Suy cho cùng, cái kỳ diệu và khôn ngoan là tìm ra được những điểm chung có thể hòa hợp hòa giải giữa 2 cái thái cực đó. Trong âm vẫn có dương, trong dương vẫn có âm kia mà. Hơn nữa, lịch sử dân tộc vốn rất phức tạp luôn cần sự hòa hợp hòa giải. Có hòa hợp thì mới có thể hòa giải.

Người bạn thân chung của tôi và ông này là nhà thơ Trần Từ Duy (tức Đông Ki Rét của báo Tuổi Trẻ Cười) thời còn sống vẫn hay đùa gọi ông này là Ẩu chớ không phải Ẩn…”. Nhà báo Phạm Hồng Phước chia sẻ câu chuyện dịp cà phê cuối tuần.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)