Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) Dạo ấy tôi được nhận vào làm tại một quán cà phê gần cầu Pont-Neuf. Gần chiếc cầu xưa nhất Paris này có nhiều quán cà phê mang đủ các tên mỹ miều, hay ho như: Ánh Dương, Hoàng Hôn, Đồi Thông…Song quán mà tôi phục vụ thì lại chẳng mang một cái tên nào. Nó không hề có bảng hiệu. Có lẽ ông chủ thích thế. Vì vậy nhiều nguời gọi nó là quán Không Tên. Quán này không lớn cũng không nhỏ, khách hàng không vắng cũng không đông. Nói chung nó là một quán cà phê thuộc loại trung bình ở Paris. Phía trước quán bên kia đường từ sáng đến chiều luôn có một ông mù dáng hom hem ngồi chơi đàn phong cầm. Với ngón đàn điêu luyện, ông ta chơi đủ các bản nhạc xưa nay, kể cả các bản nhạc do khách qua đường yêu cầu. Khách cho tiền tùy hỉ, cứ việc bỏ vào chiếc hộp gỗ để dưới chân ông. Khách của quán Không Tên gồm đủ loại người: Thợ hồ, kế toán, sinh viên… Họ vừa uống cà phê vừa đọc báo hoặc chơi bài hay phì phà điếu thuốc…
Chủ quán là bạn của cha tôi. Tôi vào làm ở đây để có tiền phụ giúp gia đình. Chính ở đây tôi gặp người chồng tương lai của mình, anh Michel. Anh là cháu ruột ông chủ, hơn tôi vài tuổi và là sinh viên một trường đại học. Anh có nét mặt rắn rỏi và dáng người dong dỏng. Tình yêu chúng tôi nảy nở theo thời gian. Tôi không bao giờ quên những phút giây hạnh phúc cùng anh tay trong tay đi dạo trong vườn Luxembourg những ngày nắng ấm hay đứng trên tháp Eiffel ngắm dòng sông Seine lững lờ trôi dưới những cây cầu xinh đẹp của Paris…
Tôi làm chưa được một năm thì Châu Âu bước vào thời kỳ căng thẳng do nhà cầm quyền quốc xã ở Đức thực thi đường lối đối ngoại đầy nguy hiểm. Thế rồi ngày 3 tháng 9 năm 1939, Anh và Pháp, trước tham vọng ngày càng lộ rõ của Adolf Hitler, lần lượt tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.
Trong số những khách hàng quen thuộc của chúng tôi có ông Vincent. Đó là một sĩ quan về hưu tuổi gần bẩy mươi, vợ mới mất và chẳng con cái gì. Ông thường đến lúc sáng sớm và bao giờ cũng ngồi vào bàn cuối bên phải, gần cửa sổ. Cà phê đen không đường là thứ ông hay gọi. Ông thích nói chuyện với Michel vì cả hai có một điểm chung là luôn quan tâm đến tình hình đất nước cũng như các vấn đề quốc tế. Mỗi lần ông Vincent tới, Michel thường tự tay bưng cà phê ra cho ông và ngồi vào bàn trò chuyện cùng ông sau khi đã mở đĩa nhạc có bài hát mà ông rất thích với chất giọng ngọt ngào của Tino Rossi : “ Tôi có hai mối tình, tổ quốc và Paris…”.
– Nước pháp liệu có thể đứng vững bao lâu trước quân Đức. Có lần ông bày tỏ băn khoăn sau khi pháp tuyên chiến với nước Đức láng giềng.
– Có lẽ không có gì phải lo lắng. Michel đáp Chẵng phải chúng ta đang có chiến lũy Maginot rất kiên cố đấy sao.
– Cái chiến lũy ấy sẽ không làm được trò trống gì đâu cho dù nó đã ngốn hết ba tỉ rưỡi franc. Ông già lắc đầu với vẻ thất vọng. Tôi rất đồng ý với ông đại tá Charles de Gaulle rằng chiến lũy này chỉ là con đẻ của những người có đầu óc lỗi thời, cho dù đó có là Philipe Pétain. Từ thế chiến thứ nhất đến nay đã 20 năm. Trong thời gian đó kỹ thuật quân sự được phát triển không ngừng. Máy bay, xe tăng không còn thô sơ như trước. Chỉ cần vài ngàn xe bọc thép cùng oanh tạc cơ là thừa sức chọc thủng Maginot. Trong khi đó nước Pháp hiện chẳng có bao nhiêu xe tăng và chiến đấu cơ. Mà tất cả đều lạc hậu so với Đức. Sỡ dĩ Đức chưa đánh Pháp vì họ còn đang vướng bận ở Ba Lan, rồi ở Bắc Âu.
– Cách đây mấy năm nhà văn Erich Maria Remarque từng ghé quán này sau khi cùng một người bạn Pháp tham quan cầu Pont – Neuf. Ngừng một chút, ông Vincent lại tiếp.
– Thế ư?
– Thực vậy. Lần đó ông ta bày tỏ lo ngại về sự lớn mạnh của đảng Quốc xã tại Đức với đường lối cực đoan của nó. “Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh” là một tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh. Nó nói lên tính phi nhân, phi nghĩa của chiến tranh. Tiếc thay, bọn phát xít cầm quyền tại Đức hiện nay lại chẳng rút ra được bài học nào từ cuốn sách này. Không những thế còn lên án nó. Và thực tế tác giả của danh tác này đang phải sống lưu vong.
*
* *
Charles de Gaulle hoàn toàn có lý. Ngày 10 tháng 5 năm 1940, sau khi hạ gục Ba Lan và Bỉ, quân Đức khởi sự một cuộc chiến chớp nhoáng bằng một cuộc tấn công ồ ạt băng ngang qua khu rừng Ardennes nơi quân Pháp phòng thủ yếu nhất. Trong cuộc tấn công này các đạo quân xe tăng và bộ binh Đức dưới sự yểm trợ của không quân và pháo đã tràn vào lãnh thổ Pháp như lũ vỡ bờ. Cái gọi là chiến lũy Maginot đã bị vất vào sọt rác!
Quân Đức tiến tới đâu, quân Pháp thua tới đó. Ngày 22 tháng 6 năm 1940, nghĩa là chỉ sau hơn 40 mươi ngày kể từ khi quân Đức mở cuộc tấn công , thống chế Pétain đã ký hiệp định đình chiến với Đức, chấp nhận cho Đức chiếm đóng hai phần ba lãnh thổ kể cả Paris, và chuyển sang chính sách cộng tác với kẻ thù. Người dân yêu nước nghe tim mình đau nhói khi thấy quân thù nện gót giày trên các nẻo đường của quê hương.
– Mới hôm nào Pétain còn là anh hùng với trận Verdun lẫy lừng, giờ đây ông ta chỉ là kẻ phản quốc!
Ông Vincent thốt lên chua xót khi uống cà phê với chúng tôi, Pétain đầu hàng nhưng dân tộc Pháp không đầu hàng. Qua làn sóng phát thanh của đài BBC Luân Đôn, mọi người chăm chú lắng nghe lời hiệu triệu của đại tá De Gaulle. Ông kêu gọi toàn dân chiến đấu chống lại quân xâm lược. Người ta truyền nhau câu nói bất hủ của ông: “Nước Pháp đã thua một trận đánh nhưng nước Pháp không thua toàn cuộc chiến!”. Cuối tháng 6 chính phủ Anh công nhận đại tá De Gaulle là lãnh tụ “Những người Pháp tự do”.
– Hoan hô De Gaulle! Tôi ủng hộ ông ta.
Bên ly cà phê đắng, ông Vincent nói lớn với giọng run lên vì xúc động. Với chúng tôi lúc này chỉ có hai loại người Pháp: Cộng tác với kẻ thù hoặc ủng hộ phong trào kháng chiến. Bất tuân chính quyền Pétain là nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước.
Thế rồi ông Vincent bước qua phía bên kia đường, ân cần dắt tay ông mù chơi phong cầm vào quán Không Tên. Lấy ghế mời người nhạc sĩ ngồi, ông Vincent đề nghị ông ta hãy chơi bài hành khúc “La Marseillaise”. Khi giai điệu hùng tráng của bài quốc ca bắt đầu ngân lên, ông Vincent liền hát theo, giọng hát vang vang. Mắt ông rưng rưng. Mọi người trong quán không ai bảo bảo ai, từ ông chủ quán đến bác thợ hồ, từ anh lái xe đến chàng kế toán, cả tôi và anh Michel, tất cả đều đồng loạt đứng dậy hát cùng ông Vincent bài ca yêu nước này mà Rouget de Lisle đã sáng tác trong thời kỳ chiến tranh Pháp – Phổ trước đây. Tôi không ngăn được những dòng nước mắt cứ tuôn trào trên má. Thật là những giây phút thiêng liêng suốt đời tôi không bao giờ quên được.
*
* *
Sau lần ấy, mấy tháng liền không thấy ông Vincent tới quán. Thì ra ông bị bệnh nặng nằm liệt giường tưởng chết đến nơi. May sao, ông qua khỏi và khỏe lại. Ông lại đến quán Không Tên để uống cà phê và tâm sự với mọi người. Tóc ông lúc trước đã bạc giờ trông còn bạc hơn nhiều, nhưng dáng đi của ông vẫn thẳng và đôi mắt vẫn sáng quắc. Ông có vẻ hơi hụt hẫng vì người tri kỷ là anh Michel thì chẳng thấy đâu.
– Anh ấy vừa gia nhập mặt trận kháng chiến. Tôi bảo. Đây là tổ chức bí mật của những người yêu nước nhằm chiến đấu chống lại quân Đức.
– Giỏi lắm! Ông già siết chặt tay tôi. Thế mới đúng là người công dân của tổ quốc. Tôi tiếc là mình đã già chẳng làm được gì.
Thời gian này nhiều tổ chức kháng chiến được thành lập trên nước Pháp với đủ các xu hướng chính trị khác nhau: xã hội, tiến bộ… và sau đó thêm cả cộng sản từ sau khi Đức quốc xã bất thần tiến đánh Liên Xô. Có điều các tổ chức này hoạt động khá rời rạc, ít có quan hệ qua lại. Nhưng dần dần nhiều nhóm bắt đầu thừa nhận vai trò lãnh đạo của De Gaulle.
Trước sự phát triển rộng rãi của phong trào kháng chiến, chính quyền Pétain đóng ở Vichy đã dùng mọi biện pháp đàn áp dã man không kém gì bọn Đức chiếm đóng. Tháng 11 năm 1942 quân Đức chiếm nốt phần lãnh thổ còn lại của nước Pháp đang thuộc quyền quản lý của chính phủ Vichy. Pétain lúc này không khác gì một tù binh của Đức. Trong mắt chúng tôi, De Gaulle đã trở thành lãnh tụ duy nhất và chân chính của nước Pháp trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
Tháng 12 năm 1942 một sự kiện quan trọng xảy ra: quân Đức bị Liên Xô đánh bại ở mặt trận Stalingrad. Như vậy không hề có chuyện quân đội Đức là bất khả chiến bại. Sự kiện này càng khiến chúng tôi tin tưởng một chiến thắng nhất định sẽ đến với dân tộc mình.
*
* *
Năm 1944 là năm quyết liệt. Ở phía đông Liên Xô chiếm lại được hết đất đai từ tay quân Đức. Ở phía tây mọi người trông chờ quân đồng minh do Mỹ đứng đầu sẽ làm một cuộc đổ bộ lên nước Pháp để mở một mặt trận mới.
– Ngày nước Pháp được giải phóng không còn xa nữa đâu. Một hôm ông Vincent nói với tôi, giọng nói đầy hưng phấn. Tôi mong và tin Michel sẽ còn sống trở về đoàn tụ với chúng ta. Hai cháu sẽ lấy nhau và sinh cho nước Pháp những đứa con yêu nước. Tôi có cái này tặng cháu…
Ông lấy trong túi ra một chiếc nhẫn và trao cho tôi:
– Đây là chiếc nhẫn nhà tôi vẫn đeo khi còn sống. Tôi đã gần đất xa trời nên không giữ làm gì. Hãy nhận chiếc nhẫn này như món quà cho ngày cưới của cháu và Michel.
Tôi còn ngần ngừ thì ông đã đeo nhẫn vào tay tôi rồi ôm lấy tôi như người cha ôm con gái của mình.
Cuối cùng cái ngày mọi người hằng trông chờ đã đến. Ngày 6 tháng 6 năm 1944, quân đồng minh do tướng Eisenhower chỉ huy đã đổ bộ thành công lên bãi biển Normandie. Cuộc đổ bộ này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong thế chiến thứ hai. Nó đi vào lịch sử thế giới như là cuộc đổ bộ vĩ đại nhất từ trước đến nay. Một chính khách Đức chống phát xít đã rất chí lý khi cho rằng cuộc đổ bộ này không phải là thắng lợi của nước Đức nhưng là thắng lợi vì nước Đức. Sau này tôi được biết trong ngày diễn ra cuộc đổ bộ anh Michel và nhiều du kích quân Pháp đã phá hủy nhiều đường ray xe lửa nhằm ngăn quân Đức tiếp viện cho Normandie.
Sau hơn hai tháng chiến đấu cam go, liên quân Anh, Mỹ và “Nước pháp tự do” ( do tướng De Gaulle đứng đầu) đã giải phóng được Paris. Ngày 25 tháng 8 năm 1944, tướng de Gaulle và những đoàn quân của “Nước Pháp tự do” tiến vào thủ đô. Ngày hôm sau, trên đại lộ Champs – Élysées diễn ra một cuộc mít tinh khổng lồ với hàng trăm ngàn người tham dự. Họ hân hoan chào đón người hùng của dân tộc: Tướng Charles de Gaulle.
Chính trong những ngày chiến thắng này tôi và anh Michel đã gặp lại nhau sau mấy năm xa cách. Tôi sung sướng đến phát khóc. Tạ ơn trời đã cho anh trở về với tôi dù trong lần hội ngộ này cơ thể anh không còn lành lặn: trong một lần chạm súng với quân thù, anh đã bị bắn vào đùi, phải cưa mất một chân. Giờ anh phải dùng nạng gỗ thay cho chiếc chân bị mất.
Sau khi đất nước được hoàn toàn tự do, Michel tiếp tục học nốt năm cuối còn dang dở ở đại học. Sau khi anh tốt nghiệp, chúng tôi lấy nhau và sinh hai đứa con kháu khỉnh, một trai một gái. Thật là niềm vui riêng trong niềm vui chung là được thấy nước Pháp dần dần hồi phục và lấy lại vinh quang của mình.
Nhưng tôi cũng rất đau buồn phải nói rằng quán Không Tên vĩnh viễn không còn thấy bóng người khách thân quen là ông Vincent. Một người hàng xóm của ông kể lại rằng sau khi được biết quân đồng minh đổ bộ lên Normandie, ông Vincent đã vui mừng khôn xiết. Trong cơn phấn khích, ông cầm lá cờ tổ quốc chạy ra trước ban công, vừa phất cao cờ vừa reo: “Nước Pháp muôn năm! nước Pháp muôn năm”!. Đúng lúc ấy một tên lính Đức đi ngang qua bèn rút súng bắn vào đầu ông. Ông già ngã gục xuống ban công, máu trào ra lai láng. Trong cơn hấp hối ông vẫn ôm chặt lá cờ thân yêu của dân tộc.
*
* *
Sau khi ra trường, anh Michel đi làm cho một hãng buôn ở tận Marseille còn tôi cũng theo chồng, không còn giúp việc cho quán Không Tên. Sau đó ít lâu quán được bác của anh Michel bán lại cho một người khác. Từ lúc đó quán được sửa sang, sơn phết lại và mang hẳn một cái tên khá kêu: quán Hoàng Kim. Song khi nói về nó tôi vẫn thích gọi là quán Không Tên. Mỗi khi về thăm Paris, vợ chồng tôi luôn ghé quán này để ôn lại những kỷ niệm xưa. Người nhạc sĩ mù giờ không biết trôi dạt về đâu hay đã ra người thiên cổ. Nhiều khách quen trước đây cũng không còn thấy. Nhưng người mà tôi nhớ nhất chính là ông Vincent. Chiếc nhẫn ông tặng giờ này tôi vẫn còn đeo như một kỷ vật quí báu. Mỗi lần nghĩ tới ông thì giây phút thiêng liêng hôm nào lại trở về trong tâm trí tôi: trong tiếng đệm đàn réo rắt của người nhạc sĩ mù, chúng tôi cùng nhau hát theo ông bài quốc ca La marseillaise. Với tất cả tấm lòng yêu nước, ông hát vang bài ca hùng tráng mà nước mắt rưng rưng.