Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cả Quốc hội và Chính phủ đều phải chăng đã tự sướng?

Nguyễn Huỳnh (ghi chép)

 

(VNTB) – Trong khi chúng ta đều khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ đẹp như hôm nay, thì thực tế cho thấy hoàn toàn không hẳn vậy!

 

Ông Nguyễn Lân Hiếu, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1972, là bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ y khoa, chính trị gia người Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông ứng cử và trúng cử đại biểu quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 2 tỉnh An Giang gồm các huyện: Châu Phú và Châu Thành.

Ông Nguyễn Lân Hiếu là một chuyên gia tim mạch có tên tuổi với nhiều cống hiến trong nền y học Việt Nam. Ông hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Xin trích giới thiệu bài phát biểu ở hội trường Diên Hồng của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (xem toàn văn qua video)

***

Tôi chỉ xin  đưa ra 03 vấn đề mà hy vọng trong nhiệm kỳ mới chính phủ sẽ tìm được câu trả lời và đưa ra giải pháp hiệu quả.

Thứ nhất, đó là các kiến nghị của cử tri được các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chuyển đến nhưng chưa được Chính phủ trả lời, hoặc cho dù đã thống nhất kết luận nhưng chưa thực hiện.

Theo số lượng thống kê, con số này là hàng trăm thậm chí có thể hơn nữa. Tư duy nhiệm kỳ làm cho rất nhiều kiến nghị chính xác có giá trị đóng góp cao bị rơi vào quên lãng sau vài năm kiến nghị.

Liệu chăng Chính phủ có thể tổng kết các ý kiến có số lượng đại biểu Quốc hội, số đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều nhất. Công khai các ý kiến này ở các kênh thông tin đại chúng như cổng thông tin chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát.

Ví dụ như nhiều cử tri An Giang chất vấn tôi: sao kiến nghị xây dựng đường tránh Long Xuyên không thực hiện được?. Nếu Chính phủ có thể tổng kết được bao nhiêu lần bản thân tôi, đoàn đại biểu Quốc hội An Giang không chỉ nhiệm kỳ này và cả nhiệm kỳ trước đó đã đề cập đến vấn đề này, chắc chắn cử tri có thể an tâm là chúng tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, về việc xây dựng soạn thảo các đạo luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ và các bộ ngành.

Như nhiều đại biểu khác trước tôi đã lên tiếng, chúng ta rất cần có một cách làm khác, một quy trình minh bạch hơn để đảm bảo tiến độ và đặc biệt là chất lượng các đạo luật.

Đừng để nhiều dự thảo luật đưa ra còn quá nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội ngay trong quá trình thảo luận. Thậm chí có luật vừa ban hành đã phải dừng thực hiện, sửa đổi.

Thời gian gửi dự thảo luật đến các đại biểu Quốc hội cần đúng thời gian theo quy định. Các luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới có so sánh với luật cũ, đánh giá tác động rõ ràng, tường minh, tránh lợi ích nhóm, tư duy địa phương, cục bộ.

Thêm nữa, các lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm.

Nếu không giữ được lộ trình cần giải trình tường minh trước Quốc hội. Tránh để những dự luật như Luật về Hội đã được chúng ta thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa này, nhưng chưa chắc khóa sau đã được đưa ra thảo luận lần hai.

Hay Luật khám chữa bệnh sửa đổi trong 3 kỳ liên tiếp gần đây đã có trong chương trình nghị sự lại bị đưa ra vào phút chót – một luật mà có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid bùng phát và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Chính vì vậy tôi mong ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV luật này sẽ có trong danh sách các dự luật được sửa đổi đầu tiên.

Vấn đề cuối cùng, theo các báo cáo thống kê, các vụ phạm pháp còn tăng theo thời gian, nhiều vụ án hình sự có tính chất phức tạp, chưa từng xảy ra về mức độ đạo đức khiến cho cử tri không khỏi lo lắng với câu hỏi liệu xã hội ngày càng bất ổn hay không?

Trong khi chúng ta đều khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ đẹp như hôm nay. Kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn.

Phải chăng nghiệp vụ điều tra truy tố của chúng ta tốt hơn nhiều khiến nhiều vụ án được phát hiện mà trước đây bỏ sót, hay vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng – như đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi vừa phát biểu, khiến nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật?

Nhưng theo tôi lý do chủ yếu là chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Giáo dục là một lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021.

Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế – hai trụ cột của an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân sẽ có cuộc sống ấm no – hạnh phúc và mạnh khoẻ.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tất cả các dự án vắc-xin Covid-19 ‘made in VietNam’ đều hết hy vọng

Phan Thanh Hung

VNTB – Đời sống kinh tế – chính trị ở Việt Nam đầy u uất

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Từ chối ‘3 tại chỗ’ vì không hiệu quả

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo