Ngọc Lan
VNTB – “Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không phải là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT, hiệu lực thi hành từ 10-9-2022, quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Theo đó, tại điều 3.1 ghi: “Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hợp pháp và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới khi được cơ quan có thẩm quyền của nước sử dụng ngôn ngữ được thi cấp chứng chỉ là ngôn ngữ chính thức công nhận hoặc để xét duyệt hồ sơ nhập cư, nhập quốc tịch, cấp thị thực nhập cảnh cho công dân các nước có nhu cầu định cư, làm việc, nghiên cứu, học tập tại thời điểm phê duyệt liên kết tổ chức thi”.
Tuy nhiên tại Việt Nam thì “Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là văn bản xác nhận kết quả thi năng lực ngoại ngữ do cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cấp cho người dự thi. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không phải là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” – trích điều 2.1.
Điều 2.3 cho biết kể từ ngày 10-9-2022 là thời hạn cuối của “về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục” tại Việt Nam đối với “việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam”.
Như vậy, xem ra thì kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, các chứng chỉ ngoại ngữ hợp pháp của nước ngoài có thể bị từ chối trong thủ tục hành chánh của Việt Nam.
Rất có thể từ những quy định ở Thông tư kể trên mà Hội đồng Anh (British Council) thông báo cụ thể như sau: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo tất cả các kỳ thi IELTS của Hội đồng Anh tại Việt Nam sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Vì vậy, kỳ thi của bạn vào ngày 10-11-2022 sẽ bị hủy.
Quyết định này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam. Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể.
Tất cả các thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định này sẽ được đổi ngày thi miễn phí và chúng tôi sẽ gửi thông báo trực tiếp đến hòm thư điện tử của các thí sinh sau khi kỳ thi được phép tiếp tục tổ chức lại.
Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì tình huống không thể lường trước này và những bất tiện gây ra cho các thí sinh. Chúng tôi rất hy vọng sớm được chào đón thí sinh trở lại các kỳ thi của Hội đồng Anh”.
Tương tự, ban tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật Nat-test, Hán ngữ quốc tế HSK, HSKK cũng thông báo hoãn kỳ thi vì vướng sự điều chỉnh về thủ tục của Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT. Còn với tiếng Pháp thì thông báo sớm hơn, từ đầu tháng 10-2022.
IELTS là viết tắt của International English Language Testing System, tạm dịch là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế. Bài thi IELTS gồm bốn kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết, phục vụ mục đích học tập, làm việc và định cư.
Chứng chỉ IELTS hiện được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia. Năm 2018, kỳ thi này đã đạt mốc 3,5 triệu lượt thi trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều đại học dùng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào, xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Hai đơn vị được phép tổ chức thi IELTS ở Việt Nam là Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP, lệ phí thi là hơn 4,6 triệu đồng một lượt.
Việc “tạm dừng” như trên dẫn đến các hồ sơ du học sinh và đại học buộc phải dừng theo, ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch học tập – bao gồm cả việc sinh viên chọn thi bằng cấp quốc tế cho thủ tục tốt nghiệp đại học ở trong nước. Thiệt hại này hiện chưa có các con số tính toán cụ thể, và quy trách nhiệm ra sao trong việc đền bù.