Việt Nam Thời Báo

VNTB – Các giá trị nhân quyền thông qua các hiệp định thương mại tự do và thách thức đối với Việt Nam

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Đây là vấn đề được ông Ngô Quốc Chiến, giảng viên khoa Luật, trường đại học Ngoại thương đặt ra trong bối cảnh quyền tự do chính trị ở Việt Nam bị giới hạn.

Theo ông Ngô Quốc Chiến, trước thềm được cho là sẽ có bản ký kết về EVFTA vào tháng hai này, cần lưu ý về nội dung trong Hiệp ước Lisbon, một trong các sứ mệnh của EU là góp phần vào “hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới […] và bảo vệ nhân quyền”.

Thông qua các chính sách đối ngoại, EU muốn tác động tới các nước đối tác, nhất là các nước đang phát triển để phổ biến rộng rãi các nguyên tắc về nhân quyền, nhà nước pháp quyền, minh bạch và dân chủ theo quan điểm của EU. Để làm được điều này, giá trị nhân quyền đã được coi như một điều kiện đi kèm với các lợi ích thương mại. Nghị quyết về nhân quyền, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế ngày 25/11/2010 của Nghị viện châu Âu nhấn mạnh yêu cầu bổ sung một loạt các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và nhân quyền trong tất cả các FTA mà EU đàm phán với các nước khác (1).

EVFTA là một loại hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người.

Quyền con người trong EVFTA – ông Ngô Quốc Chiến nhấn mạnh – được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các nhóm quyền thế hệ thứ nhất, tức là các quyền dân sự và chính trị như quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng,…, mà cả các nhóm quy định thế hệ 2, tức là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền tiếp cận giáo dục, quyền biểu tình, quyền nghỉ ngơi và giải trí,…, và cả các quy định thế hệ thứ 3, tức bao hàm cả các quyền liên quan tới môi trường, an ninh và phát triển. Ba nhóm quyền này không tách rời nhau mà ngược lại có quan hệ chặt chẽ với nhau.

“EVFTA khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các bên phải dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được khẳng định trong PCA (Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện, Partnership and Cooperation Agreement – PCA). Trong đó, yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi.

Lời mở đầu của EVFTA đã ghi nhận mối quan hệ hợp tác thương mại giữa các bên phải dựa trên những nguyên tắc và giá trị được quy định trong PCA. Cụ thể hơn, Đoạn 2 Điều 17.22, Chương 17 EVFTA khẳng định Hiệp định này là một phần của quan hệ song phương tổng thể theo quy định tại PCA và sẽ là một phần của khuôn khổ thể chế chung. Ngoài ra, Đoạn 2 Điều 17.18 EVFTA quy định, trong trường hợp một bên vi phạm cơ bản PCA, theo Điều 57 PCA, vi phạm các nguyên tắc về nhân quyền được coi là một vi phạm cơ bản PCA, thì bên kia có thể áp dụng các biện pháp thích hợp theo quy định của Hiệp định này”. Ông Ngô Quốc Chiến diễn giải.

Như vậy từ vắn tắt ở trên, người ta được quyền hoài nghi về các cam kết trong thực thi nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn theo lời của ông Ngô Quốc Chiến, EU không nhất quán khi áp dụng các quy định trừng phạt khi bên kia vi phạm các cam kết về nhân quyền. Dường như EU đã và đang áp dụng chính sách “mềm nắn rắn buông” (2). Các biện pháp mà EU áp dụng đối với các quốc gia vi phạm nhân quyền mang tính phân tán, ngoại lệ, lựa chọn và không nhất quán.

Xem ra trong trường hợp EVFTA ký kết, những thực thi nhân quyền của Việt Nam sẽ ra sao, khả năng phải cần đến các nỗ lực tự thân nhiều hơn nữa của cộng đồng xã hội dân sự tại Việt Nam.

Đồng ý, “Tự do không bao giờ miễn phí – Freedom is NOT free”, song như nhận xét của Honoré de Balzac, thì “Tự do không bao giờ là đắt đỏ. Nó là hơi thở của cuộc sống. Có điều gì con người lại không từ bỏ để được sống? – Freedom is never dear at any price. It is the breath of life. What would a man not pay for living?”.

+ Ghi chú:

(1) European Parliament, “The European Parliament’s role in relation to human rights and trade agreements [The role of the European Parliament in the field of human rights in trade and investment agreements]”, EXPO / B / DROI / 2012- 09, February 2014.   http://www.europarl.europa.eu/cmsdata/86031/Study.pdf

(2) Amine THABET, “Droits de l’homme et action extérieure de l’Union européenne : entre syncrétisme et recherche de cohérence” (Nhân quyền và chính sách đối ngoại của EU: đi tìm sự thống nhất trong mớ hổ lốn). Xem tại : http://eubg.eu/upload/files/801262982_DROITS%20DE%20L%E2%80%99HOMME%20ET%20ACTION%20EXTERIEURE.doc

Tin bài liên quan:

VNTB – Đồng Nai… rúng động

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thông Cáo Báo Chí về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam ông Phạm Chí Dũng

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự ổn định của chính sách: nhìn từ tấm căn cước

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo