Anh Khoa dịch
(VNTB) – Các công ty công nghệ Mỹ ngày càng cảm thấy khó chịu với Hong Kong mới
Tác giả: Nathaniel Taplin
Hồng Kông cùng với Ma Cao là một trong hai lãnh thổ dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể dễ dàng truy cập Google, Facebook và Twitter. Điều đó có thể sẽ không còn bao lâu nữa.
Liên minh Internet Châu Á – một nhóm công nghiệp bao gồm Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google – đã cảnh báo riêng với chính quyền Hồng Kông rằng họ có thể buộc phải ngừng cung cấp các dịch vụ trong tại đây nếu dự luật chống đánh cắp thông tin cá nhân được thực thi. Đánh cắp thông tin cá nhân, tức đưa thông tin riêng tư của cá nhân lên mạng để cho người khác quấy rối, đã được sử dụng rộng rãi để chống lại cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019.
Các công ty công nghệ lo ngại các quy định mới có thể khiến nhân viên của họ có nguy cơ vướng vào các cuộc điều tra tội phạm. Theo tu chính dự luật bảo vệ dữ liệu của Hồng Kông được đề xuất vào tháng 5, đánh cắp thông tin có thể bị phạt lên tới 1 triệu đô la Hồng Kông, tương đương khoảng 128.700 đô la Mỹ và 5 năm tù.
Trong khi việc cấm đánh cắp thông tin nghe có vẻ hợp lý về mặt lý thuyết, nhóm công nghiệp này lo ngại rằng từ ngữ mơ hồ của những sửa đổi đó có thể được sử dụng để hình sự hóa các hành vi chia sẻ thông tin thậm chí là vô hại và rằng các thành viên hoặc nhân viên của họ có thể phải chịu trách nhiệm về những gì người dùng đăng tải. Cách diễn đạt rộng rãi của luật an ninh quốc gia lâu đời của Hồng Kông cũng bị chỉ trích vì lý do tương tự. Trong một bức thư gửi đến chính quyền Hồng Kông, Liên minh này đề nghị nên xem xét xác định rõ ràng hơn phạm vi vi phạm.
Một tác động tiềm năng là việc bố trí nhân sự cho các công ty toàn cầu có văn phòng ở Hồng Kông. Đối với nhiều nhân viên không phải là người Trung Quốc, luật an ninh quốc gia mới không có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ, nhưng Google và Facebook là những dịch vụ được cư dân nước ngoài sử dụng thường xuyên. Những người nước ngoài sống ở Trung Quốc đại lục phải dùng các mạng ảo ngụy trang vị trí để truy cập các dịch vụ như vậy. Những mạng này có thể rất phức tạp và chính phủ Trung Quốc tích cực đánh phá, thường là làm tốc độ kết nối chậm và không đáng tin cậy đối với những việc hàng ngày như tìm kiếm trên Google.
Bản thân các công ty công nghệ Hoa Kỳ không mất mát gì khi rời khỏi Hồng Kông. Thị trường nhỏ. Các đối thủ nặng ký như Google và Facebook đã bị chặn ở Trung Quốc đại lục, vì vậy họ không dễ bị ép buộc về kinh tế như nhiều công ty có doanh thu lớn ở đó.
Đối với giới thượng lưu tài chính và kinh doanh di động trên toàn cầu, một trong những điểm thu hút chính của Hồng Kông từ lâu là khả năng tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ở đại lục và kết nối mạng mà không gặp rắc rối với Great Firewall (Đại Tường Lửa) và hệ thống luật pháp không rõ ràng, khó đoán. Nếu Google và Facebook thực sự rút lui cùng với các công ty công nghệ internet phương Tây khác, và tình trạng luật pháp không rõ ràng cũng bắt đầu ảnh hưởng đến internet Hồng Kông, các công ty có thể gặp khó khăn trong việc tuyển chuyên gia hàng đầu tại đây hoặc giữ chân nhân viên.
Nguồn: WSJ