Anh Khoa dịch
(VNTB) – Các nước trên thế giới sẽ tẩy chay Thế vận hội của Trung Quốc vào năm 2022 do phẫn nộ về Tân Cương
Ngày 27 tháng 3 năm 2021
Vào năm 2015, khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trao quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 cho Bắc Kinh, một số người đã chỉ trích quyết định này vì hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc (TQ). Chỉ trong vài tuần trước đó, Trung Quốc đã bắt giữ hàng trăm nhà hoạt động xã hội dân sự trên khắp đất nước. Nhưng ứng cử viên đối thủ tranh quyền tổ chức thế vận hội này là một quốc gia độc tài khác, Kazakhstan. Các nền dân chủ như Na Uy đã rút khỏi cuộc đua. Và ít ai ngờ rằng, trong vòng 2 năm sau đó, Trung Quốc lại xây dựng một hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương để giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vì tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa của họ.
Thái độ của phương Tây đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn rất nhiều kể từ khi IOC đưa ra quyết định của mình. Vào tháng Giêng, Mỹ gọi cuộc đàn áp ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”. Vào ngày 22 tháng 3, nước này đã cùng với Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đồng thời các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến các hành động tàn bạo của khu vực đó. Đây là một nỗ lực phối hợp hiếm hoi của các cường quốc phương Tây nhằm gây áp lực lên Trung Quốc về hồ sơ nhân quyền của nước này. Họ cũng bực bội bởi những hành động đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông và thách thức ngày càng tăng của nước này đối với các chuẩn mực tự do trên toàn cầu. Thế vận hội mùa đông, dự kiến bắt đầu vào ngày 4 tháng 2, sẽ là một trong những thế vận hội gây tranh cãi nhất trong lịch sử Olympic.
Cho đến nay, dường như không có quốc gia nào từ chối cử vận động viên, như Mỹ đã làm vào năm 1980 khi tẩy chay Thế vận hội mùa hè ở Moscow để phản đối việc Liên Xô xâm lược Afghanistan. (Các nước thuộc Khối Đông Âu sau đó cũng tẩy chay thế vận hội mùa hè năm 1984 ở Los Angeles.) Thế vận hội cũng không được dự kiến sẽ chuyển đi nơi khác, bất chấp những lời kêu gọi hành động này của các nhà hoạt động và một số chính trị gia ở Mỹ, Canada và châu Âu. IOC nói rằng thế vận hội là về thể thao, không phải chính trị và sẽ tiếp tục. Các công ty tài trợ cũng không thay đổi sự ủng hộ của họ. Nhưng khi thế vận hội đến gần, những lời kêu gọi tẩy chay sẽ ngày gia tăng. Năm 2008, khi Bắc Kinh tổ chức các trò chơi mùa hè, một số nhà hoạt động đã gọi sự kiện đó là “Thế vận hội diệt chủng” vì Trung Quốc ủng hộ Sudan, hồi đó tiến hành các vụ giết người hàng loạt ở Darfur. Lần này, mặc dù nỗi kinh hoàng ở Tân Cương không liên quan đến việc giết người hàng loạt, nhưng bản chất của hành động đàn áp, nhìn chung, vẫn được xem là diệt chủng.
Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia có thể không tham gia, cũng như một số vận động viên. Tổng thống Mỹ, Joe Biden, vẫn chưa nói rõ ông ấy sẽ làm gì. Nhưng không chắc ông ấy hoặc bất kỳ quan chức cấp cao nào khác của Mỹ sẽ tham dự, vì cách họ đã gọi các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương. Mitt Romney, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đã viết trong tháng này rằng Hoa Kỳ nên cử các vận động viên của mình nhưng kêu gọi khán giả, trừ gia đình của những người tham gia, không đi. Dù sao đi nữa Trung Quốc cũng có thể quyết định tiếp tục các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, nếu nước này lo ngại sự trở lại của Covid-19. Vào ngày 20 tháng 3, Nhật Bản cho biết khán giả từ nước ngoài sẽ bị cấm tham gia Thế vận hội Tokyo, bắt đầu vào tháng 7, vì đại dịch.
Các công ty tài trợ cho thế vận hội sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Zumretay Arkin thuộc Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, một nhóm có trụ sở tại Đức, cho biết bà và các nhà hoạt động khác đang tiếp cận các công ty này “từng hãng một” và nếu cần thiết sẽ “nêu tên công khai và bêu xấu” họ. Các nhà vận động đã bắt đầu với Airbnb, một công ty cho thuê nhà của Mỹ. Đây là một trong những nhà tài trợ chính cho Olympic của IOC, bao gồm Coca-Cola, Samsung và Visa. Airbnb đã ký hợp đồng tài trợ vào tháng 11 năm 2019, khi các trại cải tạo mới ở Tân Cương đã được nhiều người biết đến.
Vào ngày 23 tháng 3, hơn 190 nhóm đại diện cho Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và các vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc đã gửi một bức thư công khai cho Brian Chesky, sếp của Airbnb. Kêu gọi ông ta rút lại tài trợ của công ty mình hoặc “có nguy cơ bị mang tiếng” do liên kết với thế vận hội này. Được The Economist liên hệ, Airbnb đã không trả lời cụ thể về bức thư này hoặc bình luận về thế vận hội. Một nữ phát ngôn viên đề cập đến một tuyên bố do công ty đưa ra vào tháng 1 thừa nhận một số đối tác của Airbnb ở Trung Quốc đã vi phạm chính sách của công ty này khi từ chối khách hàng là người dân tộc thiểu số. Tuyên bố cho biết các danh sách cho thuê có vẻ phân biệt đối xử sẽ bị xóa.
Một bức thư tương tự đã được gửi tới Grant Reid, giám đốc điều hành của Mars Wrigley, cũng sẽ sớm được công bố. Vào tháng 12 năm 2019, nhà sản xuất đồ ngọt đã đạt được thỏa thuận với ủy ban Olympic Bắc Kinh rằng Snickers, một sản phẩm Mars Wrigley nhân đậu phộng, sẽ là “sô cô la chính thức” của thế vận hội. Công ty đã không trả lời yêu cầu bình luận. Các giám đốc điều hành của Coca-Cola và Visa, những người làm việc về các vấn đề trách nhiệm xã hội cũng không trả lời khi được mời thảo luận về các thỏa thuận Olympic của công ty họ.
Vào ngày 18 tháng 3, bà Arkin của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, cùng với các nhà vận động cho nhân quyền ở Tây Tạng, đã tổ chức một cuộc họp ảo với các quan chức IOC để nêu lên những lo ngại của họ. Vào năm 2015, IOC đã nói với các nhà hoạt động rằng họ đã nhận được “sự đảm bảo” từ các quan chức Trung Quốc trong quá trình đấu thầu liên quan đến nhân quyền và họ tin tưởng rằng điều lệ Olympic sẽ được tôn trọng. (Hiến chương khuyến khích “tôn trọng các nguyên tắc đạo đức cơ bản phổ quát” và “bảo tồn phẩm giá con người”.) Nhưng các quan chức IOC đã thận trọng trong các bình luận của họ về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc khi nước này tổ chức Thế vận hội vào năm 2008, bất chấp một cuộc đàn áp an ninh tàn bạo về tình hình bất ổn ở Tây Tạng năm đó.
Các quan chức IOC nói rằng tẩy chay làm hại các vận động viên và không có tác dụng: Liên Xô tiếp tục chiếm đóng Afghanistan trong tám năm sau Thế vận hội Moscow. IOC xa lánh Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, nhưng lưu ý rằng họ đã làm như vậy như một phần của một phong trào quốc tế rộng rãi được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Tuy nhiên, Nam Phi thiếu sức mạnh chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Tháng này, Thomas Bach, chủ tịch IOC, cho biết tổ chức của ông không phải là một “siêu cường”.
Các nhà hoạt động lo sợ tình trạng tương tự như năm 2008 sẽ lặp lại, khi Trung Quốc sử dụng thế vận hội để gián tiếp phô trương sức mạnh của mình. Hàng nghìn quân Trung Quốc đã biểu diễn trong lễ khai mạc, trong đó có cả trẻ em mang cờ Trung Quốc trong khi mặc trang phục truyền thống đại diện cho Tây Tạng và các dân tộc thiểu số khác của Trung Quốc. Đó là một bữa tiệc ra mắt của một cường quốc đang trỗi dậy.
Nhưng với sự tự tin mới đạt được của mình, Trung Quốc đã tạo ra những kẻ thù mới. Nếu Michael Kovrig và Michael Spavor, hai người Canada bị Trung Quốc bắt nhằm trả đũa việc giam giữ một giám đốc điều hành Huawei ở Canada, vẫn bị giam giữ, thì sẽ có sự tức giận không nhỏ ở Canada, một siêu cường Thế vận hội Mùa đông. (Trong những ngày gần đây “hai Michaels” đã ra hầu tòa trong một vụ xét xử kéo dài một ngày, sau hơn hai năm ngồi tù.) Nếu Trung Quốc duy trì áp lực kinh tế đối với Australia, những lời kêu gọi tẩy chay có thể tăng lên ở quốc gia đó. Ở châu Âu, các quan chức tức giận về các lệnh trừng phạt do Trung Quốc áp đặt vào ngày 22 tháng 3 chống lại các nhà lập pháp và học giả để đáp lại các lệnh trừng phạt Tân Cương của EU. Nếu phong trào tẩy chay Olympic có được đà, đó có thể là do hành vi của Trung Quốc ở nước ngoài cũng như do sự đàn áp của họ ở trong nước.
Nguồn: The Economist