VNTB – Cải cách tư pháp qua lăng kính đảng chính trị

VNTB – Cải cách tư pháp qua lăng kính đảng chính trị

Khánh Hòa

(VNTB) – Đảng chính trị ở Việt Nam hiện chỉ có một, không phải chịu sự cạnh tranh nào về quyền lực trong chính trị cả ở Quốc hội lẫn Chính phủ. Như vậy, cải cách tư pháp đang đặt ra từ phiên giám đốc vụ án Hồ Duy Hải, cho thấy có lẽ cần đến lăng kính đa chiều hơn, thích hợp hơn với thế giới, mặc dù Việt Nam là độc đảng chính trị cầm quyền.

Hôm 17-5 trên trang Việt Nam Thời Báo, tác giả Lâm Viên có đặt vấn đề trách nhiệm trong cải cách tư pháp, qua việc dẫn chứng 3 tên tuổi cụ thể là: Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng (*).

Sắp tới đây, trong nhiệm kỳ mới của đảng chính trị, rất có thể chấm dứt chức danh Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương. Lý do: Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, coi như đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Có lẽ lại sẽ có một quyết sách tiếp theo cho vấn đề tư pháp do Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới ban hành.

Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Bình, từ vụ việc lùm xùm tranh luận hiện tại giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với Tòa án nhân dân tối cao quanh phán quyết ở phiên giám đốc thẩm vụ án giết 2 mạng người ở bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An đêm 13-1-2008, đưa đến vấn đề sẽ giải quyết ở cấp Quốc hội theo trình tự tố tụng, cho thấy chỉ riêng trong ngành tòa án, cần thiết việc Việt Nam có những thay đổi phù hợp với thế giới.

Luật sư Nguyễn Thanh Bình, nhận xét: “Thẩm phán đại đa số các nước trên thế giới, chủ yếu là các nước có nền tư pháp tranh tụng rất khác với thẩm phán nước ta. Thẩm phán các nước là người trọng tài, cầm cân, trung lập và hoàn toàn khách quan. Về hình sự, thẩm phán không phải là người buộc tội. Chức năng này thuộc về công tố. Trong lĩnh vực phi hình sự, thẩm phán là người là người thu nhận và cân nhắc cân, đo chứng cứ mà các bên xuất trình, giao nộp. Quyết định, phán quyết được thẩm phán công bố là thuộc quyền của bồi thẩm đoàn.

Ở Việt Nam, thẩm phán là một trong ba thành phần tham gia buộc tội đối với án hình sự, và bên duy nhất có quyền quyết định giải quyết vụ án và các loại việc phi hình sự. Vì chỉ có quyền nên thẩm phán Việt Nam dễ bị chi phối bởi cảm tính và tác động lợi ích vật chất, quyền hành. Họ hay bị cay cú, cảm xúc, hằn học, hiếu thắng khi có những tiếng nói trái chiều, khách quan không phù hợp với ý chí chủ quan của họ. Tình trạng đó dẫn đến thảm trạng thượng tôn quyền hành hơn pháp luật. Không bao giờ chịu nhận oan sai…!”.

Có thể kiểm chứng phần nào nhận xét trên của luật sư Nguyễn Thanh Bình qua chuyện ‘lời qua – tiếng lại’ trên báo chí, mạng xã hội và cả sự tham gia của giới ‘dư luận viên’ ở hiện tại từ vụ án bưu cục Cầu Voi; trong đó có quá nhiều sai sót ở giai đoạn điểu tra ban đầu đầy khó hiểu, và càng khó hiểu hơn là hiệu ứng domino sau đó của cả nền tư pháp trong việc buộc tội nhưng không rõ ràng chứng cứ kéo dài đã 12 năm ròng.

Và đến nay thì tất cả giới luật sư đều cay đắng nhận ra sự thất bại lớn nhất của mình khi tham gia án hình sự, đó là nếu không có tình tiết ngẫu nhiên thì Nguyễn Thanh Chấn, cũng như Huỳnh Văn Nén trước đây, vĩnh viễn không bao giờ được minh oan. Hệ thống tư pháp vĩnh viễn không thừa nhận oan sai, ít ra là cho đến lúc này mà gần như ai cũng thấy rõ qua phiên giám đốc thẩm vụ huyết án bưu cục Cầu Voi hồi thượng tuần tháng 5-2020.

___________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-dau-an-nguyen-phu-trong-trong-vi-tri-truong-ban-chi-dao-cai-cach-tu-phap-trung-uong/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)