VNTB – Cái đồ… bợ đít!

VNTB – Cái đồ… bợ đít!

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Dân miền Nam nhiều khi chỉ nói gọn thay cho lời nhận xét: “cái đồ… bợ đít!”

“Bợ” ở đây là ‘nịnh bợ’. “Bợ đít” xem ra là một kiểu nịnh bợ công khai để ai nhìn vào cũng thấu rõ đâu là ‘quan thầy’ mà kẻ nịnh đang muốn kiếm chút ơn mưa móc.

Các kiểu nịnh cũng khá rôm rả: ninh bợ, nịnh hót (nịnh nọt và ton hót chuyện), nịnh nọt (nịnh bằng cách luồn cúi hèn hạ), nịnh đầm (chỉ nịnh phụ nữ để lấy lòng), nịnh thần (chỉ chung những kẻ dưới gian nịnh)… cho đến nịnh thối. Và trong vô số kiểu nịnh đó, khi nói ‘cái đồ bợ đít’ là đủ diễn tả cho mọi cung bậc.

Hồi đầu năm 2019, công luận phải bật cười về một câu liên quan đến ‘bợ đít’ mà ngài thủ tướng bút phê trong “Đề án Văn hóa công vụ”. Các biên tập ở tòa soạn không hẹn mà cùng gặp nhau ở việc chọn rút tít tựa cho bản tin thời sự về đề án này, là “Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng”. Thật ra, nội dung đó chỉ được ghi đúng một dòng trong đề án, đoạn nói về quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với lãnh đạo cấp trên.

Nói cho ngay thì có lẽ những người chấp bút soạn thảo đề án này nghĩ đơn giản thôi, chẳng qua đây là thói hư tật xấu của người đời đã được “hành chính hóa” trong một đề án về văn hóa công vụ có nhiều điểm trùng lắp với nội dung các pháp lệnh về cán bộ – công chức, hay các nghị quyết về cải cách hành chính được ban hành trước đây.

Thế nhưng oái oăm ở chỗ là chỉ cần tò mò thêm chút xíu thì quả tình chẳng dễ trả lời như thế nào là mục đích không trong sáng, như thế nào là nịnh?

Có một câu chuyện cải biên thế này nói về chủ đề nịnh ở xã hội Việt Nam lúc này. Chuyện được lấy nhân vật đệ nhất tham quan Hòa Thân bên tận xứ Tàu:

Ngày nọ có viên quan đến cà phê với Hòa Thân. Viên quan tình thiệt hỏi ngay sau khi đọc một lệnh cấm bợ đít trong bóng tối: “Nhưng nếu sếp thích ‘trong sáng’ thật, yêu cầu không cho nịnh thì sao?”.

Hòa Thân cười: “Sao không cho nịnh được? Sếp có định nghĩa được rõ ràng như thế nào là nịnh không? Nịnh thiên hình vạn trạng, có cả một luận văn tiến sĩ về nịnh, sao xác định được mà không cho?”

Viên quan vẫn cố chấp: Nhưng… lỡ sếp không thích nịnh thì sao, sếp phải thích nịnh thì tại hạ mới nịnh thành công chứ?

Hòa Thân cười: “Ông ngây thơ quá. Ông nhìn xem, hiếm có sếp không thích nịnh lắm. Ngay như vua Càn Long thông minh thế mà cũng thích ta nịnh, lão Lưu Dung không nịnh nên lãnh khổ, thấy không?”

Trong những bài giảng luân lý, người ta luôn xem khinh những ai giỏi nghề ‘bợ đít’. Người ta hay nhắc tới Tuân Tử (313-235 trước Công nguyên), nhà tư tưởng Trung Hoa thời Chiến quốc, đã nói: “Người ta chê mà chê phải là thầy của ta vì hơn ta tầm hiểu biết. Người ta khen mà khen phải là bạn vì hiểu được ta. Người vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.

Chê hiện nay thì còn tùy tâm thế ‘bề trên’ vui buồn mà có thể coi là ‘phản biện’, hay ‘phản động’.

Còn khen, thì nhiều khi còn là ‘khen cho chết’, khen cho một người đã sức cùng lực kiệt song lại nghĩ mình vẫn đương xuân để ráng mà chèo mà chống – điều ấy khác nào ông thầy thuốc quên giở trang sau của bài thuốc gia truyền “Phúc thống phục nhân sâm” ở dòng cuối trang này, để rồi chẳng dè đến khi ‘có biến’, giở sang trang tiếp theo là hai chữ “tắc tử” – “đau bụng uống nhân sâm… đương nhiên chết”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Van Do 4 years

    Người này rất kém tiếng Việt,
    Bợ là đỡ lên, nâng lên, bưng lên. Thướng nói “bợ đỡ”
    Nịnh bợ là nịnh và bợ.