VNTB – Cải hóa để tìm đất sống cho báo chí tuyên truyền

Hiền Nghi (VNTB) Báo chí Việt Nam vốn dĩ là dùng để tuyên truyền, nhưng tuyên truyền với ngôn từ đặc sánh sự lạc quan và bề trên, tất nhiên có phần giả dối của Đảng cầm quyền, thành ra, muốn hoàn thành nhiệm vụ, báo chí cách mạng buộc phải cải hóa một phần hoặc 100% nhằm thu hút bạn đọc.

Âu đó cũng là số phận chung của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nơi hàng trăm tờ báo, tin đài có chung… một Tổng biên tập.

Báo chí với nhiệm vụ sống còn

Từ khi miền Bắc “giải phóng miền Nam”, báo chí Việt Nam cũng được xác lập tính năng “tuyên truyền.”.
Ngôi trường đào tạo báo chí lớn nhất cả nước hiện nay cũng mang tên Học viện báo chí và tuyên truyền.
Nói đâu cho xa, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra sáng nay, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đề ra “6 nhiệm vụ trọng tâm của công tác báo chí trong năm 2015” thì trong đó, 3 nhiệm vụ đầu đã phải lãnh nhiệm vụ nặng nề là “Tiếp tục tuyên truyền tốt hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết; đẩy mạnh tuyên truyền tạo không khí phấn chấn trong toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân bước vào Đại hội Đảng; tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm 2015: 85 năm thành lập Đảng; 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9…”
“Tuyên truyền” – Nhiệm vụ cao cả và vinh quang ấy lại là một nhiệm vụ nhọc nhằn, không phải vì nó quá khó trong cách viết (theo văn bản, định hướng), mà khó bởi phải tuyên truyền trong một thế giới phẳng, một thế giới đa chiều, đa màu sắc thông tin, nhất là khi xuất hiện mạng xã hội.
Thành ra cái tin định hướng, và có phần giả dối ấy phải đối diện với “thế lực thù địch” ở khắp nơi, từ các trang tin nước ngoài, facebook cho đến chính các trang tin độc lập trong nước.
Định hướng và tuyên truyền 1 chiều dần trở nên không có đất sống. 
Có thể nhìn nhận thực trạng đó qua tờ báo Nhân Dân, tờ báo tin tức thì ít mà tuyên truyền “đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước” thì nhiều, mà tuyên truyền thường đi kèm bao biện, trong sự bao biện đó, nó thoát ly ra khỏi thực tiễn cuộc sống và thời đại.
Và nếu không có sự chống lưng từ ngân sách, thì tờ báo Nhân Dân được biếu không cho các cơ quan nhà nước đó hẳn sẽ phải chết từ lâu.
Nhưng “nhiệm vụ” của báo chí được cơ quan tổng quản là Ban tuyên giáo T.Ư tiếp tục hoạch định và gắn chặt tính “tuyên truyền”, thành ra báo chí Việt Nam lại rơi vào trạng thái sống dở, chết dở.
Bởi muốn tuyên truyền được thì phải có người đọc, muốn có người đọc thì phải buộc cải hóa tờ báo một phần hoặc gần như toàn phần.
Thành ra, không hiếm những tờ báo thuộc sở hữu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên Hiệp Phụ nữ, rồi Liên hiệp Hội Thanh Niên Việt Nam… trở thành “diễn đàn” đấu đá, cãi vã không ít “ngôi sao” hở vú, hở mông, với ngôn từ “sốc, choáng, sốt, nóng” – nhất là mảng văn hóa và tất nhiên, nó thu hút độc giả, cổ vũ cho lối sống thực dụng và tạm thời. 
Báo Việt Nam cải hóa để có đất sống, gánh vác nhiệm vụ tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng. Ảnh: Reuters.
Chính sự cải hóa đó, phục vụ cho mục đích “định hướng dư luận xã hội của báo chí” như ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí bày tỏ.
Đi tìm đất sống cho báo chí tuyên truyền
Nhà báo Hữu Thọ than thở trong buổi Hội thảo khoa học “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” rằng: “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay”.
Nhìn lại toàn cảnh báo chí Việt Nam, chỉ thấy sự thật và sự dấn thân trong nghề báo đã trở nên hiếm hoi, trong khi bồi bút và bẻ cong ngòi bút lại quá nhiều! 
Báo chí quốc doanh lại chính là một nền báo chí cách mạng… cẩu thả!
Cẩu thả, lá cải, vô đạo đức, kền kền ăn xác thối. Tất cả những điều này, là sự thể hiện của bế tắc của đại đa số người cầm bút.
Nhưng vì sao lại ra nông nổi đó?
Xin trả lời ngay qua trường hợp Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (báo Gia đình và Xã hội) – người đã bị mất việc vì “ngu dại” viết blog, phê phán sự sai trái trong chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 
Nhà báo muốn sống được ở Việt Nam cần biết nói không với những góc tối của đời sống chính trị – kinh tế và nói có với thông tin, phản ảnh lối sống phù phiếm. 
Không ít phóng viên, nhà báo khi đi thực tế, điều tra tham nhũng thì liền nhận được sự cảnh báo từ cấp trên và hăm dọa tứ phía. Họ cô độc như chính cái nghề nghiệp vốn là cơ quan quyền lực thứ 4 ở các nhà nước, giờ đây chỉ độc mỗi nhiệm vụ quan trọng là “định hướng chủ trương, đường lối” vậy.
Ngay như buổi giao ban báo chí đầu Xuân Ất Mùi 2015, giao nhiệm vụ nặng nề cho báo chí lại là vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, và đòi hỏi báo chí có cả “đòi hỏi cao về chất lượng, hiệu quả, cả về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, triển khai thông tin tuyên truyền…”
“Trên đe, dưới búa”, định hướng thông tin nhằm bảo vệ cho giai cấp cầm quyền đã khiến cho nền báo chí co hẹp, run rẩy, sợ hãi. Các nhà báo hình thành tâm lý e ngại khi đụng đến những mảng nóng bỏng của nhà nước, của đời sống chính trị – xã hội, và họ tìm một vùng an toàn hơn, đó là… tin lá cải, tin mì ăn liền.
Nền báo chí Việt Nam mâu thuẫn như chính ông Hữu Thọ người vừa là nhà báo, nhưng lại từng là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)