Lynn Huỳnh
(VNTB) – Trang web của trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã bất ngờ “đưa lên trở lại” bản luận án bảo vệ học vị tiến sĩ, “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng” (*)
Gọi là “đưa lên trở lại”, vì trước đó khi bắt đầu bùng lên dư luận từ tố cáo nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường đã có hành vi đạo văn trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, thì Viện sau đại học – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã ‘tháo’ nội dung luận án này xuống. Chỉ đến khi tin tức về khởi tố vụ án, khởi tố bị can được công khai, thì luận án này được “đưa lên trở lại”. Liệu nội dung có gì thay đổi hay không thì là điều khó đảm bảo, chỉ tin mỗi một điều là với bản luận án này, coi như cầm chắc những tố cáo về chuyện nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường đã “đạo văn” sẽ không còn đúng nữa.
Nghĩa là rất có thể vật chứng đã bị cố tình thay đổi. Việc thay đổi này khá đồng bộ, khi các trang mạng chuyên đăng tải về những luận án tiến sĩ, thì lần này có trang chọn khóa hẳn phần nội dung đề mục luận văn của nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường; có trang chọn ‘tháo’ bản cũ để ‘cập nhật’ bản mới – trong đó đáng chú ý là ở tập tin mang tên “MUCLUC1”, có một trang đăng “Lời cam đoan” của nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường, nội dung như sau:
“Tên tôi là Bùi Văn Cường – Nghiên cứu sinh chuyên ngành Khoa học hàng hải và tác giả luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, dưới sự hướng dẫn của tập thể người hướng dẫn khoa học: Thầy NGND. GS. TS. Lương Công Nhớ và thầy PGS. TS. Phạm Kỳ Quang, thực hiện tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Bằng danh dự của bản thân, nghiên cứu sinh cam đoan rằng:
– Luận án này là công trình nghiên cứu của riêng nghiên cứu sinh, không có phần nội dung nào được sao chép một cách bất hợp pháp, từ công trình nghiên cứu của tác giả hay nhóm tác giả khác;
– Các số liệu, kết quả nghiên cứu được nêu trong luận án, chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác trước đó;
– Các thông tin, số liệu trích dẫn, tài liệu tham khảo trong luận án đều được chỉ rõ về xuất xứ, nguồn gốc và đảm bảo tính trung thực./.
Hải Phòng, ngày 28 tháng 3 năm 2018
Nghiên cứu sinh
(Đã ký)
Bùi Văn Cường”.
Trong tập tin “MUCLUC1”, có đăng nội dung như sau: “Nghiên cứu sinh trân trọng cám ơn và cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp và nhận xét từ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, cán bộ công nhân viên trong và ngoài Nhà trường”.
Từ các nội dung ở trên cho thấy giả dụ như có hai ông tiến sĩ nào đó chỉ ra được cụ thể những hành vi được cho là dấu hiệu của gian lận học thuật ở luận án tiến sĩ “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, thì giờ đây tiến sĩ Bùi Văn Cường nhanh chóng có các phản hồi khoa học đúng như những điều đã cam kết lúc còn là nghiên cứu sinh.
Khi ấy xem ra mọi chuyện sẽ được giải quyết “tâm phục – khẩu phục”, thay cho việc bắt bớ hình sự với lý do viện dẫn của tội vu khống.
Mà thực ra cũng chẳng cần phải “thanh minh – thanh nga” chi cả. Nếu muốn biểu hiện quyền lực chính trị, giờ đây ông Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc chỉ cần gửi văn bản đề nghị Viện sau đại học – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, bổ túc tất cả các nội dung quen thuộc về quy trình trong luận án tiến sĩ; đó là, trước khi hoàn tất luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải viết rất nhiều bài với nhiều tiêu đề nhỏ – khoảng 3.000 chữ, đề trình bày và thảo luận với hai thầy hướng dẫn.
Mỗi tiêu đề nhỏ nầy có khi phải viết lại 2 hay 3 lần, sau khi ghi nhận ý kiến của thầy hướng dẫn về ý, cũng như về cách hành văn của nghiên cứu sinh cho phù hợp. Có thể nói rằng các bài viết của tiêu đề nhỏ được chỉnh sửa từng chữ từng câu văn trước khi trở thành một phần được kết hợp thành luận án tiến sĩ.
Sau khi đúc kết thành luận án với sự phê chuẩn của hai thầy hướng dẫn, luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh lại được cho duyệt xét lại bởi một người chuyên môn độc lập (Independent proofreader), trước khi gởi đi cho 3 giám khảo độc lập khác chấm điểm.
Trong giai đoạn này nhà trường tổ chức cho nghiên cứu sinh một buổi thuyết trình về cái luận án tiến sĩ của mình trước sự tham dự của các thầy hướng dẫn, các giảng viên và sinh viên trong trường. Buổi thuyết trình kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ bao gồm thời gian hỏi đáp. Đây là một tiến trình thực tập, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, chớ không có liên quan gì tới sự đánh giá cái luận án tiến sĩ cả.
Sau khi nhận được hồi âm của 3 giám khảo độc lập với lời phê bình, góp ý, nghiên cứu sinh gặp lại và bàn thảo với các thầy hướng dẫn. Sau đó điều chỉnh lại các điểm được thỏa thuận của hai thầy hướng dẫn dựa theo các lời phê bình của 3 giám khảo, rồi được tái duyệt một lần chót của thầy hướng dẫn trước khi cho đóng thành 5 cuốn sách bìa cứng gởi cho Ban Giám Khảo của nhà trường để được chuẩn phê, và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tiến sĩ trước khi nhận bằng tiến sĩ trong một buổi lễ tốt nghiệp.
Lưu ý, bằng tiến sĩ có thể coi như là một thước đo mức độ kiến thức của con người trong một lãnh vực chuyên môn nào đó, để người mang học vị tiến sĩ có thể được bổ nhiệm đảm trách một chức vụ tương ứng, với hy vọng họ hoàn thành công tác tốt nhờ có kiến thức chuyên môn của họ.
Theo như các nội dung kể trên về quá trình đi đến một luận án tiến sĩ, giả dụ đúng là có hành vi vu khống tiến sĩ Bùi Văn Cường ở đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, thì ngoài chuyện “bỏ tù” những người vu khống, cần thiết phải bổ nhiệm tiến sĩ Bùi Văn Cường theo đúng ngành nghề chuyên môn sâu – ở đây có thể ông Bùi Văn Cường sẽ là Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng; hoặc nếu ở vị trí cao hơn, có thể là Cục trưởng Hàng hải, thậm chí có thể là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải…
Ông Bùi Văn Cường cần được Đảng và Nhà nước đặt lòng tin vào trình độ kiến thức chuyên môn có học vị tiến sĩ, để giao trọng trách cho ông Bùi Văn Cường vào những chức vụ thích hợp hơn so việc là Bí thư Tỉnh ủy một địa phương không có tài nguyên biển như Đắc Lắc.
_______________
Chú thích: