VNTB – Cấm, hạn chế xe máy: để tôi nói cho mà nghe

VNTB – Cấm, hạn chế xe máy: để tôi nói cho mà nghe

Vi Tiểu Bảo

(VNTB) – Bàn chuyện ‘xe pháo’ để bớt xì trét ám ảnh về nhiều ca tử vong Covid do ‘bệnh lý nền’ ở Việt Nam.

 

Nói về vấn đề cấm, hạn chế xe máy trong xã hội hiện đại, nhiều ý kiến trái chiều, ủng hộ có, bác bỏ cũng không ít. Có thể nói, những quan điểm không đồng tình (như đường sá còn nhỏ, hẻm nhiều, khi cấp cứu sẽ như thế nào, tiện lợi cho việc đi lại, phương tiện mưu sinh của nhiều người…) là hợp lý. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, việc cấm, hạn chế xe máy cũng sẽ có lợi ích, dĩ nhiên là phải đạt được những mục đích và yêu cầu đề ra.

Có thể nói, so với nước ngoài, giá xe hơi ở Việt Nam ‘mắc bà cố luôn’. Chi phí sinh hoạt, học hành, ăn uống; thêm một khoản cho những rủi ro như thời gian dịch Covid-19 kéo dài không buôn bán được, bệnh tật đến mức phải vào nhà thương…, vì vậy, để một lao động bình dân sở hữu một chiếc xe hơi, có lẽ phải thắt lưng buộc bụng chắt mót lâu lắm.

Còn đối với những gia đình được ông, bà tổ tiên để lại cho một ít đất đai, dễ dàng bán đi xẻo đất nào đó để tậu về chiếc xe hơi cho việc đi lại, mưu sinh. Như vậy, có thể nói, hóa ra tiện ích đầu tiên từ việc đề xuất cấm xe máy, là thúc đẩy cho đời sống nhân dân phát triển bằng chuyện ‘ai có đất bán đất’ tổ tiên để lại?

Một tiện ích thứ hai của việc cấm xe máy, đó là sẽ cải thiện được chất lượng đường sá, nhà ở. Bởi đối với những ai sinh sống ở trong hẻm – thực tế là ở một vài con đường thuộc quận Bình Thạnh – Sài Gòn, có những con hẻm chỉ thích hợp cho một lượt xe gắn máy đi vào hoặc đi ra. Nếu có xe nào đi ngược chiều, phải tìm một góc nào đó phù hợp đứng vào, giống như trong câu chuyện dê trắng – dê đen vậy. Với những người bệnh ở trong hẻm, cấm xe máy, đi bộ ra đầu đường (nếu đường ngoài có xe buýt) rồi leo lên xe buýt chờ…. Trong khi đó, với người bệnh, thời gian là vàng bạc.

Đó là câu chuyện đi lại ở thành phố giàu có bậc nhất quốc gia, còn ở quê, thực tế có những con đường, hai bên là ruộng, chỉ phù hợp cho việc đi bộ hoặc một chiếc xe máy đi vào. Cũng có những căn nhà ở tít sâu bên trong. Nếu có những người già hoặc người bệnh lội bộ từ trong nhà ra ngõ. Rồi lại đi thêm một đoạn từ ngõ ra bến xe buýt. Phải chăng các “đề xuất gia” đang muốn họ tập thể dục cho sức khỏe tuổi già?

Chính vì vậy, cấm xe máy, tức là chính quyền sẽ phải tốn một cái gì đó cho việc quy hoạch lại nhà ở. Còn ở quê, làm thế có nghĩa là khuyến khích người nông dân bỏ ruộng?

Với đề xuất việc cấm, hạn chế xe máy, phải chăng các “đề xuất gia” còn muốn tạo điều kiện cho nhiều người đổi nghề? Đó là những bác xe ôm già, không thể làm việc khác; những ông thợ bơm bánh xe, sửa xe; những người chở nước đá, chở gas…? Thử làm một giả định, gạt bỏ hết tất cả, cấm xe máy, thì những người ủng hộ ý kiến đó sẽ tìm việc làm thay thế cho tất cả những người kể trên (và những người nằm trong dấu ba chấm). Hay đó sẽ phải là trách nhiệm của những cơ sở hỗ trợ việc làm, còn với những người ủng hộ thì mặc kệ, nằm ngoài phạm vi của mình rồi?

Nếu chưa giải quyết được những vấn đề về dân sinh, đời sống của người dân còn khó khăn – cấm xe máy là phần nào gián tiếp buộc một số người phải đổi nghề, với những người nghèo khó thì quả thật… bất nhẫn, đường sá còn lởm chởm thì thôi xin các “đề xuất gia” đừng đưa ra một đống lý do phải này phải nọ, đưa ra hết quốc gia này tới quốc gia khác rồi kêu Việt Nam mình phải noi theo.

Đồng ý là thời buổi hội nhập, nhưng Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, có truyền thống bản sắc riêng, tìm hiểu đầy đủ, học hỏi phải chọn lọc sao cho phù hợp với đời sống của mình, chứ không phải là một bản sao nào hết.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Phạm Gia Hân 4 years

    Họ nhìn các nước đã phát triển bắt chước đó mà. NHƯNG bẳt chước KHÔNG tới. Đường sá người ta thế nào thì không bắt chước. Một DÂN tộc chưa lớn đã bị ép già…

  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn 4 years

    Đề xuất của bọn 🐖