VNTB – Cam kết là gì mà buộc người dân phải ký?

VNTB – Cam kết là gì mà buộc người dân phải ký?

Phú Nhuận

(VNTB) – Bản cam kết là loại văn bản có giá trị pháp lý giữa các bên ký cam kết, trong trường hợp nếu bên nào không làm đúng nội dung trong cam kết thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tin tức cho biết, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) lý giải yêu cầu ký bản cam kết là thực hiện theo thông báo kết luận của Bộ Y tế. Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu ai không tiêm vắc-xin phòng Covid thì ký cam kết chịu trách nhiệm nếu làm lây lan dịch bệnh. Dù vậy, đến nay Bộ này cũng không hướng dẫn gì thêm việc chịu trách nhiệm ra sao.

Đại diện HCDC cho biết điều khoản xử phạt vi phạm nếu không tiêm dẫn đến lây lan dịch bệnh thì có thể áp dụng theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Có ý kiến rằng ký cam kết hay không ký cam kết trước hết phải thượng tôn pháp luật, trên cơ sở bình đẳng giữa hai bên. “Không có chuyện tôi ký cam kết nhưng bên cơ sở tiêm lại không ký. Tôi đồng ý tiêm mũi 4, nhưng nếu tiêm xong mà tôi tử vong vậy bên tiêm ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” – một người dân thắc mắc.

Băn khoăn khác, “vậy chích rồi thì ai ký giấy cam kết đảm bảo cho tôi không bị nhiễm Covid, không lây lan cho người khác? Gia đình tôi còn mẹ già cha già ở nhà nữa, tôi còn là lao động chính ở nhà, có chuyện gì thì gia đình ai lo? Cần lời giải thích”.

Gay gắt hơn, theo người dân thì trước đây khi đồng ý tiêm, cũng phải ký cam kết đồng ý nếu có rủi ro biến chứng hoặc phản ứng tác dụng phụ, giờ không muốn tiêm thì bắt ký cam kết chịu trách nhiệm? “Nếu như tốt cho dân thì dân sẽ tự nguyện đăng ký rồi mấy ông bà ạ. Bỏ thói áp đặt dùm đi”.

Một nhân viên y tế từng tham gia ở bệnh viện dã chiến Covid hồi năm ngoái, cho rằng cấp lãnh đạo Bộ Y tế dường như “thiếu lâm sàng”, bởi dịch bệnh giờ như ‘vô hình’ và ‘thả rông’, không còn tổ chức truy vết như mấy đợt đầu nữa, mà cũng khó xác định thời điểm bắt đầu nhiễm Covid vì triệu chứng có khi không rõ ràng. Do vậy nên buộc ký cam kết là điều mà nếu dịch xảy ra thì không dễ củng cố chứng cứ cho buộc tội một ai đó chưa chích ngừa Covid gây ra.

Ngày 26-6-2022, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang cho biết, kế hoạch triển khai tiêm mũi nhắc lại chưa được người dân đồng thuận cao do tâm lý e ngại.

Theo số liệu cập nhật của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 25-6, đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 được 186.894 người, chỉ đạt tỉ lệ 35,97% (186.894 người/519.550). Tiêm mũi nhắc lại lần 2 được 82.477 người, đạt tỉ lệ 44,13%.

Một luật sư phân tích rành mạch như sau về chuyện nếu có quy định “ký cam kết” thì đó là văn bản vô hiệu:

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều 29 về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Với Covid-19, ngày 1-4-2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19, là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc (danh mục). Độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch. Với quy định hiện hành, tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vắc xin cho trẻ 5 – 12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 tự nguyện hơn là bắt buộc. Việc sử dụng vắc xin Covid-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vắc-xin này với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… Ngoài ra, các vắc-xin Covid-19 được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả sử dụng.

Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vắc-xin Covid-19 chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)