Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Cảm nghĩ về chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị

Nguyễn Huy Canh
     (VNTB) Việc ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ chính trị, sang thăm và làm việc với các chính khách Hoa Kỳ ngày 21/7 vừa qua đã có rất nhiều bài viết, bình luận về lí do, mục đích, ý nghĩa của sự kiện này.
 

Thượng nghị sĩ John McCain nhận bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch từ Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị – Ảnh: P.T.L (Tuổi trẻ)

     Ông Phạm Chí Dũng thì nhìn thấy dấu hiệu về một sự cởi mở và những lựa chọn cao hơn của đảng trong quan hệ với Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, nhà văn Phạm Đình Trọng lại nhìn thấy như một cách PR hình ảnh của ông Nghị, và là một cử chỉ cáo lỗi của phía VN, khi ông ngoại trưởng Phạm Bình Minh bị lỡ hẹn sau lời mời của ngoại trưởng Hoa Kỳ.
     Đây là những nhận xét, những bình luận sâu sắc và tích cực. Chỉ tiếc là với nhà văn Phạm Đình Trọng, những dòng tư duy của ông có phần cay đắng, và nghiệt ngã hơn được đọng lại trên văn bản.
     Tôi muốn đi tìm thêm một cách suy nghĩ khác từ những ấn tượng trong lần gặp gỡ, làm việc của ông Nghị với Thượng nghị sĩ John McCain.
     Trong khi đi thăm tòa nhà quốc hội, được Thượng nghị sĩ John McCain giới thiệu về những bức ảnh của các thượng nghị sĩ nổi tiếng của Mỹ được treo trước đó, ông Nghị đã có một câu hỏi đại ý: “Sau này, ảnh của ngài được treo ở đâu?”. Đó là một câu hỏi rất đỗi gần gũi, chân tình, rất cá nhân, không kiểu cách, và cầu kì.
Đặc biệt hơn là món quà kỉ niệm mà ông trao tặng cho ngài thượng nghị sĩ – hai bức ảnh bên hồ Trúc Bạch.
Tôi cho đây là một cử chỉ rất chân tình , chân thật mà ông Phạm Quang Nghị dành cho ngài Thượng nghị sĩ John McCain. Bởi vì hai bức ảnh không chút giá trị gì về mặt nghệ thuật và vật chất. Đó chỉ là kỉ niệm một thời, một lịch sử riêng của cá nhân ngài thượng nghị sĩ đã trải ở trong đó được ghi lại (và có thể, chúng ta cũng thấy cả một kỉ niệm, và lịch sử khốc liệt, đau thương của hai dân tộc Việt, Mỹ nữa). Chỉ có lòng trong sáng và phẩm chất chân thực, vô tư của một cá nhân mới đem lại cho ông những cử chỉ và cách ứng xử đó. Và tôi cho rằng, ở mức độ nào đó cũng có thể nói, đó là tình cảm, sự chân thực của nhân dân, và nền văn hóa Việt Nam dành cho chính giới, nhà nước và nhân dân Hoa Kỳ trong mối quan hệ sâu sắc này – mối quan hệ giữa hai cựu thù đã được khép lại, được sang trang từ lâu. Và có thể, người Mỹ và nhân dân Mỹ sẽ cảm nhận được điều đó từ ông.
        Không cầu kì, kiểu cách theo các qui ước ngoại giao; không diễn giải các đại tự sự, đến với nhau bằng một sự chân tình, đó là ấn tượng, là ý nghĩa của chuyến đi Hoa Kỳ mà ông Phạm Quang Nghị đã có được.
        Có những câu hỏi về sự thành công, hay không của ông Phạm Quang Nghị trong chuyến công du này. Theo tôi – một người cũng đã trải nghiệm trong lịch sử đó, thì  đó là một thành công, và tôi tin chắc chính giới Hoa Kỳ sẽ có những động thái tích cực hơn trong quan hệ với nhà nước, và nhân dân ta sau chuyến đi này của ông.
Nguyễn Huy Canh
Bài viết thể hiện cách nhìn và nhận định riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

Rất nhạy cảm: Trước chuyến đi Mỹ của TBT Trọng, Tổng thống Obama gặp Điếu Cày *

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Thư gửi ngài Bộ trưởng Bộ GD và ĐT

Phan Thanh Hung

Báo Nhân Dân và “nền dân chủ chăn dắt”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.