VNTB – Cấm xe máy: chín người mười một ý

VNTB – Cấm xe máy: chín người mười một ý

Vi Tiểu Bảo

(VNTB) – Cấm xe máy hay hạn chế xe máy không phải là cách giải quyết tạm thời lẫn triệt để. 

Chiếc xe gắn máy hai bánh ở Việt Nam thường gây tranh luận từ những chính sách quản lý: từ việc nên hay không việc mở đèn xe buổi sáng (dù sau đó Bộ giao thông vận tải cũng vừa rút lại điều này), cho đến việc chi phí khí thải; từ nguyên nhân kẹt xe, tai nạn là do xe máy cho đến việc nên hay không cấm hoàn toàn xe máy…

Có thể nói, gây lùm xùm như thế mà chưa giải quyết được là do những ý kiến ấy chưa hoàn toàn thuyết phục được người dân. Một ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông xuất xứ là do xe máy. Tác giả cho rằng: “Một ông cụ già yếu tay run lẩy bẩy hay một thanh niên chưa đủ tuổi háo thắng, một bà cô đi chợ chưa có bằng lái… cũng có thể nhảy lên xe chạy được. Leo lề, luồn lách, chạy ngược chiều có đủ. Trong khi xe hơi (ôtô) không có bằng không thể lái được, sát hạch giấy phép cũng khó hơn xe máy rất nhiều”.

Cứ tạm cho lý do ấy là đúng. Nhưng chỉ là một khía cạnh.

Chạy xe máy hay chạy xe hơi, lẽ tất yếu mà ai cũng biết, có người chạy đàng hoàng cũng có người chạy ẩu. Cũng không khó tìm kiếm lắm cho những trường hợp xe hơi chạy ẩu, chạy ngược chiều đăng đầy trên mạng internet.

Sẽ có lập luận, xe gắn máy đi ngược chiều nhiều hơn, không cần phải tìm kiếm đâu xa, ra đường là có. Tôi đồng ý, nhưng cũng nên xét cho rõ. Bắt gặp dễ hơn là do số lượng xe máy nhiều hơn xe hơi, và có một số làn đường, xe máy muốn qua nhưng kẹt “con lươn” ngăn giữa. Họ cũng muốn đi đúng luật lắm, đi ngược chiều mà lỡ có tai nạn xảy ra, cuộc sống của họ và gia đình sẽ như thế nào?

Nhưng để đi đúng luật, họ phải đi rất xa mới có chỗ quay đầu xe, nhất là đối với những trường hợp cần kíp hay chở người đi bệnh viện cấp cứu bằng xe máy (có trường hợp gọi xe taxi, khi nghe gọi điện thoại kêu chở người đi cấp cứu, không có một xe nào tới) thì việc đi một đoạn quá xa để vòng lại có khi đã quá muộn cho cấp cứu của một đời người.

Một ý kiến nữa về xe máy – tức xe gắn máy hai bánh, họ cho rằng: “Không có đất nước phát triển, văn minh nào mà nhiều xe máy cả”. Tôi không rõ cái vấn đề là đúng hay sai nhưng thiết nghĩ, nếu xét phát triển hay văn minh của một đất nước mà phụ thuộc chủ yếu vào xe máy, thì theo tôi là có phần hơn võ đoán. Sở dĩ một chiếc xe máy ở Việt Nam được sử dụng nhiều, là do nó không chỉ phù hợp với túi tiền của người dân, mà còn phù hợp với nghề nghiệp của người dân.

Với một người lao động bình dân như chở nước đá, giao hàng, xe ôm, sinh viên đi dạy thêm… thì họ chỉ cần một chiếc xe gắn máy (trong đó có cả xe cũ) là họ có thể mưu sinh qua ngày, kiếm tiền gửi về cho gia đình, nuôi con cái ăn học. Trong khi đó, để có được một chiếc xe hơi, đối với một số người là điều mong muốn song lại vô cùng vất vả. Và có khi với công việc của họ cũng không phù hợp.

Những ý kiến về hạn chế xe máy, có thể không sai song người đưa ra ý kiến, lập luận ấy có thể chưa đặt mình vào vị trí của một người nghèo; mưu sinh kiếm cơm qua ngày đã khó, còn gặp cảnh hạn chế xe máy hay giam xe máy cũ, thì há chăng, cuộc sống đã khó nay còn khó hơn gấp bội, nhất là tình cảnh dịch corona.

Có thể nói, lỗi hoàn toàn không phải do xe gắn máy. Cấm xe máy hay hạn chế xe máy không phải là cách giải quyết tạm thời lẫn triệt để. Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành nên nghĩ cách nào cải thiện đường sá, cảnh sát giao thông nên tuyên truyền cho người dân về luật giao thông nhiều hơn thay vì phạt nặng hơn để người dân tốn tiền dẫn đến “nhớ đời”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)