Việt Nam Thời Báo

VNTB- Campuchia đu dây giữa Trung Quốc và Việt Nam

IPP Review, ngày 16/3/2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – “Nếu Campuchia đặt tất cả trứng trong một giỏ, họ sẽ bị thua thiệt. Campuchia cần càng nhiều giỏ càng tốt – lớn, trung bình và nhỏ “. Do đó, chọn Trung Quốc hoặc Việt Nam để loại trừ các vấn đề khác không phải là lựa chọn tốt nhất cho Campuchia. Lịch sử của Campuchia cho thấy rằng Campuchia đã từng lựa chọn một bên trong nhiều lần và đã dẫn đến thảm kịch.

   Tranh chấp biên giới Việt Nam – Campuchia diễn ra ngày càng dày đặc.


  
Campuchia hiện đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các thế lực ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Sự tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông và chính sách đối ngoại mù mờ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và tình hình khó dự đoán trong khu vực đã đẩy Phnôm Pênh vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và chiến lược lên Campuchia ngày càng tăng. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia và hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho nước này. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Việt Nam tại Campuchia. Cả Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác phát triển quan trọng của Campuchia. Trung Quốc cần sự hỗ trợ của Campuchia đối với một số lĩnh vực chiến lược then chốt như vấn đề Biển Đông, trong khi Việt Nam cũng tìm kiếm sự hợp tác của Campuchia trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Thách thức cho mối quan hệ ba bên
Mối quan hệ ba bên này tồi tệ trong quá khức. Campuchia được cai trị bởi chế độ Khmer Đỏ trong những năm năm 1975-79 với sự hỗ trợ hào phóng từ Trung Quốc. Việt Nam với sự hỗ trợ của Nga đã tiến đánh Campuchia vào cuối năm 1978 và đầu năm 1979 với lý do giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình là người bảo trợ Campuchia đã dạy Việt Nam một bài học khắc nghiệt bằng cách tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, quân đội Việt Nam vẫn ở Campuchia cho đến năm 1989.
Quyết định của Tòa án The Hague vào tháng 7 năm 2016 làm tình hình phức tạp hơn đối với các quốc gia Đông Nam Á và đặc biệt là Campuchia. Thông thường, Campuchia đã bị cáo buộc là bị thiên vị với phía Trung Quốc vì ảnh hưởng của viện trợ và đầu tư vô điều kiện của Trung Quốc. Các cáo buộc nhắm vào Phnom Penh khi năm 2012, trên cương vị là chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN, và sau đó là vào năm 2016 khi Campuchia bị cho là đã cản trở các nỗ lực của ASEAN để đưa ra một thông cáo chung với những lời mạnh mẽ nhằm buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa The Hague Cai và dừng hành vi bành trướng ngày càng tăng trong tranh chấp Biển Đông.
Như một số học giả đã lưu ý, kể từ cuộc họp cấp cao ASEAN năm 2012, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam dường như đã xấu đi. Campuchia đã ủng hộ “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, dẫn đến việc ASEAN không đưa ra một tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hàng năm lần thứ 45 tại Phnom Penh vào tháng 7 năm 2012. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN khi khối này không thể ra thông cáo chung vì Campuchia từ chối vai trò thường lệ trong việc tìm kiếm sự thoả thuận giữa mười thành viên ASEAN. Kết quả là, Campuchia bị chỉ trích bởi đồng minh thân cận nhất của họ là Việt Nam, các nước thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế vì thiếu một chính sách đối ngoại độc lập. Mặc dù Việt Nam mong muốn Campuchia ủng hộ lập trường của mình nhưng có vẻ như Campuchia đã chuyển sang ủng hộ Trung Quốc.
Một vấn đề nữa với Việt Nam là “Hội chứng Việt Nam” và chủ nghĩa dân tộc Cam-pu-chia trong tranh chấp biên giới giữa hai nước. Thái độ của Đảng Cứu nguy dân tộc Cămpuchia (CNRP) trong việc chống lại sự xâm lấn của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia tiếp tục góp phần làm xấu đi quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam. Theo Chheang Vannarith, căng thẳng liên quan đến biên giới có thể sẽ vẫn còn chừng nào các thế lực chính trị trong nước ở Campuchia tiếp tục phát triển theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tuy nhiên, theo quan điểm của Việt Nam, ngay cả với những vấn đề này, Campuchia vẫn là điều không thể thiếu đối với Việt Nam vì những truyền thống chia sẻ và lợi ích quốc gia. Hà Nội vẫn còn đang phải vật lộn với vị trí đặc biệt Campuchia đối với Việt Nam và làm thế nào để nhân tố đặc biệt này ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương của họ trong bối cảnh khu vực hiện nay.

Công thức các bên đều có lợi
  
Nhìn vào khía cạnh thương mại và đầu tư, thương mại song phương giữa Campuchia và Việt Nam đã có những biến động trong những năm gần đây. Theo Khmer Times, tổng vốn đầu tư từ Việt Nam là 2,86 tỷ USD, trong khi khối lượng thương mại hai chiều giữa Campuchia và Việt Nam đạt tới 3,37 tỷ USD vào năm 2015 và 2,38 tỷ USD vào năm 2016. Hai bên cam kết sẽ đưa thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015 nhưng không thành công. Ngược lại, thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đang gia tăng. Khối lượng thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đứng ở mức 4,4 tỷ đô la vào năm 2015 và dự kiến ​​sẽ đạt 5 tỷ đô la vào năm 2017.
Một điều lạc quan là cả ban nước đều có chung nhận thức về “người láng giềng tốt”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thường nhắc lại rằng Campuchia chỉ có thể phát triển chỉ khi có mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Việt Nam, một chính sách mà lãnh đạo Việt Nam cũng sẻ chia. Trung Quốc cũng đã thể hiện chính sách láng giềng tốt và thúc đẩy quan niệm về sự trỗi dậy hòa bình, bất kể Trung Quốc đang làm gì ở Biển Đông.
Với nhận thức chung này, Trung Quốc đang phấn đấu để bắt đầu và thúc đẩy một số dự án phát triển với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hợp tác giữa Mekong-Lancang làm nền tảng cho các nhà lãnh đạo hàng đầu từ Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Mục tiêu của sáng kiến ​​này là tăng cường công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy hiện đại hoá nông nghiệp và khuyến khích du lịch. Cả Việt Nam và Campuchia đều có thể đạt được lợi thế hơn nữa và cho đến nay hai nước đã tích cực tham gia vào sáng kiến ​​này. Campuchia đã đóng vai trò dẫn đầu trong dự án này bằng việc tổ chức cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lancang lần thứ 2 vào năm 2016 tại Siem Reap, một di tích lịch sử ở Campuchia. Campuchia có thể sử dụng nền tảng này để thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển của mình, nhằm đạt được những lợi ích chung cho tất cả các bên liên quan.
Ngay cả với việc liên tục tuyên bố chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc có thể tìm ra một lối ra mà có thể giảm gánh nặng cho Campuchia. Các chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của lãnh đạo Việt Nam vào năm 2016 và đầu năm 2017 và sự chào đón nồng nhiệt của đồng nhiệm phía Trung Quốc đã thực sự mở đường cho tiến trình này. Cùng với chương trình hợp tác phát triển, các vấn đề nóng lên của Biển Đông cũng đã được thảo luận trong cả hai chuyến thăm cấp nhà nước. Nếu hai nước có thể tìm thấy một tiếng nói chung về những khác biệt của họ, thì Campuchia có thể sẽ cảm thấy ít bị áp lực bên ngoài hơn.
  
Lựa chọn chiến lược của Campuchia
Ở cấp độ vĩ mô, Campuchia và Việt Nam dường như có mối quan hệ mật thiết thông qua hợp tác chính trị, an ninh và thương mại. Tuy nhiên, ở mức độ vi mô, tình cảm của công chúng Campuchia đối với Việt Nam dường như không cải thiện. Vấn đề này cần được giải quyết bằng các biện pháp hiệu quả. Các chương trình trao đổi như Chương trình Trao đổi Sarus, cho phép thanh niên Campuchia và Việt Nam họp mặt và chia sẻ văn hoá và kinh nghiệm, cần được mở rộng. Sự hợp tác này cần được tăng cường vì tương lai của cả hai nước sẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ của họ. Thông qua chương trình trao đổi thanh thiếu niên, sự thiếu lòng tin do lịch sử có thể được cải thiện. Nếu họ có thể đạt được một sự hiểu biết chung giữa mình, thì hòa bình, thịnh vượng và ổn định có thể sẽ bền vững. Chheang Vannarith đã lưu ý rằng hiểu được lịch sử thông qua tuổi trẻ trong lĩnh vực này có thể giúp cả hai nước tiến tới hòa giải. Ông nói thêm, “Lịch sử cho ánh sáng cho tương lai nhưng không để cho lịch sử quyết định tương lai.”
Khi nói đến vấn đề Biển Đông, việc chuyển ủng hộ sang Trung Quốc và không ủng hộ Việt Nam không phải là một lựa chọn khả thi đối với Campuchia. Ngả về Việt Nam để cân bằng quan hệ với Trung Quốc cũng không phải là một lựa chọn thực tế. Để tránh trở thành một vật tế thần và để đảm bảo mối quan hệ thân thiện với cả hai nước, người ta đề xuất rằng thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên quy tắc bắt buộc, để tất cả các quốc gia bất kể quy mô của họ thế nào đều có thể tiếp cận các vấn đề quốc tế với những giả định tương tự. ASEAN mạnh mẽ và gắn kết là điều quan trọng đối với một trật tự khu vực và cho quyền tự trị và sự thịnh vượng của Campuchia trong tương lai, mặc dù sự sắp xếp khu vực này không chứng tỏ được hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh cho các nước thành viên, đặc biệt là các nước nhỏ hơn như Campuchia.
Cuối cùng, chính sách đối ngoại của Campuchia đối với Trung Quốc trong bối cảnh này được mô tả bởi một số học giả Campuchia là “sự liên kết mềm”, “mềm dải tần” hoặc “chia rẽ lợi ích”. Tuy nhiên, vấn đề đối với chính sách đối ngoại là Campuchia có thể rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc, và chính sách đối ngoại của nó có thể không được coi là trung lập và độc lập như được viết trong hiến pháp của nó. Trong ngắn hạn, Campuchia có thể thu được nhiều lợi ích hơn, nhưng về lâu dài Campuchia có thể trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu đúng như vậy, câu chuyện về Campuchia như là một nhân tố gây bất ổn ở ASEAN sẽ trở thành sự thật.
Campuchia dường như là nước thắng lớn nhất nếu đất nước này có thể đi theo đường biên giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cả hai quốc gia đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế và an ninh của Campuchia. Campuchia cần cả Trung Quốc và Việt Nam để đạt được an ninh và lợi ích kinh tế. Rõ ràng, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế cần thiết của Campuchia. Tuy nhiên, xét theo vị trí địa lý, Campuchia cũng không thể từ bỏ Việt Nam. Hợp tác tốt láng giềng mang lại hòa bình và ổn định cho cả hai nước và khu vực. Campuchia cần xây dựng một nền ngoại giao độc lập và tìm cách đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình, đối xử hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tương tự như vậy, với tư cách là một quốc gia nhỏ, Campuchia phải tiếp tục nhìn thấy giá trị khi tham gia vào các tổ chức khu vực. Lợi ích lâu dài của Campuchia gắn liền với các sáng kiến ​​khu vực như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các diễn đàn quốc tế quan trọng khác.
Như Bernd Schaefer, một học giả cao cấp của Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson và giáo sư tại Đại học George Washington, Bernd Schaefer đã nói, “Nếu Campuchia đặt tất cả trứng trong một giỏ, họ sẽ bị thua thiệt. Campuchia cần càng nhiều giỏ càng tốt – lớn, trung bình và nhỏ “. Do đó, chọn Trung Quốc hoặc Việt Nam để loại trừ các vấn đề khác không phải là lựa chọn tốt nhất cho Campuchia. Lịch sử của Campuchia cho thấy rằng Campuchia đã từng lựa chọn một bên trong nhiều lần và đã dẫn đến thảm kịch.
———————-

Cambodia between China and Vietnam: A Balancing Act

Tin bài liên quan:

VNTB- Tranh chấp Biển Đông và thái độ của thế giới

Phan Thanh Hung

VNTB- Hành động khẩn cấp: Hàng trăm người dân khi khiếu kiện Formosa bị cảnh sát tấn công

Phan Thanh Hung

VNTB- Cuộc chiến nội bộ Trung Quốc về Biển Đông

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo