VNTB – Cán bộ cấp ủy thủ đô sẽ học thật, thi thật?

VNTB  – Cán bộ cấp ủy thủ đô sẽ  học thật, thi thật?

Mai Lan

 

(VNTB)  – Nếu ai muốn có tiền, có quyền và có cả học hàm, học vị thì hãy ráng vào cho được thường vụ các cấp ủy thủ  đô.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.

Nghị quyết gồm bốn mục tiêu cụ thể, năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%. Có 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên…

Có ít nhất 2 ý kiến không tán thành ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Thứ nhất, việc nâng cao chất lượng cán bộ là cần thiết. Nhưng chất lượng cán bộ được kiểm nghiệm qua tuyển chọn trực tiếp và quá trình làm việc, chứ không dựa vào tiêu chí bằng cấp.

Thứ hai, rất cần người tài cho quản trị. Nhưng mức độ tài giỏi trong quản trị không đo bằng học vị tiến sĩ và thạc sĩ. Không có quốc gia nào đặt chỉ tiêu tiến sĩ thạc sĩ trong cơ quan hành chính của nhà nước. Không có đảng phái chính trị nào đặt chỉ tiêu tiến sĩ và thạc sĩ cho tổ chức của mình.

Cũng có ít nhất 2 thắc mắc về quỹ thời gian làm việc của Thành ủy nói riêng, và các cấp ủy nói chung.

Một. Năm nay là 2021, và đến năm 2025 buộc phải thỏa mãn yêu cầu “100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học”.

Như vậy phải chăng đảng viên nào đang ‘trúng cấp ủy’, nếu chưa có bằng cấp đại học, buộc người ấy phải ‘ăn cắp giờ công’ – nghĩa là phải ghi danh, hoặc thi tuyển vào một trường đại học nào đó, và theo học chăm chỉ đúng nghĩa ‘học thật’ chứ không phải cần bằng cấp để ‘hợp thức hóa’ chiếc ghế ‘cấp ủy’ theo yêu cầu của ông Bí thư Đinh Tiến Dũng.

Có phản biện: ý ở đây của ông Bí thư Đinh Tiến Dũng là muốn ám chỉ hệ vừa học – vừa làm, tức “hệ tại chức” theo cách gọi trước đây.

Thế nhưng nếu theo học hệ này, thì rất có thể phải chịu áp lực trước tuyên bố thẳng thừng hồi mới nhậm chức của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, là ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’.

Một thông tin khác cũng liên quan xa – gần với chuyện yêu cầu học hàm – học vị, đó là trong phiên họp thường kỳ tháng 5-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề trên tinh thần: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật các thành quả.

Với ít nhất ‘4 thật’ đó, thì xem chừng khó thể chấp nhận đảng viên ‘cấp ủy’ lại không chịu ‘học thật’ để có trong tay tấm ‘bằng đại học thật’, kịp chỉ tiêu vào năm 2025 như yêu cầu của Bí thư Đinh Tiến Dũng.

Hai. Thời gian để một người có bằng đại học ghi danh học tiếp lên nữa để có học hàm – học vị thạc sĩ/ tiến sĩ là bao nhiêu lâu? Tiền bạc tốn có nhiều lắm không?

Cái này rất dễ trả lời vì ‘ba-rem’ được quy định rõ ở Thông tư 15/2014/TT-BGDĐTa. Tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên; b. Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với những ngành, chuyên ngành không thuộc quy định tại Điểm a, Khoản này.

Thật ra gay go nhất trong chuyện các vị đảng viên cấp ủy khi quyết định học hành tử tế để kiếm tấm bằng chứng nhận trình độ thạc sĩ, đó là yêu cầu mang tên “chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ bậc thạc sĩ”.

Dẫn chứng luôn cho dễ hình dung. Theo thông báo của Đại học Tôn Đức Thắng – nơi có cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì với đào tạo sau đại học, từ đợt tuyển sinh tháng 6/2021 trở đi, chuẩn IELTS là 5.5; TOEFL iBT 50; TOEIC 600; Cambridge Exam PET/FCE 160.

Thật ra ở đây còn có một ẩn tình mà người viết tin rằng rất nhiều đồng chí đảng viên cấp ủy của Hà Nội đang hoan nghênh hết sức nhiệt liệt về chỉ tiêu bằng cấp mà Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu, đó là để “tẩy bằng” đại học tại chức. Chỉ cần học thạc sĩ là trở thành bằng chính quy, không ai quan tâm đến bằng đại học tại chức nữa.

Còn về mức học phí là cao hay thấp thì tùy vào hầu bao của người đi học, lẫn trường mà người ấy theo học trình độ bậc cao học cho bằng cấp thạc sĩ. Hiện tại, giá sàn sàn nhau cho một tín chỉ bậc cao học khoảng 1.2 triệu đồng. Nếu không ‘nợ môn’, tức ‘thi đậu’ thì học phí một năm chừng 100 triệu đồng trở lại.

Trường hợp đồng chí cấp ủy nào đó của Hà Nội chọn cao học ở Đại học Fulbright Việt Nam đặt tại Sài Gòn, học phí cho năm đầu tiên là nửa tỷ bạc. Dĩ nhiên là bằng cấp của Fulbright là ‘nhãn hiệu cầu chứng’ không gì bàn luận nữa rồi.

Lưu ý, tất cả đều là ‘học tập trung’, thí sinh phải có đủ quỹ thời gian để theo học một cách tử tế.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)