Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần chấm dứt độc quyền về hội, đoàn

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Trung tuần tháng 6-2015, ngay hôm trù bị Đại hội VII Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Phạm Chí Dũng đã ‘xin rút’ khỏi Hội Nhà văn TP.HCM.

 

Hơn 5 năm sau đó, ở phiên đại hội trù bị ngày 14-1-2021 của Đại hội lần thứ VIII của Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu xin rút khỏi ban chấp hành, dù phiếu bầu của ông khá cao. Điểm chung của hai người họ Phạm này, đó đều là cựu quân nhân.

Bàn luận bên lề về chuyện văn chương ở quán cà phê trong khuôn viên trụ sở T78 thuộc Văn phòng Trung ương Đảng – nơi diễn ra Đại hội lần thứ VIII của Hội Nhà văn TP.HCM trong hai ngày 14 và 15-1-2021, vài ý kiến cho rằng đến đến lúc cần chấm dứt chuyện độc quyền lập hội.

Có thể kể về câu chuyện hội nhóm mang tên “Gia đình Áo Trắng” đã thắp nến mừng tuổi 30 vào tháng chín năm ngoái, 2020.

Với thế hệ 7-8X, những tờ báo dành cho tuổi học trò là món ăn tinh thần và Áo Trắng là một trong số đó. Tập san thiết lập mạng lưới cộng tác viên ở khắp các tỉnh thành, mỗi nơi đều có một “ngôi nhà chung” với tên gọi thân thương là “Gia đình Áo Trắng”.

Gia đình Áo Trắng là một tổ chức hội, đoàn “không giấy phép”, được hình thành qua sân chơi của Tập san Áo Trắng với chủ biên ‘khởi nghiệp’ là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Lần lượt các Gia đình Áo Trắng ở các tỉnh, thành được thành lập.

Nhà thơ Ngô Thanh Vân – Trưởng Gia đình Áo Trắng Gia Lai thời kỳ đầu, nhớ lại: Gia đình Áo Trắng tại Phố núi Pleiku thành lập khoảng cuối năm 2003, tập hợp được khoảng 15-20 bạn viết không chỉ là học sinh giỏi văn của các trường phổ thông mà có cả những người đã trưởng thành.

Ngày ấy, việc duy trì các hoạt động khá khó khăn nên nhà văn – chủ biên tập san Đoàn Thạch Biền thỉnh thoảng gửi những thùng sách lên cho Gia đình Áo Trắng để mọi người chuyền tay nhau đọc. Từ những buổi sinh hoạt, giao lưu và chia sẻ ấy, Gia đình Áo Trắng Gia Lai đã có thêm nhiều cây bút nội lực như: Nguyễn Thanh Tâm, Hồ Hoàng Vinh, Lê Vũ Anh Đào, Võ Duy…

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trong 30 năm nay, “dân” sáng tác văn chương ở các tỉnh thành gọi là “ông Biền Áo trắng”. Đơn giản, khi chính quyền “mở cửa”, vào khoảng năm 1990, ông Biền liên kết xin giấy phép ở nhà xuất bản Trẻ ra lò tuyển tập thơ văn (tập san) mang tên Áo trắng.

Tập san này tạo thành sân chơi cho các cây bút sáng tác văn chương, nhất là các tác giả đang ở trên ghế nhà trường. Thời gian sau, ông Biền thấy bạn đọc, cộng tác viên tham gia gửi bài cho Áo Trắng khá nhiều; nên ông đi các tỉnh thành lập “Gia đình Áo Trắng”, hệt như ông chủ biên Nhật Tiến (1936 – 2020) của tuần báo Thiếu Nhi trước 1975 lập ra các “Gia đình Thiếu nhi” ở khắp miền Nam, Việt Nam.

(Nói thêm, với tuần báo Thiếu Nhi, có lẽ nhiều lứa tuổi học trò ở miền Nam những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước vẫn còn nhớ cả một vùng trời tuổi thơ gắn liền với nó. Bao nhiêu kiến thức mới mẻ đầy tính sáng tạo được nhà báo tâm huyết biên soạn dành cho các em thiếu nhi…).

Gia đình Áo Trắng, theo lời của ông Biền, là xem nhau như một gia đình, ở đó có người lớn, người trẻ, nhưng cùng một tình yêu văn chương. Có thể nói theo kiểu “kỷ lục Việt Nam”, nhà văn Đoàn Thạch Biền là người có nhiều “gia đình” nhất, trong đó ông có anh, em, bạn bè và những người đáng tuổi con cháu ông ở khắp nước Việt này.

Hiểu theo nghĩa nào đó, “Gia đình Áo Trắng” chính là một hội đoàn xã hội dân sự. Và các kiểu hội đoàn này ở miền Nam trước 1975 nhiều lắm.

Nhân đây nói luôn, các “mầm non văn nghệ” mà bây giờ đã “thành danh”, thời đó tham gia các thi văn đoàn ở quê nhà của mình, và thường ký bút danh rất “oách” khi gửi bài cộng tác ở các tòa soạn, như Nguyễn Nhật Ánh ký Hoài Mộng Diễm Thư; Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời; Phạm Sỹ Sáu ký Ngy Xuân Sơn; Nguyễn Văn Nhân ký Bạc Hà; Phan Vân Sơn ký Mừng Hoang Vu; Lê Minh Quốc ký Thiên Bất Hủ… Nhà thơ Đoàn Vị Thượng lại ký tên thật Trần Quang Đoàn, còn nhà văn Khôi Vũ, ngay từ hồi đó đã “ngon lành” lắm rồi, vì anh phụ trách chuyên mục Khu vườn hạnh phúc trên báo Tuổi Hoa với tên thật Nguyễn Thái Hải…

Từ câu chuyện hoài niệm ở trên, cùng với Hiến định về quyền tự do lập hội, có lẽ nên sớm chấm dứt kiểu độc quyền hội đoàn, thiếu sự cạnh tranh để cùng nhau phát triển – Đây chính là điều mà Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hình thành lúc ban đầu, cũng nhằm mục đích tạo sân chơi báo chí mở rộng, với tin tức đa chiều cùng những phản biện độc lập.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Họ đang hứa hẹn…

Phan Thanh Hung

VNTB – Từ câu chuyện vắc xin cho thấy sự lúng túng quản trị quốc gia

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi kẻ cướp rao giảng đạo đức

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.