Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần có luật về hoạt động của đảng chính trị

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động ngoài vòng pháp luật?

Có thể nhận định như vậy, vì tại Điều 4.3 của Hiến pháp 2013, nói rằng, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” – tuy nhiên “pháp luật” nào chế tài các hoạt động của “Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, thì đến nay vẫn chưa có.

Trong chiều hướng đề xuất tương tự về xây dựng luật cho hoạt động của Đảng, ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, như sau:

“Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Bộ tiêu chí đó phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương, chứ không phải đưa ra một tiêu chí chung cho toàn bộ các tỉnh, thành phố…

Trước hết, đó phải là tiêu chí khởi xướng chính sách. Người đứng đầu là người dẫn dắt đoàn tàu, bộ máy địa phương. Vì vậy, anh phải khởi xướng chính sách bằng ý tưởng, bằng nhìn nhận xu hướng phát triển, tận dụng tốt lợi thế của địa phương mình, chứ không phải dựa vào bộ máy, rồi sau này xảy ra sự cố gì lại đổ lỗi cho bộ máy. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc khởi xướng chủ trương, chính sách, thậm chí khởi xướng cả giải pháp thực hiện.

Tiêu chí thứ hai là trọng dụng nhân tài. Các nước phát triển coi đây là nguyên tắc hàng đầu. Người lãnh đạo không biết trọng dụng nhân tài, có nghĩa là anh không phát huy được một nguồn tài nguyên đặc biệt, mà cha ông ta vẫn gọi là “nguyên khí quốc gia”.

Thứ ba, người đứng đầu địa phương phải quy tụ được sự đoàn kết, tạo được năng lượng cho tập thể. Tiêu chí cuối cùng chính là thành quả, sự thay da đổi thịt của địa phương.

Việc đánh giá có thể thực hiện trong 6 tháng, hay 1 năm, 3 năm, 5 năm. Còn nếu không có tiêu chí rõ ràng, ai cũng tốt cả thì sẽ không tạo ra cú hích đột phá nào cả”.

Ý kiến của ông Lê Thanh Vân cho thấy đây là yêu cầu của quy trách nhiệm khá rõ ràng về vai trò đứng đầu quyền lực Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Đinh La Thăng là Bí thư Thành ủy TP.HCM, và sau đó ông đã chịu nhiều bản án hình sự khác nhau về các sai phạm trước đó. Điều này cho thấy trách nhiệm của người ký quyết định ‘phân công’ ông Đinh La Thăng vào vị trí Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Diễn biến tương tự đang xảy ra ở rất nhiều địa phương khi Bộ Chính trị tiếp tục ‘phân công’ người về phụ trách các tỉnh ủy, thành ủy,… bất chấp các nhân sự cần một thời gian dài – ngắn nhất định để tập làm quen với tình hình thực tế địa phương. Điều đó tương tự như trong chuyện ‘công an khu vực’.

Nhiệm kỳ của một công an cấp phường được phân công phụ trách khu phố nào đó, là 4 năm. Thời gian 4 năm này, thường thì phải mất năm đầu tiên gọi là ‘quen địa bàn’. Năm thứ hai, gọi là ‘nắm vững tình hình trật tự nóc gia’. Bước sang năm thứ ba, coi như ổn định mọi chuyện cho yêu cầu nghiệp vụ. Năm thứ tư là làm các hồ sơ bàn giao cho người mới.

Lý giải về trình tự trên, phía cơ quan quản lý nói rằng với giới hạn thời gian ‘cầm quyền’ đó sẽ hạn chế được sự cát cứ quyền lực.

Tuy nhiên vấn đề chính ở đây là dù thế nào đi nữa thì vẫn là chuyện thiếu động lực cạnh tranh, vì lòng vòng sao đi nữa thì cũng trong cùng một đảng chính trị. Áp lực cạnh tranh cho phát triển mang đến lợi ích ra sao, có lẽ chỉ cần nhìn hiện tình cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ là rõ.

Dẫu Việt Nam kiên trì đơn đảng chính trị, thì với tuyên bố đeo đuổi việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cho thấy cần thiết lắm rồi việc có một bộ luật quy định về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thủ Thiêm và Luật Đất đai

Phan Thanh Hung

VNTB – Thuyết âm mưu và lằn ranh của “xuyên tạc”

Do Van Tien

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 2)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.