VNTB – Cần đến báo chí là một kênh thuần ‘lên’ tiếng nói của người dân

VNTB – Cần đến báo chí là một kênh thuần ‘lên’ tiếng nói của người dân

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tôn chỉ, mục đích của những tờ báo này là luôn tôn trọng tiếng nói của người dân, bất kể đó là tiếng nói trái chiều – dĩ nhiên là sẽ có những đối thoại tương ứng về các phản biện được gọi là ‘trái chiều’ ấy

Hiện có ý kiến lo ngại về ‘lỗ hổng’ giám sát các cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường khi không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp. Song, theo nhiều chuyên gia, không thiếu cơ chế để giám sát, kiểm soát, vấn đề cần thiết lập cơ chế giám sát phù hợp.

Một trong số kênh giám sát đó, là những tờ báo chỉ làm mỗi công việc ghi nhận tiếng nói đa chiều của người dân, và các phản hồi từ cơ quan công quyền.

Lâu nay, thường nằm phía dưới măng-sét tên tờ báo, là dòng chữ đại để nội dung như với tờ Sài Gòn Giải Phóng “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”.

Dưới măng-sét Tuổi Trẻ, là “Cơ quan của Đoàn TNCS TP.HCM”. Với báo Thanh Niên, thì, “Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”. Ở báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là: “Cơ quan ngôn luận của Công an Thành phố Hồ Chí Minh”. Báo Phụ nữ TP.HCM: “Cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM”.

Pháp luật về báo chí của Việt Nam có giới hạn về quyền hành nghề của người làm báo, là chỉ được phép đưa tin đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí; tức về nguyên tắc, báo của Đảng bộ, chỉ thuần tin tức về hoạt động của Đảng. Tương tự, báo Tuổi Trẻ chuyên nói về hoạt động Đoàn; báo Thanh Niên là nơi ghi nhận các hoạt động trong phạm vi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, do không có tờ báo nào, nên tiếng nói của người dân ở TP.HCM, đành phải ‘cậy nhờ’ vào những tờ báo ở các tổ chức khác của Đảng, Đoàn thể chính quyền.

Như vậy, trước băn khoăn ai sẽ giám sát chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường trong mô hình “Chính quyền đô thị TP.HCM”, thì một kênh truyền thông cần thiết là báo chí của tổ chức Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, và HĐND TP.HCM. Những tờ báo này có trách nhiệm ghi nhận tất cả ý kiến của người dân về mọi mặt – nghĩa là không có vùng cấm, không phải chịu bất kỳ giới hạn nào của định hướng đối với báo chí kiểu như lâu nay.

Nói một cách khác, tôn chỉ, mục đích của những tờ báo này là luôn tôn trọng tiếng nói của người dân, bất kể đó là tiếng nói trái chiều – dĩ nhiên là sẽ có những đối thoại tương ứng về các phản biện được gọi là ‘trái chiều’ ấy.

Hơn thế, một khi có kênh báo chí chuyên ghi nhận và chuyển tải tiếng nói của người dân, thì đây còn là khẳng định của một quyền Hiến định về lá phiếu cử tri – tức bảo đảm quyền được bầu, bãi nhiệm của người dân.

Hiến pháp đã hiến định quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân chứ không phải Quốc hội hay HĐND các cấp, vì thế cần tạo lập một thể chế phù hợp với quyền đó, thiếu thì phải lập thêm, chưa có thì phải xây dựng để người dân thể hiện quyền của mình. Đó là quyền được bầu, quyền được bãi nhiệm chính quyền. Và cần có những tờ báo chuyên phụng sự các quyền lực hiến định ấy của người dân.

Còn từ góc độ luật pháp, thể chế, cơ chế kiểm soát cơ quan hành chính các cấp hiện hành, nếu cơ quan hành chính làm sai thì các cơ quan kiểm soát, giám sát của Đảng, nhà nước có thể vào cuộc xử lý trách nhiệm – một chuyên gia về chính sách công cho biết.

Bình thường cơ quan hành pháp chịu sự giám sát của HĐND, phải báo cáo trước HĐND, chịu sự chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu HĐND ngang cấp. Với mô hình chính quyền đô thị, khi không còn HĐND ngang cấp ở quận, ở phường thì HĐND TP.HCM trực tiếp giám sát UBND cấp quận.

Chủ tịch UBND cấp quận ngoài báo cáo với chủ tịch UBND TP.HCM, phải báo cáo trước HĐND TP.HCM, các đại biểu hội đồng sẽ chất vấn trực tiếp với lãnh đạo UBND cấp quận. Theo định kỳ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo thành phố, HĐND TP.HCM cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch UBND quận như các chức danh khác được HĐND bầu ra.

Về lý thuyết, hiện TP.HCM cũng có cơ chế đối thoại, khi hoạt động cơ quan hành chính cấp quận có vấn đề, người dân kiến nghị về các bất cập trong hoạt động của các cơ quan hành chính thì HĐND sẽ yêu cầu lãnh đạo quận giải trình, các ban trực thuộc HĐND cũng có quyền yêu cầu chủ tịch quận giải trình về các vấn đề đại biểu hội đồng, người dân, dư luận quan tâm.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)