Hà Nguyên
(VNTB) – Vấn đề của xứ sở không phải là ‘đổi mới’ mà là ‘đổi đúng’.
Đó là ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh nêu vào sáng ngày 25-1, ngày bắt đầu phiên họp trù bị của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Vậy, làm sao mà biết cái gì là đúng để mà đổi?
“Điều gì thế giới đã vận dụng và đã phát huy hiệu quả là điều đúng. Mình có thể học hỏi để áp dụng. Miễn đừng buộc cả một dân tộc làm chuột bạch đi tìm điều vô tưởng” – luật sư Đặng Đình Mạnh, giải thích.
Luật sư Lương Vĩnh Kim nhìn khác: thế thì đã từng được coi là ‘đúng’ khi chọn theo mô hình Liên Xô thời thịnh hành, thắng thế. Sau đó mới ngớ người là nó chỉ đúng một thời thôi, trong một hoàn cảnh cụ thể thôi…
Luật sư Trần Thành góp chuyện ‘đúng’ – ‘sai’ bằng bài đồng dao “Thằng Bờm”: Các món tài sản đưa ra khoe, Phú ông phải dùng tới 4 âm tiết để chỉ rất trang trọng: “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, “ba bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi”. Với Bờm, mỗi món tài sản ấy lại chỉ cần gọi bằng một âm tiết cuối, lần lượt là: “trâu”, “mè”, “lim”, “mồi”. Thậm chí cho đến lần gạ đổi cuối cùng của Phú ông, Bờm không thèm trả lời nữa mà chỉ “cười”.
Nếu ta hiểu Bờm đồng ý đổi quạt mo lấy nắm xôi, quả là oan cho Bờm quá.
Tương tự, nếu ai đó từng nghĩ rằng người đứng đầu Đảng vì quá thích món cháo của Mạnh Bà lúc qua cầu Nại Hà, nên giờ có phần ‘…’, thì rõ ràng đã… trật lất. Bởi chính trị chưa bao giờ là dễ hiểu, là dễ phân định ‘đúng – sai’ cho việc ‘đổi mới’ hay ‘đổi đúng’.
“Cái mới không hẳn sẽ mãi mãi mới. Có không ít cái mới rồi sẽ trở thành cũ khi nó bị thực tiễn vượt qua, hoặc bị những sáng tạo trong tương lai phủ định. Đó là lẽ thường tình, là quy luật của sự phát triển và cũng là kết quả tất yếu, tự nhiên của sự tự vận động trong bản thân cái mới. Đảng cần cập nhật cả chuyện đổi mới, cũng vì lẽ đó.
Đảng từng sai lầm khi nghĩ đã ‘thắng Mỹ’ trong nội chiến Bắc – Nam, thì hậu chiến cũng sẽ không ngại bất kỳ điều gì. Liên Xô sụp đổ. Khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Quốc gia được coi là anh em cùng khối cộng sản là Trung Quốc đã gây hấn và xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Người anh em Bắc Kinh đã thôn tính luôn cả một số lãnh hải của Việt Nam.
Vậy thì cả ‘đổi mới’ lẫn ‘đối đúng’, có lẽ còn phụ thuộc vào ý thức hệ. Điều này, đến nay với các kiểu bản án nặng nề ngoài chục năm với những ai thích phản biện ‘bất đồng chính kiến’, nên sẽ chẳng mấy ai còn dám đưa ra những cái ‘mới’ hay ‘đúng’ để mà ‘đổi’ nữa cả!” – luật sư Cát Tường, góp chuyện.
Luật sư Cát Tường nhắc lại nội dung Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá VI (8 – 1989) đã nhấn mạnh: “Chế độ chính trị của chúng ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng; chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị, không để cho các tổ chức chống đối chủ nghĩa xã hội ra đời và hoạt động, không coi việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần là thực hiện chủ trương đa nguyên về kinh tế”.
“Rõ ràng trong ý thức hệ không chấp nhận đa nguyên từ chính trị cho đến kinh tế, là một điều quá khích. Những nhà lãnh đạo nước ta đã nhấn mạnh quá mức vai trò của chính trị đối với kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội; vi phạm quy luật kinh tế khách quan; chưa đánh giá đúng vai trò của kinh tế trong quan hệ với chính trị; nhận thức một cách đơn giản về tác động của chính trị đối với kinh tế; chính trị can thiệp quá sâu vào các quá trình kinh tế – xã hội bằng hệ thống những mệnh lệnh hành chính, chủ quan của các cơ quan quản lý.
Theo cách nhìn nhận này, tôi đồng ý với luật sư Đặng Đình Mạnh, Điều gì thế giới đã vận dụng và đã phát huy hiệu quả là điều đúng. Mình có thể học hỏi để áp dụng” – luật sư Cát Tường kết chuyện.