VNTB – Cần gắn tử hình với thực phẩm bẩn

Mẫn Nhi (VNTB) Với tư cách là một người công dân, tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về hạn chế lớn nhất hiện nay trong ngăn chặn thực phẩm bẩn là xử phạt không nghiêm minh nên mới xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đi đến đề xuất cần áp dụng khung hình phạt tối đa (tử hình) đối với loại hình tội phạm này.

Hóa chất dùng để nhuộm thực phẩm được sử dụng đại trà trong sản xuất – buôn bán
Hiện tượng “luống này là để ăn, luống kia để bán” mà bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn thị Kim Ngân chỉ ra xảy ra phổ biến trong xã hội hiện tại, khi thực phẩm bẩn là nơi tạo ra nguồn siêu lợi nhuận đối với người sản xuất và trung gian tiêu thụ (tiểu thương). Chẳng những vậy, khi vấn đề ung thư với thực phẩm bẩn gây lo ngại, làm xuất hiện những hộ buôn bán thực phẩm sạch, thì những người buôn bán thực phẩm bẩn đã tìm cách tấn công có hệ thống vào nhóm người buôn bán có lương tâm này. Như vừa qua, quầy thịt heo sạch ở chợ mới Tân Uyên (Bình Dương) vừa khai trương đã bị kẻ xấu đốt, tạt sơn đen vào bảng hiệu khiến tiểu thương lo sợ.
Chỉ tính riêng chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn” trên VTV24, thực phẩm bẩn được phản ánh đa loại: từ phẩm màu nhuộm màu cho miến; sản xuất pate xúc xích bẩn; biến thịt thối thành thịt tươi bằng hóa chất; chế biến rượu giả thành rượu thật; sản xuất nước ngọt bẩn; chuối được ngâm hóa chất;… Điều đó cho thấy, toàn bộ cuộc sống của người dân, từ trẻ em tiểu học, học sinh, sinh viên cho đến người đi làm đều bị bủa vây bởi thực phẩm bẩn với thủ đoạn ngày một tinh vi.
Cái chết đối với người Việt vì lợi nhuận chưa bao giờ gần gũi đến thế, và sự yên bình đã bị rình rập bởi sự vô lương tâm của phần lớn tiểu thương người Việt. Chính sách “Người Việt giết người Việt” từng diễn ra trong thời chiến tranh, nay, một lần nữa tái lặp thời hòa bình. 
Nghiêm về luật
Mặc dù thực phẩm bẩn gây nguy hại cho vấn đề giống nòi, nhưng việc xử lý đối với vi phạm này không mang tính tương xứng.
Tại Đà Nẵng, 29 cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn đã bị xử phạt và nêu tên trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng để cảnh báo người dùng. Nhưng trong mức phạt thuộc quý I/2017 (tính đến tháng 4) thì cơ sở bị phạt ít nhất là 300.000 đồng và nhiều nhất gần 17 triệu đồng là nhẹ về mặt lợi nhuận lẫn yếu về tính răn đe.
Ngay cả khi cố gắng áp dụng luật thì theo quan điểm của ông Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương cho biết, cái khó là tình tiết kịch khung “chưa được cụ thể” trong BLHS 1999, trong khi đó tại BLHS 2015 lại được nêu ra nhưng hiện vẫn đang bị đình chỉ. 

Với tư cách là một người công dân, tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về hạn chế lớn nhất hiện nay trong ngăn chặn thực phẩm bẩn là xử phạt không nghiêm minh nên mới xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đi đến đề xuất cần áp dụng khung hình phạt tối đa (tử hình) đối với loại hình tội phạm này.
Theo đó, ngoài quy định cụ thể, thì tại Điều 317, Điều 193 (BLHS 2015) đã tăng mức phạt lên tới 500 triệu đồng, đồng thời đối mặt với mức án khung từ 3 – 20 năm. Tuy nhiên, để tăng tính răn đe thì cần gia tăng hình phạt lên tử hình đối với các hành vi tái phạm. Riêng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại Điều 193 (cũng là yếu tố gây hại cho người Việt rất lớn hiện nay) cần nâng mức phạt từ 2 – 10 năm (so với 2-5 năm). Lý do nằm ở việc, thực phẩm bẩn có tính hủy hoại lớn liên quan đến nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến tâm lý chung xã hội, tạo ra một sự bất an thường trực trong người dân và đây nên được xem là một trong những yếu tố gây hại nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng.
Nghiêm khắc của lực lượng quản lý và truyền thông
Sự nghiêm khắc của luật pháp sẽ không thể thực thi tốt nếu như không tăng cường lực lượng cho các chi Cục quản lý thị trường các tỉnh thành để giám sát và xử phạt các trường hợp có liên quan cũng như đề cao trách nhiệm quản lý của nhà nước. Bởi nhà báo Nguyễn Hoài Nam (báo Thanh Niên) từng chia sẻ trên facebook cá nhân vào tháng 9/2016 rằng, dù đã có chứng cứ một số hộ làm rau muống bào ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp dệt nhuộm làm cho rau tươi xanh, và lượng rau khoảng 10 tấn mỗi ngày này được các đầu mối mang đi bán không chỉ ở TP.HCM mà còn một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nhưng khi ông liên hệ với phòng 6, C49 Bộ Công an, cung cấp thông tin, phiếu kết quả kiểm nghiệm hóa chất cho họ, “với mong muốn với trách nhiệm của mình họ sẽ vào cuộc càng sớm càng tốt”, đáp lại là nhận một thái độ thờ ơ; nhà báo này tiếp tục liên hệ với Đội QLTT Củ Chi thì cơ quan này “không vào cuộc”; liên hệ UBND huyện Củ Chi thì nhận hồi đáp “không biết rau muống bào là gì”; liên hệ với đội 3 PC 49 Công An TPHCM thì “hoãn kiểm tra vì chuẩn bị nghỉ lễ”. Điều này cho thấy sự tung hoành của thực phẩm bẩn là nhờ công không nhỏ của sự thờ tơ từ phía chính quyền.
Ngoài ra, chuyên mục Nói không với thực phẩm bẩn trên VTV24 được thiết lập và đi vào hoạt động là điều đáng hoan nghênh, và dĩ nhiên hiệu ứng nó đối với dư luận khá tốt. Nhưng cần phải nhân rộng hiệu ứng này lên ở các trang tin và tờ báo khác, với việc thiết lập các mục tin khác nhau để phản ánh và lên án thực phẩm bẩn; đài truyền thanh các xã – huyện cũng có thể có những hoạt động “bêu tên” các cơ sở, cá nhân buôn bán thực phẩm bẩn như cách mà Đà Nẵng đang làm. Cạnh đó, tiến hành xử lý mạnh tay đối với các trường hợp phá, gây sức ép đối với các hộ cá thể, tổ chức buôn bán – sản xuất thực phẩm sạch để làm trong nền thị trường lương thực – thực phẩm nước nhà.
Như vậy, đã đến lúc, ngoài môi trường, đất đai, thực phẩm bẩn cần được coi là một chủ đề mang tính sống còn của dân tộc Việt.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)