Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần khởi tố hình sự vụ án bảo hiểm Manulife

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Nạn nhân tố cáo nhân viên SCB và Manulife tư vấn sai sự thật, đánh tráo khái niệm.

 

Với bản án hình sự có hiệu lực, việc thi hành án sẽ mang tính cưỡng chế, qua đó sẽ giúp người dân đỡ thiệt hại hơn so với chờ đợi dằn dai như hiện tại.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM đã trả lời báo chí về sự việc người dân có đơn tố giác sản phẩm “Tâm an đầu tư” liên kết giữa công ty bảo hiểm Manulife và ngân hàng SCB. Theo đó, đối với các đơn tố giác tội phạm liên quan đến ngân hàng SCB nói riêng và tất cả các tin báo tố giác tội phạm thì Công an TP.HCM tiếp nhận, thụ lý theo quy định.

“Do vụ án liên quan đến ngân hàng SCB đang được Cục cảnh sát kinh tế (C03) Bộ công an thụ lý nên Công an TP.HCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao phụ án theo quy định của pháp luật” – Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay.

Theo đơn tố cáo của tập thể của hàng trăm nạn nhân trình bày, bản thân họ đến ngân hàng SCB để đáo hạn tiền tiết kiệm nhưng lại bị nhân viên bảo hiểm và ngân hàng tư vấn sai sự thật, đánh tráo khái niệm.

Nhân viên tư vấn giới thiệu “Tâm An đầu tư” là sản phẩm tiền gửi kết hợp giữa Manulife và ngân hàng, nhưng có lãi suất cao hơn ngân hàng (lãi suất khoảng 8-15%/năm tùy từng đại lý/nhân viên tư vấn) với thời gian đáo hạn là 5-6 năm và được tặng kèm quyền lợi bảo hiểm trong suốt quá trình tham gia, khách hàng có thể rút toàn bộ tiền vốn kèm theo lợi suất sau 5-6 năm.

Theo các nạn nhân thì thậm chí, để che giấu việc thực chất là bảo hiểm nhân thọ chứ không phải tiết kiệm, đại lý bảo hiểm và nhân viên ngân hàng không cung cấp bất kỳ giấy tờ nào thể hiện các khoản phí khách hàng phải trả, các quy tắc bồi thường, quyền lợi của khách hàng….

Sau gần 1 tháng, khi tiền tiết kiệm của khách tại ngân hàng chuyển cho công ty bảo hiểm, khách hàng mới nhận được hợp đồng nhưng cũng không được cung cấp thông tin. Phía bảo hiểm chỉ bàn giao hợp đồng mà hoàn toàn không giải thích, tư vấn trong khi khách hàng hiểu đây chỉ là một sản phẩm tặng kèm nên không quan tâm đến nội dung trong hợp đồng.

Hồ sơ khai báo thông tin thể hiện trong hợp đồng do đại lý bảo hiểm tự ghi, khai khống, thậm chí giả chữ ký khách hàng… sau đó đề nghị khách hàng ký vào tờ cuối của hợp đồng dày hàng chục trang để hoàn tất thủ tục tham gia sản phẩm. Do đó toàn bộ tiền tiết kiệm của khách hàng đã bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm. Họ sẽ mất phần lớn số tiền đã nộp nếu rút sau 5-6 năm tham gia mà bản thân không hề hay biết.

Trong đơn tố cáo gửi Công an TP.HCM, nạn nhân cho biết phía Manulife chấp nhận toàn bộ hồ sơ từ phía đại lý và nhân viên mà không có động thái yêu cầu hay xác thực đối với những khách hàng có nhiều điểm bất thường trong hợp đồng như chữ ký, chữ viết trong cùng một tờ đơn hoàn toàn khác nhau, thu nhập cao bất thường lên đến 150-170 triệu đồng một tháng kể cả người già đã về hưu.

Trong khi đó thì những điều khoản như tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh của khách hàng kể cả người cao tuổi đều tốt trong khi đối với một hợp đồng nhân thọ thông thường điều kiện về sức khỏe tại thời điểm tham gia bảo hiểm là rất khó khăn.

Vấn đề ở đây còn có dấu hiệu cố tình che giấu về các khoản tiền chi trả của Manulife, qua đó có thể hoài nghi về tính minh bạch của những dòng tiền lâu nay mà công ty này đã kinh doanh tại Việt Nam.

“Khi tôi lên, Manulife bắt tôi ký vào cam kết thỏa thuận là bảo mật. Tôi sẽ được nhận tiền với điều kiện phải chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, không công bố, trao đổi bất kỳ thông tin nào về nội dung và các điều khoản của thỏa thuận này. Sau khi tôi ký vào thỏa thuận này, dự kiến trong vòng 10 ngày tôi sẽ nhận được tiền.

Khi tôi ký tôi mới nhận được tiền của mình nên tôi cảm thấy cách hành xử này là không được đúng đắn. Bởi vì thời gian qua tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều về tinh thần và không có tiền lãi. Đáng lẽ Manulife phải gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân thay vì bắt nạn nhân phải ký bảo mật, một cam kết im lặng như vậy, giống như chúng tôi không có quyền công dân vậy”, nạn nhân Phạm Lại Thiên Kim, quận 10, TP.HCM cho biết như vậy.

Tuy nhiên, cũng theo các khách hàng trong vụ này, số người được giải quyết hoàn tiền vẫn còn rất hạn chế. Hiện vẫn có nhiều người chưa được công ty bảo hiểm đặt lịch hẹn. Một số người khác đã tới buổi trao đổi trực tiếp, nhưng không đạt được thỏa thuận…

Sau 7 tháng ròng mất ăn mất ngủ, tốn bao nhiêu công sức, thời gian khiếu nại, cuối cùng bà Lại Thị Thủy (quận 10, TP.HCM) cũng được Manulife hẹn gặp trực tiếp và đồng ý trả lại 100% số tiền đã đóng. Dù vậy, bà vẫn cảm thấy bức xúc và không đồng tình với cách giải quyết từ phía công ty.

“Nhận được tiền rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy rất bức xúc, vì với số tiền của tôi gửi là tham gia tiết kiệm phải có lời, sau 2,5 năm không được đồng nào. Tiền của mình mà như bị người ta cho, bố thí. Thứ hai là mình đâu phải tội phạm đâu mà phải im lặng”, bà Lại Thị Thủy thắc mắc.

Nguyên tắc chung, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận bảo mật một số nội dung, nhưng không được trái quy định, không bị ép buộc. Trong khi, phía doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ hoàn trả phí bảo hiểm khách hàng đã đóng, kèm thiệt hại gây ra như tiền lãi bên bảo hiểm đã giữ nhiều năm.

Việc Manulife đưa ra thỏa thuận có thể là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều này lại cho thấy uy tín nhà bảo hiểm bị giảm khi phải đề xuất những thỏa thuận bổ sung để giải quyết một hợp đồng vốn đã vô hiệu. Thêm vào đó, theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, hợp đồng bảo hiểm và những trao đổi giải quyết vụ việc cần công khai, không nên che giấu thông tin…


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiệt hại của vụ án Resco là… 3,9 tỷ đồng

Do Van Tien

VNTB – Bị kỷ luật Đảng là đồng nghĩa vi phạm pháp luật?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu họ chọn việc vờn nhau…

Phan Thanh Hung

1 comment

T Vy 23.05.2023 7:47 at 07:47

Lùa gà đến thế thì xin bái phục, bảo hiểm nhân thọ không khéo thành tổn thọ!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo