Thảo Vy – Tuấn Nguyễn
(VNTB) – Vấn đề của Formosa Hà Tĩnh, thật ra không phải câu chuyện của ông Võ Kim Cự, của ông Hoàng Trung Hải (người không có tên trong danh sách của UBKT T.Ư hôm 22-2-2017) hay của người vừa rời ghế thủ tướng, mà chính là của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Hoàng Trung Hải (trái) – một trong những nhân vật bị dư luận cho là “dính” trách nhiệm về Formosa.
“Vậy với những kết luận như thế thì có cơ sở khởi tố hay không? Tôi nghĩ rằng phải khởi tố điều tra mới có có cơ sở để xem xét, còn dừng ở kết luận những vấn đề chung thì tôi không hài lòng”.
Đây là bình luận của đại biểu Vũ Trọng Kim – nguyên Ủy viên Trung ương đảng – hiện này là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam trong buổi phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ ngày 25-10-2016, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra kết luận điều tra về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng. Đây là bình luận hoàn toàn hợp lý. Và cũng là cách hiểu pháp lý mà pháp luật Việt Nam quy định.
Tiền lệ Vũ Huy Hoàng
Bình luận trên cũng đúng trong vụ việc hôm 22-2-2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT T.Ư) đã ra thông báo về kỳ họp thứ 11 của ủy ban (từ ngày 15 đến 17-2, tại Hà Nội).
1. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên – môi trường và các cá nhân liên quan Ban cán sự Đảng Bộ giai đoạn 2008-2016: đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; Thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Minh Quang – nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên bộ trưởng với cương vị là người đứng đầu; ông Bùi Cách Tuyến – nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên thứ trưởng, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Thái Lai – nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên thứ trưởng – chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên – môi trường.
UBKT T.Ư nêu: cùng chịu trách nhiệm có ông Mai Thanh Dung (trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường) và ông Lương Duy Hanh – cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường – đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên – môi trường và các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng. Theo UBKT T.Ư, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Từ vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng, công luận có quyền đặt vấn đề, là nếu lại tiếp tục sử dụng việc “cách hết chức vụ” như vừa xảy ra với ông Vũ Huy Hoàng, thì hàng loạt nhân vật kể tên ở trên sẽ tiếp tục “hạ cánh” trong vai trò của những “Lê Lai”, thay vì phải hầu tòa với rủi ro khi ấy hàng loạt quan chức cao hơn sẽ được ‘xướng danh’ bởi “trạng chết – chúa cũng băng hà”?
Vì sao chỉ có 500 triệu USD và chỉ có 4 tỉnh?
Ngày 28-6-2016, báo chí đưa tin Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt: Công ty Formosa Hà Tĩnh) đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế trong thời gian vừa qua, đồng thời cam kết 5 vấn đề, cụ thể như sau:
Thứ nhất, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Thứ hai, thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Thứ ba, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.
Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.
Thứ năm, thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam
Cả bên Formosa Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam đều không đưa ra những căn cứ nào cho số tiền đền bù 500 triệu USD. Quyết định số 1880/QĐ-TTg, do phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký ngày 29 tháng 09 năm 2016, có tiêu đề rất chung chung là “Ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển”, mà không ghi rõ ràng là ai đã gây ra những thiệt hại này.
Cụm từ liên quan đến Formosa Hà Tĩnh, chỉ có duy nhất hai dòng: “nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường” (Điều 3), và “Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng và quyết toán khoản kinh phí bồi thường này từ số tiền Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường” (Điều 4.1).
Không có bất kỳ văn bản nào được công khai từ chính phủ, có nội dung kết luận công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây thiệt hại, và đền bù cho chính phủ Việt Nam số tiền là 500 triệu USD. Và cũng không có văn bản pháp quy nào cho biết tại sao chỉ có 4 tỉnh chịu thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh xả thải.
Đại biểu Trần Công Thuật (tỉnh Quảng Bình) cũng đưa ra đánh giá, “hành động của Formosa đã huỷ hoại nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung. Đời sống, an ninh, trật tự của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đấy là hành vi vi phạm luật hình sự nhưng lại đang được xem xét xử phạt hành chính, bồi thường kinh tế…”.
Ông Thuật tỏ ra băn khoăn rằng cho đến nay trách nhiệm quản lý Nhà nước trong vấn đề này vẫn chưa được trả lời thấu đáo. “Cho đến thời điểm hiện tại chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm cho việc xả thải trái phép của công ty này cũng như chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước”, đại biểu Quảng Bình nêu.
Và ngay cả thông báo của UBKT T.Ư về kỳ họp thứ 11 của ủy ban (từ ngày 15 đến 17-2, tại Hà Nội), cũng cho thấy vẫn chưa có câu trả lời cho đại biểu Trần Công Thuật.
Cơ quan Đảng… điều tra tội phạm?
Căn cứ theo pháp luật dân sự lẫn hình sự và cả Hiến pháp, cho đến nay công dân Vũ Huy Hoàng không phạm bất kỳ tội danh nào. Chỉ xét riêng việc nếu có phát hành văn bản “cách các chức vụ” của ông Vũ Huy Hoàng, cho thấy khó thể viện dẫn bất kỳ điều luật nào trong hệ thống pháp quy để làm căn cứ pháp lý.
Bởi khi nhận được thông tin và nhận thấy một vụ việc nhất định có dấu hiệu tội phạm, trước tiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải khởi tố vụ án. Nếu xác định được đúng có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ Luật Hình sự, những cơ quan này sẽ chính thức khởi tố bị can.
Tại Điều 153, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 (hiện đang bị hoãn hiệu lực do chờ sửa đổi Bộ Luật Hình sự, nhưng nội dung cơ bản không thay đổi so với Bộ Luật Tố tụng Hình sự 1999), Cơ quan điều tra sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ một số trường hợp đặc biệt thuộc về Viện kiểm sát hoặc Hội đồng xét xử. Như vậy, chỉ có 3 đối tượng được trao quyền khởi tố làm rõ dấu hiệu tội phạm gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử. Trong đó, chỉ có Cơ quan điều tra thuộc nhà nước là có thẩm quyền điều tra.
Mặt khác, UBKT T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Nếu so với văn bản pháp luật là Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Bộ Luật Hình sự, về mặt lý thuyết, thẩm quyền của UBKT T.Ư là không thể so sánh về quyền lực và hiệu lực.
Cần khởi tố vụ án Formosa
UBKT T.Ư công bố danh sách hôm 22-2-2017 về các quan chức liên quan đến sai phạm của Formosa Hà Tĩnh, và sự thật họ có sai phạm hay không thì đòi hỏi cần phải khởi tố vụ án liên quan đến Formosa, với (có thể là) căn cứ Bộ Luật Hình sự, Điều 285, “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, nếu kết luận của UBKT T.Ư (nói ở trên) là đúng, thì các vị có tên trong danh sách này sẽ đứng trước vành móng ngựa với cáo buộc của hành vi “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm”.
Nói thêm, Điều 144, “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”. Điều 235, “Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều 301, “Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn”.
Nếu phiên tòa nói trên diễn ra, cho dù có là “án bỏ túi”, thì chắc chắn tối thiểu các nội dung sau đây sẽ được các luật sư của những bị cáo yêu cầu cơ quan tố tụng phải trưng ra được bằng giấy trắng mực đen: Dự án đầu tư của Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép với những nội dung gì? Ưu đãi như thế nào? Con số 500 triệu USD cho đền bù thiệt hại do xả thải là được tính toán trên cơ sở pháp lý ra sao? Tính pháp lý của việc thỏa thuận đền bù thiệt hại?
Chỉ khi được ông tổng bí thư gật đầu thì…
Liệu có khởi tố vụ án liên quan đến xả thải Formosa Hà Tĩnh hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cho phép hay không.
Vào ngày 7-7-2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Trong đó ghi nhận rõ, các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ được tiến hành các biện pháp tố tụng đối với đảng viên sau khi báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp Đảng viên đó, khi được tổ chức Đảng, cấp uỷ Đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt…
Vấn đề của Formosa Hà Tĩnh, thật ra không phải câu chuyện của ông Võ Kim Cự, của ông Hoàng Trung Hải (người không có tên trong danh sách của UBKT T.Ư hôm 22-2-2017) hay của người vừa rời ghế thủ tướng, mà chính là của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.