VNTB – Cần làm gì để kiểm soát quyền lực nhà nước?

VNTB – Cần làm gì để kiểm soát quyền lực nhà nước?

Loan Thảo

 

(VNTB) – Việt Nam không lựa chọn mô hình “tam quyền phân lập” vì ngại rằng sẽ nguy cơ đưa đến yêu cầu về đa nguyên.

 

Lo ngại này nếu xét trong bối cảnh chung về đời sống chính trị trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là đối với Mỹ, thì có lẽ cần có sự điều chỉnh đối với chính khách Việt Nam – cụ thể hơn là với Bộ Chính trị.

Tầm nhìn chính sách đối ngoại của Mỹ, vốn bắt nguồn từ tính đa nguyên dân chủ ở trong nước, cũng luôn ủng hộ tính đa nguyên tương ứng ở nước ngoài – trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.

Cho dù là trong nước hay ở nước ngoài, nhiệm kỳ nào của các đời Tổng thống Mỹ đều ủng hộ các hệ thống đa nguyên quản trị dựa trên tự do, thượng tôn pháp luật, và việc tôn trọng quyền của các nước láng giềng. Và chính bởi cái nhìn như vậy của chính phủ Mỹ về tính đa nguyên trong nước, bắt nguồn từ quyền chủ quyền của mỗi cá nhân, cho nên cái nhìn của chính khách Mỹ đối với tính đa nguyên ở nước ngoài cũng bắt nguồn từ quyền chủ quyền của mỗi quốc gia.

Một Châu Á đa nguyên là nơi mà các quốc gia đa dạng trong khu vực đều có thể tiếp tục phát triển như họ mong muốn. Các quốc gia được bảo đảm về quyền tự chủ của mình.

Các quốc gia được tự do là chính mình, như lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói, “Không có cường quốc bá quyền nào có thể thống trị hay ép buộc họ”.

Trong một Châu Á đa nguyên, các quốc gia được quyền sử dụng rộng rãi các tài nguyên chung của thế giới. Các vùng nước và vùng trời quốc tế thuộc về tất cả mọi người. Không một quốc gia nào có thể biến chúng thành sở hữu riêng hay thành vùng cấm địa.

Tính đa nguyên là cốt lõi trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, như Tổng thống Trump đã phát biểu tại Đà Nẵng hồi mấy năm trước, đại khái là: “Các quốc gia trong khu vực nên là một chòm sao đa dạng, mỗi ngôi sao đều tỏa sáng, và không có ngôi sao nào phải làm vệ tinh cho một ngôi sao khác”.

Dĩ nhiên điều quan trọng ở đây là cần nhìn nhận rằng các quốc gia trong khu vực đều trân trọng tầm nhìn này của nhau.

Theo ghi chép của sử gia John Pomfret, khi ông Đặng Tiểu Bình bay tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979, Ngoại trưởng Trung Quốc đã hỏi tại sao ông ấy lại chọn Hoa Kỳ để đi thăm đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo?. Ông Đặng đã nói, bởi vì các đồng minh của Mỹ đều giàu có và hùng mạnh, và nếu Trung Quốc muốn giàu có và hùng mạnh, nước này cần đến Mỹ.

Câu chuyện kể trên cũng là một bài học về trải nghiệm của chính Trung Quốc đối với tính đa nguyên. Trung Quốc đã từng đi theo một quỹ đạo tốt hơn trong giai đoạn cải cách và mở cửa của mình, khi nước này hướng đến tính đa nguyên lớn hơn trong chính trị và chính sách.

Việt Nam có lẽ đủ khôn ngoan cho lựa chọn thích hợp.

Hiến pháp năm 2013, việc kiểm soát quyền lực nhà nước chẳng những được quy định thành nguyên tắc ở Điều 2 mà ở khoản 2, Điều 119 còn quy định: “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp là do luật định”.

Theo đó, kiểm soát quyền lực nhà nước gồm 3 cơ chế quyền lực nhà nước lập pháp – hành pháp – tư pháp. Tuy nhiên cả ba cơ chế này cho đến nay chưa được hoàn thiện, nhất là bên trong mỗi quyền chưa có sự kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả. Vì thế, vẫn rất cần tham khảo một cách tỉnh táo liên quan đến cách hiểu về “đa nguyên”, về “tam quyền phân lập”, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Đây còn là đòi hỏi cấp thiết nhằm phòng, chống sự tha hóa quyền lực nhà nước, mà trước hết là đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)