Hà Nguyên
(VNTB) – Thất bại nặng nề cả hai mục tiêu chống dịch và kinh tế cần phải có người chịu trách nhiệm chớ không thể cứ rút kinh nghiệm mãi.
Kẻ đó là ai? Kẻ đưa Sài Gòn vào bế tắc không lối thoát và phải chịu trách nhiệm hơn 10 ngàn nhân mạng, chính là tên nửa chữ Y không biết, nhưng làm trưởng ban chống dịch quốc gia 2 năm liền.
Tên nửa chữ Y không biết đó, chính là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến được Bộ Chính trị phân công sang làm Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.
Thăng tiến nhờ con virus Vũ Hán
Cuối năm 2019, đầu 2020, đại dịch Covid-19 phát tán khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam họp bàn, ra chỉ thị kiên quyết đối phó dịch bệnh, trực tiếp bởi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, được Chính phủ chỉ đạo. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia chỉ đạo, được phân công nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Ngày 14-10-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định phân công ông Vũ Đức Đam tạm kiêm chức vụ Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trực tiếp lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của bộ – tức quyền Bộ trưởng Y tế. Ngày 07-07-2020, ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ này, và trao quyền lại cho Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng tại TP.HCM sau 36 ngày giãn cách xã hội, chiều ngày 6-7-2021 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo TP.HCM phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn sớm chấm dứt dịch trong cuộc làm việc trực tuyến với TP.HCM. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị “TP.HCM phải siết chặt tay nhau chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời hạn ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường”.
Ngày 25-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1438/QĐ-TTg, bổ nhiệm ông Vũ Đức Đam từ vị trí Trưởng ban xuống làm Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Ở trên là những tin tức dạng ‘bề mặt’ cho thấy đúng như truyền thông đưa tin, giai đoạn năm 2020 đến tháng 8-2021, khi được giao nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Vũ Đức Đam được ngợi ca với các biệt danh như Người hùng không ngủ, Tướng tư lệnh, Người thuyền trưởng tài ba….
Biến chủng Delta khiến tham nhũng dịch giã dần lộ diện?
Nếu nhìn qua lăng kính pháp luật sẽ nhận ra dường như rất cần đến hồi cứu trách nhiệm pháp lý của cựu quyền Bộ trưởng Y tế – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Một dẫn chứng thời sự: thực tế giá dịch vụ test Covid-19 nhanh, từ 150 ngàn đến 300 ngàn đồng, trong khi giá nhập kit test được một doanh nhân công khai phát biểu tại phiên họp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính là chỉ 30 – 40 ngàn đồng, đã gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.
Trong chương trình thời sự VTV1 vào 19 giờ ngày 30-9-2021. Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ Y tế, Nguyễn Nam Liên đã trả lời đại ý: Giá dịch vụ test Covid-19 không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá nên Bộ Y tế không chịu trách nhiệm.
Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên có lý, bởi căn cứ Điều 19 Luật Giá 2012, đúng là giá dịch vụ test Covid-19 không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Và như vậy cho thấy đây chính là sở hở trong quá trình làm luật của Quốc hội.
Nhưng trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long là phải đề xuất với Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực y tế Vũ Đức Đam và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Giá 2012. Bổ sung một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 vào Danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dịch Covid-19 diễn ra gần 2 năm, trong khoảng thời gian này đã trải qua 2 nhiệm kỳ Chính phủ, 2 khoá Quốc hội và Quốc hội đã họp bao nhiêu lần nhưng không ai nhìn thấy vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Đặc biệt là ông Vũ Đức Đam đã từng trực tiếp điều hành Bộ Y tế và làm Phó thủ tướng liên tục trong thời gian này.
Liệu có ai đó sẽ vào vai… Lê Lai?
Liên quan chuyện giá cả kit test, có liên tưởng vầy: Trong kinh tế học, câu chuyện kinh điển mà sinh viên marketing thường nghe là một công ty xuất nhập khẩu ngành giày cử 2 chuyên viên đi khảo sát thị trường mới để bán giày.
Sau khi khảo sát ở một đất nước kinh tế thị trường còn kém phát triển, một người viết báo cáo “nên mở cửa hàng giày vì thành phố này chưa có cửa hàng giầy”. Người thứ hai viết báo cáo “không nên mở cửa hàng giày vì dân ở đây không đi giày, nhà giàu đi dép còn người dân đi chân đất”.
Ông chủ tập đoàn đa quốc gia sau khi đọc báo cáo, bèn bay một chuyến sang quốc gia đó xin gặp lãnh đạo quốc gia.
Không biết ông chủ thuyết phục thế nào mà lãnh đạo quốc gia đó ban hành một sắc lệnh bắt mọi người dân khi ra đường, đến công sở, nơi làm việc phải đi giày. Thế là ông chủ mở hàng loạt cửa hàng giày và bán độc quyền giày với giá bán kinh khủng gọi đó là hàng hiệu.
Kết luận ở ngụ ngôn trên: Hình như có cái gì đó quen quen. Nếu chúng ta không tỉnh táo thì sẽ còn nhiều con virus sẽ đến. Từ virus máy tính, rồi bán phần mềm diệt virus máy tính, đến virus dịch bệnh để bán các kit test, thuốc men chữa bệnh… Chúng ta nên tỉnh táo, cần phải bớt tham nhũng tinh vi, bớt thủ đoạn lợi ích nhóm thì dân bớt chết oan. Chết vì bệnh là có thể, nhưng chết hàng loạt là câu hỏi cần phải làm rõ.
Nếu không làm rõ thì sẽ còn nhiều hình ảnh phản cảm khi người dân không muốn bị ngoáy mũi. Sẽ còn nhiều chủ tịch phường, xã phải xin lỗi dân. Họ làm theo lệnh cấp trên mà sao họ phải bị xin lỗi?. Hệ thống ban hành chỉ thị, văn bản ơi, ai là người chịu trách nhiệm về việc xin lỗi này?…